Tuyến kênh TN17 đẹp như trong tranh.
Đặc biệt, với lượng nước sạch dồi dào từ hồ Dầu Tiếng cùng hệ thống kênh thủy lợi phân bố hầu hết các địa phương, Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Tận dụng lợi thế kênh rạch
Để tìm hiểu đời sống bà con nông dân, giữa mùa nắng nóng gay gắt của vùng đất phương Nam, PV NNVN có dịp đi dọc 2 bên tuyến kênh TN17 đoạn chảy qua địa phận huyện Châu Thành (Tây Ninh). Hình ảnh hiện lên trước mắt là dòng nước xanh ngắt dâng đầy khắp mặt kênh.
Nếu như ở đoạn qua 2 xã An Bình và Thanh Điền lòng kênh dường như thu nhỏ lại, dịu dàng uốn lượn, thì ở đoạn chảy qua các xã Đồng Khởi, Thái Bình (Châu Thành) dòng kênh trở nên rất thênh thang, rộng rãi.
Nhờ có nước, những ruộng lúa 2 bên tuyến kênh xanh rì xen kẽ là những ao nuôi cá nằm san sát không khác gì cảnh miệt vườn sông nước miền Tây.
Xã Thái Bình được biết đến là thủ phủ lúa của huyện Châu Thành. Thế nhưng, từ khi tuyến kênh TN17 được đưa vào sử dụng hơn 15 năm trước, nhờ lợi thế tự nhiên, định hướng phát triển của địa phương, cùng với sự thích ứng của người dân, nghề nuôi cá dọc kênh ngày càng phát triển.
Chỉ tính riêng ở ấp Suối Nguồn, xã Thái Bình có đoạn kênh chảy qua xã dù rất ngắn, nhưng đã có hơn 10 hộ phát triển nghề nuôi cá.
Người địa phương cho biết, mặc dù trải qua nhiều biến cố do dịch bệnh và giá cả bấp bênh, thế nhưng, bà con vẫn duy trì sản xuất góp phần không nhỏ vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Mô hình nuôi cá VietGAP của gia đình bà Lê Thị Ngát, ấp Suối Nguồn, huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Là một trong những hộ sớm bén duyên với nghề nuôi cá, gia đình ông Thiều Quang Tùng (ấp Suối Nguồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) sở hữu cho mình 4 ao nuôi cá với tổng diện tích gần 8.000 m2. Ông Tùng nhớ lại, trước đây, cũng như các hộ khác, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng 1 vụ/năm nhưng hiệu quả không cao vì thiếu nước.
Từ khi có kênh thủy lợi TN17 đi qua, ban đầu nhà tôi chuyển một mảnh ruộng thấp sang làm ao nuôi cá theo phương thức 1 vụ cấy lúa, 1 vụ nuôi cá. Sau đó thấy việc nuôi cá có hiệu quả, cứ thế, tôi chuyển đổi dần, đến nay toàn bộ diện tích đất của gia đình đều tận dụng để nuôi cá.
Ông Tùng cho biết, lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông thả nhiều loại cá trên cùng 1 diện tích. Do không gian sống chật hẹp, cá lớn rất chậm, ngoài ra một số loại có xu hướng ăn thịt lẫn nhau, hiệu quả kinh tế thấp. Trong một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi cá rô đầu vuông cho hiệu quả kinh tế cao, sau khi tham quan học hỏi thực tế tại các mô hình, năm 2011 ông quyết định đầu tư vào con cá này
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông của gia đình anh Thiều Quang Tùng.
Theo ông Tùng, đây là loại cá dễ nuôi, nhanh lớn và có thể nuôi được với mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, trung bình chỉ từ 4 - 5 tháng là có thể xuất bán. Thịt cá rô này dai, thơm ngon, lại chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như bún cá, canh, miến hay bánh đa không kém gì rô đồng nên được thị trường ưa chuộng...
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, ông Tùng cho hay, loài cá này cũng giống như rô đồng nên có sức sống rất khỏe và ít bị bệnh, ưu điểm nữa là nhanh lớn, có thể thả được mật độ dày. Trong quá trình nuôi, chỉ cần chú ý đến nguồn nước và cho ăn đầy đủ là cá sẽ phát triển tốt.
“Nuôi cá thường lấy công làm lời. Cá nuôi thường mắc chủ yếu một số bệnh như nấm, hô hấp dẫn đến chết. Nếu phòng ngừa, vệ sinh ao, lọc nước sạch khi đưa nước vào ao trước khi nuôi, cá sẽ ít bị bệnh”, ông Tùng nói.
Đến nay, sau gần 8 năm nuôi loại cá này, trung bình mỗi năm ông Tùng xuất ra thị trường khoảng 80 tấn cá rô, giá dao động 25.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi không dưới 300 triệu đồng. So với trồng lúa, mô hình này hiệu quả gấp rất nhiều lần.
Hướng đến sản xuất an toàn
Nhờ sự quan tâm và định hướng phát triển của chính quyền địa phương, nhiều hộ nuôi cá ở huyện Châu Thành đã dần chuyển từ hình thức nuôi truyền thống sang hướng VietGAP để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là người tiên phong chuyển sang mô hình nuôi cá rô đầu vuông theo quy trình kỹ thuật VietGAP, bà Lê Thị Ngát (ngụ xã Thái Bình) cho biết, so với cách nuôi truyền thống, mô hình nuôi cá VietGAP hiệu quả hơn nhiều bởi chi phí đầu tư gần như nhau nhưng cá sạch, giá bán được cao hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Ngát khẳng định, để “thắng” một vụ nuôi cá thịt thì người nuôi phải chọn được con giống tốt, kiểm soát tốt nguồn nước, dịch bệnh. Theo đó, trước khi thả nuôi, ao nuôi phải được khử trùng cẩn thận và nguồn thức ăn cho cá phải đảm bảo không nhiễm tạp chất, tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Hiện tại bà Ngát có gần 1 ha ao cá, năng suất khoảng 9 tấn/ha, giá bán dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg (cá VietGAP cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg), sau trừ chi phí mỗi năm gia đình bà lãi hàng trăm triệu đồng.
Cán bộ nông nghiệp địa phương kiểm tra lưu lượng nước trên kênh.
Báo cáo của tỉnh Tây Ninh cho thấy, năm 2019 tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định với tổng diện tích nuôi trồng đạt 774 ha, tăng 3,6% so với năm 2018. Hạ tầng thủy lợi tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt việc duy tu bảo dưỡng, điều tiết nước tưới hợp lý.
Đặc biệt, với sự quan tâm của Chính phủ, dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây, thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NN-PTNT quản lý sẽ nâng năng lực tưới, tiêu, giảm ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 4 huyện phía bắc của tỉnh Tây Ninh là Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2021.