Trồng lạc trên chân ruộng đất cát pha
1. Lạc là cây trồng nhiệt đới chịu được hạn nhưng không chịu được úng. Vì vậy, khi trồng lạc cần chọn các chân ruộng cao thoát nước nhanh.
2. Cây lạc có khả năng tự tổng hợp được đạm từ khí trời để nuôi cây thông qua các nốt sần có trong bộ rễ. Nên có thể gieo trồng lạc trên các chân đất bạc màu, đất nghèo dinh dưỡng hoặc trồng lạc xen canh với các cây trồng phàm ăn như ngô, sắn, nghệ...
Tuy nhiên, giai đoạn dưới 5 lá thật cây lạc chưa thể tự dưỡng được bằng nguồn đạm tự tổng hợp từ các nốt sần ở bộ rễ, nên thời kỳ này vẫn cần bón thêm 3 - 4kg đạm urê/1 sào Bắc bộ, bao gồm bón lót 50%, bón thúc 50% khi cây có 2 - 3 lá thật.
Mặt khác, vi khuẩn cố định đạm trong nốt sần rễ lạc là vi khuẩn háo khí và tia củ lạc hình thành trên mặt đất rồi đâm xuống đất để phát triển củ, nên cần trồng lạc trên các chân ruộng đất cát pha, thịt nhẹ tơi xốp, thoáng khí, vun xới hợp lý và bón đủ lượng phân chuồng 300 - 400kg/1 sào.
3. Yêu cầu nhiệt độ cho thời kỳ nảy mầm của cây lạc là 25 - 30oC, do đó thời vụ gieo trồng lạc nên bắt đầu từ sau tiết Lập xuân (5 - 15/2). Sau lập xuân thời tiết cơ bản sẽ hết rét đậm, rét hại, có mưa xuân, ẩm độ, nhiệt độ không khí tăng dần, thuận lợi cho cây lạc nảy mầm, sinh trưởng phát triển. Tốt nhất nên áp dụng quy trình thâm canh lạc che phủ ni lông. Che phủ ni lông sẽ giữ ấm, giữ ẩm luống lạc tốt hơn, đất không bị chặt bí, không bị rửa trôi dinh dưỡng, cỏ dại khó phát triển, năng suất lạc tăng hơn 20%.
4. Phân lân và vôi với cây lạc: “Không lân không vôi thì thôi trồng lạc” là kinh nghiệm luôn đúng của nhà nông.
+ Lân đóng vai trò quan trọng trong việc cố định đạm của nốt sần rễ cây và sinh tổng hợp lipit trong hạt quả ở thời kỳ chín. Lân còn có tác dụng kéo dài thời kỳ ra hoa, tăng tỷ lệ hoa hữu hiệu. Bón đủ lân giúp tăng năng suất lạc 30 - 35%. Lượng lân bón/sào là 12 - 15kg, bón lót 100%.
+ Vôi đặc biệt thiết yếu với cây lạc (hơn cả lân). Cây lạc cần vôi trong suốt quá trình sinh trưởng. Từ sau mọc đến ra hoa rộ, cây lạc cần vôi cho hình thành các nốt sần. Khi tia củ đâm vào đất sẽ cần vôi để phát triển củ, nên tại vùng đất hình thành củ cần thiết phải có vôi. Lượng vôi bón/1 sào lạc từ 15 - 20kg, bón lót 40%, thúc lần 1 (khi cây có 2 - 3 lá thật) 30%, thúc lần 2 (sau hoa ra rộ 7 - 10 ngày) nốt số vôi còn lại.
5. Phân kali với cây lạc: Do lạc xuân chủ yếu gieo trồng trên các chân ruộng đất cát pha, đất bạc màu - rất nghèo kali. Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng của cây lạc nằm trong vụ xuân, trời âm u, ánh sáng yếu, bón kali cho lạc sẽ giúp cây tăng khả năng quang hợp, tăng ra hoa, đậu quả. Lượng kali bón/1 sào là 3 - 4kg, bón lót 50%, bón thúc 50% khi cây ra hoa đậu quả.
6. Lạc nở hoa và thụ phấn thụ tinh vào chiều tối (lạc đom đóm). Tỷ lệ đậu quả giữa các cành trên cây là: cành cấp 1; 2 là 55 - 60%, cành cấp 3; 4 khoảng 25 - 30%, cành cấp 5; 6 chỉ đạt 10%. Dựa trên các đặc tính ra hoa, đậu quả của lạc, chúng ta có thể tác động các biện pháp kỹ thuật giúp gia tăng năng suất như:
- Xới xáo và bón thúc lần 1 (khi cây có 2 - 3 lá thật): Rắc phân và xới phá váng cho đất tơi xốp và phân bón trộn đều trong đất, nhưng tuyệt đối không vun luống, nhằm tạo độ thoáng dưới gốc, giúp cây phân cành nhiều, nhiều cành cấp 1, nhiều hoa hữu hiệu, nhiều quả.
- Xới lần 2: Khi cây có 7 - 8 lá thật (sau mọc 25 - 35 ngày) nên xới sâu 5 - 6cm giữa hàng và cũng không vun gốc, để cho luống lạc luôn thoáng khí và tơi xốp, nốt sần phát triển nhiều, giúp cây lạc có thể tự dưỡng.
- Xới xáo và bón thúc lần 3: Khi lạc ra hoa rộ 7 - 10 ngày tiếp tục xới xáo kết hợp bón vôi và vun gốc, tạo điều kiện cho tia củ đâm xuống đất, hình thành và phát triển củ thuận lợi, tăng năng suất.
7. Lạc là cây có khả năng chịu hạn tốt, nhưng vào các thời kỳ xung yếu (6 - 7 lá và phát triển củ) vẫn cần tưới nước để tăng năng suất. Cách tưới, bơm nước ngập 2/3 rãnh chờ nước thấm đều mặt luống rồi rút kiệt.