Thu lợi cao từ nông sản VietGAP (24/08/2020)

Khoảng 6 năm trở lại đây, phong trào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước phát triển mạnh. Nhiều mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà màng được các hộ nông dân đầu tư thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Thanh Phú (Bình Long), gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ, ngụ tổ 2, ấp Phú Thành đã đầu tư 2,7 tỷ đồng để xây dựng 7.000m2 nhà màng trồng dưa lưới và rau càng cua theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ý tưởng trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ trong nhà màng của ông Nguyễn Hữu Thọ nhen nhóm từ năm 2010. Khi đó, mô hình này chỉ mới xuất hiện ở một số nơi như Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu, Sơn La..., còn tại Bình Phước chưa ai thực hiện. Vì vậy, cha con ông Thọ đã rong ruổi nhiều tháng trời đi Đà Lạt, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng. Tuy nhiên, những nơi ông Thọ đã đi qua cũng chỉ tham khảo là chính, bởi rất khó áp dụng do nhiều yếu tố nên ông phải kết hợp tìm kiếm thông tin từ internet, sách, báo để tham khảo, áp dụng.

Đến cuối năm 2016, ông Thọ thuê công ty tư vấn và xây dựng 7.000m2 nhà màng kiên cố, hiện đại để trồng dưa lưới, rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao, đồng thời tham gia học lớp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAP. Hiện gia đình ông có 5 nhà màng, trong đó 4 nhà màng trồng dưa lưới, 1 nhà trồng rau càng cua. Các nhà màng được ông Thọ xây dựng rất hiện đại với 2 lần cửa ra vào, lưới dày màu trắng để hấp thu ánh sáng, ngăn nhiệt mặt trời và ngăn ngừa các loại sâu bệnh, nước mưa... Mô hình trồng dưa lưới, rau của ông Thọ tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ chọn giống đến nước tưới, phân bón. Vì được trồng trong nhà kính, cùng hệ thống tưới phun sương nên độ ẩm trong đất luôn đảm bảo, rau, quả phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh, từ đó hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.


Ông Nguyễn Hữu Thọ chăm sóc vườn dưa lưới của gia đình

Ông Thọ cho biết, trồng dưa lưới nhàn, đầu tư ban đầu tuy hơi lớn, song sản phẩm thu được sạch và an toàn, không phụ thuộc thời tiết, ngăn ngừa được sâu bệnh hại, giảm đáng kể các khoản chi phí. Đây cũng là hướng đi phù hợp khi thị trường rau quả không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Dưa lưới của gia đình ông xuất bán ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các siêu thị lớn.

Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, ông Thọ chia sẻ, sau mỗi lứa thu hoạch, chuẩn bị đất, cày xới, phơi nắng, bón phân lót 2-3 tuần thì gieo trồng vụ tiếp theo. 10 ngày đầu sau khi gieo, chú ý các bệnh như nấm, thối rễ, héo lá, nhũn thân... Khi dưa bắt đầu ra bông, cứ 1 sào ông Thọ đưa 2 thùng nuôi ong mật thả vào nhà màng để ong giúp cây thụ phấn. Khi cây đậu trái thì giữ những trái đạt yêu cầu, còn lại cắt bỏ hết; kết hợp cắt chồi, tỉa lá gốc ở độ cao khoảng 70-80cm so với mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn dưa và giảm lượng đạm, bón tăng lượng kali, canxi. Ngày tưới nước 4 lần bằng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt với liều lượng 1 lít/cây/ngày. Nếu phát hiện dấu hiệu của sâu thì dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, định kỳ 15 ngày/lần, như vậy vẫn đảm bảo thời gian cách ly. Sau 75 ngày, dưa lưới cho thu hoạch. Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày, ông dùng dụng cụ đo độ ngọt của dưa và khống chế ở mức nhất định để đảm bảo chất lượng dưa tốt nhất. Với năng suất trung bình 1,5kg/cây, tương đương sản lượng 3-4 tấn/sào với giá bán từ 30-35 ngàn đồng/kg, mỗi sào cho thu trên 100 triệu đồng, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 60%. Trung bình 1 năm gia đình ông Thọ trồng được 3 lứa dưa, sản lượng khoảng 100 tấn trái.

Sản xuất theo quy trình khép kín, sau mỗi vụ thu hoạch dưa lưới, ông tận dụng “giá thể” đã trồng dưa để trồng rau càng cua. Theo ông Thọ, trồng rau càng cua rất đơn giản. Đầu tiên chuẩn bị hạt giống chất lượng, ươm giống, trồng cây, sau khoảng 70 ngày sẽ cho thu hoạch. Có thời điểm ông trồng rau tại 2 nhà kính, mỗi nhà thu về 2 tấn rau. Với giá thị trường hiện nay từ 18-30 ngàn đồng/kg, mỗi vụ ông lãi hơn 20 triệu đồng/nhà kính. Tuy nhiên, do thị trường rau càng cua không ổn định, lệ thuộc vào từng mùa, từng thời điểm nên việc xuất bán loại rau này đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Thọ chỉ trồng rau càng cua để bán theo đơn đặt hàng.

Để thuận lợi chăm sóc vườn dưa lưới, rau an toàn, ông đã tìm tòi, nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại máy móc, từ máy làm đất, máy đánh tan xơ dừa, máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt, trồng cây... giúp tiết giảm nhiều công lao động, hạ giá thành, đem lại lợi nhuận cao. Được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự tạo nên vườn dưa, rau nhà ông Thọ cho năng suất cao, đảm bảo an toàn chất lượng. Mô hình dưa lưới, rau của gia đình ông Thọ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa bàn. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, cùng việc quản lý và sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, việc sản xuất trong nhà màng loại bỏ các yếu tố gây bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.

Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất trong nhân dân thì rất cần có chuỗi cửa hàng cung ứng rau, quả sạch từ trang trại đến người tiêu dùng. Nhất là việc xây dựng thương hiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định và được các cấp, ngành hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn nữa đang là điều mong mỏi của nhiều hộ dân trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước hiện nay.

Theo GIA NGHI (baobinhphuoc.com.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 232
Tổng truy cập: 39319647