Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, Hiệp định EVFTA giúp ngành tôm tăng sức cạnh tranh.
Hôm nay (11/9), lễ xuất khẩu tôm đi châu Âu của Công ty Công ty Thông Thuận (Ninh Thuận) theo Hiệp định thương mại EVFTA được triển khai. Đây là lô tôm hưởng mức thuế suất 0% qua EU.
Nhân sự kiện này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã trả lời về những thuận lợi và những vấn đề đặt ra khi xuất khẩu tôm vào thị trường này.
Cơ hội rộng mở
Thưa ông, trong khi các mặt hàng khác gặp nhiều khó khăn thì 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn giữ đà tăng trưởng rất tốt. Lý do là gì, thưa ông?
Có thể nói rằng ngành tôm của chúng ta một trong những ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng. Ngay trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng sự tăng trưởng vẫn được đảm bảo.
Có thể nói rằng các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa thị trường, thứ hai là các cơ quan, tổ chức nhà nước nắm bắt rất kịp thời các thông tin, tình hình sản xuất, chế biến trong đó có lĩnh vực tôm ở các quốc gia. Thứ 3 là một số quốc gia do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc chỉ đạo sản xuất bị đứt gãy còn Việt Nam vẫn duy trì được sản xuất.
Thứ 4, đối với lĩnh vực ngành tôm là một trong những ngành theo định hướng theo tái cơ cấu, chế biến sâu rất nhiều. Chính vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên xu hướng các sản phẩm siêu thị có thể tiêu dùng ngay được người dân ưa chuộng, đấy là những điểm duy trì giúp ngành tôm phát triển.
Nhu cầu nhập tôm của các nước hiện ra sao? Việt Nam cần làm gì để chớp cơ hội này?
Tôm là một ngành hàng rất đặc thù, nhu cầu của thế giới trong thời gian qua thì năm nào cũng tăng. Đây là sản phẩm rất đặc biệt nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vừa qua, chúng ta đã dự báo trước để sản xuất, trong khi một số quốc gia cạnh tranh với chúng ta như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia... điều gặp khó khăn nên sản lượng của họ giảm. Chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, duy trì được sản xuất và đây là cơ hội chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu ngành tôm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU được thực thi. Đây là cơ hội để duy trì sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh so với các quốc gia không nằm trong hiệp định. Chính vì những điều này mà những nhà nhập khẩu quốc tế đã quan tâm đến ngành tôm Việt Nam và lý do duy trì được sản lượng xuất khẩu.
Ngành tôm cần tăng cường về khoa học công nghệ, đặc biệt là chủ động được đàn tôm bố mẹ để sản xuất con giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ngành tôm cần tăng cường về khoa học công nghệ, đặc biệt là chủ động được đàn tôm bố mẹ để sản xuất con giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.
Khi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ 1/8/2020, nhiều mặt hàng tôm sẽ giảm thuế suất về mức 0%, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của mặt hàng tôm tại thị trường lớn này? Chiến lược của ngành thủy sản ở thị trường này là gì?
Các sản phẩm tôm được hưởng thuế suất xuất khẩu bằng 0% sẽ thúc đẩy sự gia tăng về xuất khẩu. Một số khác là các sản phẩm chế biến sâu được về 0% trong 3-5 năm tới thì tôi nghĩ đây là một cơ hội rất tốt để trước mắt Việt Nam thúc đẩy sản xuất và cũng là giúp chúng ta có được kế hoạch lâu dài để tái cơ cấu ngành.
Về phía của chúng ta là có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU trong đó có sản phẩm tôm nhưng mặt ngược lại là những thách thức. Đó là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về chất lượng.
Để gia tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần kiểm soát chặt về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, tăng cường các nguồn nuôi sạch và nuôi có kiểm soát.
Cần tổ chức lại sản xuất
Đâu là điều mà ngành tôm cần giải quyết ngay và đâu là vấn đề cần giải quyết lâu dài để việc xuất khẩu tôm vào châu Âu có tính đột phá?
Trước mắt, để đáp ứng truy xuất nguồn gốc cho thị trường EU và các thị trường khác thì Bộ NN-PTNT nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh các việc cấp mã số vùng nuôi tôm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Thứ 2, các địa phương cần làm là tổ chức lại sản xuất vì sản xuất tôm nhỏ lẻ đang còn nhiều nên việc truy xuất nguồn gốc và khả năng cạnh tranh yếu.
Do vậy, nếu không tổ chức liên kết thì sức cạnh tranh cũng sẽ bị yếu. Về lâu dài thì chúng ta vẫn phải tiếp tục tăng cường về khoa học công nghệ, đặc biệt là chủ động được đàn tôm bố mẹ. Đặc biệt hơn là cần kiểm soát chặt về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, tăng cường các nguồn nuôi sạch, nuôi có kiểm soát. Thứ 3 là cần xây dựng thương hiệu tôm của chúng ta để tăng sức cạnh tranh.
Ngày 11/9, Công ty Thông Thuận xuất lô tôm đi EU. Ông đánh giá gì về sự kiện này? Tới đây, ngành Thủy sản có những hoạt động gì để khích lệ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường EU?
Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp của chúng ta rất nỗ lực để đảm bảo sự lưu thông hàng hóa một cách bình thường. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn thiện thủ tục bắt buộc để khi hàng cập cảng đến châu Âu sẽ được căn cứ để áp dụng mức thuế theo hiệp định thương mại.
Việc Công ty Thông Thuận xuất lô tôm đi EU là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng thấy được sự cố gắng của các cơ quan nhà nước khi đã đàm phán thành công để chúng ta có được hiệp định. Đây cũng là sự vào cuộc của doanh nghiệp để thể hiện rằng chúng ta có những cơ hội và tranh thủ những cơ hội đó để ngành tôm phát triển.
Về lâu dài thì giữa các cơ quan quản lý, giữa doanh nghiệp, hiệp hội và nông dân, giữa Trung ương và địa phương cần rà soát, quản lý vùng nuôi, kiểm soát đầu vào, tổ chức lại sản xuất, gắn kết với nhà máy, xây dựng thương hiệu, cung cấp các thông tin thị trường và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ... đây là toàn bộ khối công việc mà chúng ta cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!