Đinh Bạt Quy - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tâm Nông Việt.
Là một trong những người tiên phong ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp tại Long An, với niềm đam mê nông nghiệp từ thời sinh viên, chàng trai 9X Đinh Bạt Quy, kỹ sư ngành Viễn thông đã luôn ấp ủ, tìm tòi để “chinh phục” nghề nông.
Tiêu chuẩn “5 không”
Ra trường, làm công việc với mức lương ổn định tại Viettel, nhưng Đinh Bạt Quy luôn thôi thúc và quyết tâm làm nông nghiệp. Và rồi anh thuyết phục gia đình, nhưng lại nhận được sự phản đối.
“Ngày ấy, các cụ luôn nghĩ làm nông là “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, “được mùa mất giá”, chưa hình dung được cách làm và hướng đi của mình nên phản đối kịch liệt”, Quy chia sẻ.
Một mình đi khắp các tỉnh thành lân cận của TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… để tìm thuê đất, nhưng cuối cùng mảnh đất mà Đinh Bạt Quy cảm thấy phù hợp với mình, với sản phẩm mà mình hướng tới là Long An.
Ban đầu, với số tiền vốn chỉ 120 triệu đồng, Quy liều thuê 5.000m2 tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An để bắt đầu khởi nghiệp.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của HTX Tâm Nông Việt tại tỉnh
Long An.
“Khi ấy tôi nghĩ, muốn khởi nghiệp phải “Lớn – Liều – Lì”. Suy nghĩ lớn để khởi nghiệp, đã khởi nghiệp thì phải liều; trong cái liều thì phải lì và can đảm. Nên tôi cứ thế thuê đất, rồi gọi điện thuyết phục cha mẹ tìm cách hỗ trợ vốn dần dần”, Quy chia sẻ.
Tự mày mò tìm hiểu công nghệ, kỹ thuật, lựa chọn giống, tìm kiếm nguồn vốn, Đinh Bạt Quy có lúc cảm thấy mình “cô đơn” trên con đường khởi nghiệp. Nhưng rồi, cứ thuyết phục, Quy cũng nhận được sự hậu thuẫn của gia đình và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương tỉnh Long An.
Ban đầu, Quy đầu tư 1.000m2 cho nhà màng trên diện tích 5.000m2 đã thuê với tổng số vốn đầu tư 500 triệu đồng (từ giống, nhà màng, phân trùn quế…) để trồng dưa lưới theo hướng CNC với tiêu chuẩn “5 không”: Không phân bón hóa học - không thuốc bảo vệ thực vật - không thuốc kích thích tăng trưởng - không thuốc diệt cỏ - không chất bảo quản.
Đinh Bạt Quy kiểm tra từng cây dưa lưới.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, Đinh Bạt Quy sử dụng nước sạch từ nguồn nước máy, phân trùn quế, xơ dừa để canh tác; sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu dịch bệnh.
Vừa là người sản xuất, vừa tìm kiếm thị trường, lứa dưa lưới đầu tiên đưa ra thị trường chủ yếu phải phụ thuộc vào thương lái với sản lượng gần 4 tấn, giá chỉ 50.000đồng/kg. Đến những đợt dưa tiếp theo, vừa bán, vừa tặng, vừa cho để khách hàng dần dần tin tưởng vào sản phẩm của mình. Sau đó, Quy đã dần tìm kiếm được khách hàng qua người quen, bạn bè và các kênh bán lẻ như Zalo, Facebook…
Ngon – sạch – chất lượng
Nhận thấy trồng dưa lưới ứng dụng CNC cho năng suất ổn định, bảo đảm an toàn chất lượng, năm 2018, Quy liên kết thêm sáu thành viên thành lập HTX Tâm Nông Việt và là HTX gồm những thanh niên trẻ tuổi đầu tiên của Long An ứng dụng CNC.
Sau hơn hai năm hoạt động, đến nay HTX Nông nghiệp CNC Tâm Nông Việt đã phát triển sản phẩm dưa lưới với tổng diện tích hơn 3hecta, cung cấp hàng chục tấn mỗi tháng cho người tiêu dùng tại 34 tỉnh thành trên cả nước. Với doanh thu 2,97 tỷ đồng/năm.
“Dưa lưới có rất nhiều giống, tuy nhiên tôi lựa chọn giống TL3 của Thái Lan bởi nó phù hợp với phân khúc khách hàng mà mình hướng đến với ưu điểm sản phẩm ngọt, thơm, giòn”, Quy nói.
HTX Nông nghiệp CNC Tâm Nông Việt tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sản phẩm dưa lưới của HTX Nông nghiệp CNC Tâm Nông Việt được dán nhãn, có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được người tiêu dùng đón nhận. Đó là thành quả bước đầu sau những ngày “chinh phục” nghề nông của Đinh Bạt Quy.
Đến nay, mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp CNC Tâm Nông Việt đã được nhiều người dân tỉnh Long An và các tỉnh thành khác đến tham quan, học hỏi; tạo công ăn việc làm cho 23 lao động địa phương.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra chuỗi giá trị bền vững để phát triển một nền nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng trong nước và thế giới. Chính vì vậy, HTX sẵn sàng chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất cho bà con nông dân. Đối với sản phẩm của người nông dân phải trồng theo các tiêu chuẩn của HTX thì chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm”, Đinh Bạt Quy chia sẻ.
Khi nói về kế hoạch sắp tới, Quy cho biết, đang tập trung nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm nước dưa lưới (đóng lon) cho thị trường nước ngoài bởi đã có sẵn đơn đặt hàng. Dự kiến, tháng tới sẽ cho ra mắt sản phẩm này.
“Mục đích của việc phát triển thêm sản phẩm nước dưa lưới là để tận dụng những trái không đẹp bên ngoài để bán trái, cùng với đó khi mở rộng quy mô sẽ giải quyết được lượng lớn dưa lưới, tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân. Giá trị dinh dưỡng của nước dưa lưới vẫn đảm bảo giống trái dưa lưới, không chứa bất cứ thành phần nhân tạo nào”, Quy hào hứng chia sẻ.
Để minh chứng, Quy dẫn chúng tôi đi thăm các farm liên kết cùng các hộ nông dân trong tỉnh Long An mới thấy được quy mô mà họ đã đầu tư. Đến đâu, cũng là một quy trình bài bản, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nhìn những trái dưa căng mọng đang chờ ngày thu hoạch, chúng tôi biết, Đinh Bạt Quy, HTX Tâm Nông Việt và những người nông dân nơi đây đã thành công phát triển sản phẩm dưa lưới ứng dụng CNC, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chinh phục khách hàng trong nước và thế giới.
|