Ảnh minh họa
Theo kế hoạch UBND tỉnh mới ban hành về việc đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng 98%; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng 75% (so với 72,5% năm 2022). Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát vi phạm quy định về ATTP giảm 10% so với năm 2022. Tỷ lệ sản phẩm chế biến làm sẵn, ăn liền tăng 5%/năm so với năm 2022. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10% so với năm 2022. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng 5%/năm so với năm 2022. Và trên 80% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.
Tỉnh cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu đảm bảo chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo quy định. Thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP. Đặc biệt là, kịp thời xử lý sự cố ATTP, đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023” đạt kết quả thiết thực; và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Thực hiện tốt việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí… tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Duy trì, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Các Sở Y tế/Công Thương có nhiệm vụ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản (tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Sở), xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP.
Trong năm nay, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; tiếp nhận, giám sát hoạt động tự công bố sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có các dấu hiệu, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản. Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn. Phối hợp với các Sở (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế) tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, lưu thông các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch. Hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện “Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023” đạt hiệu quả.
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc lưu thông thực phẩm nông lâm thủy sản kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT), Đài VTV8, Báo Thừa Thiên Huế thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với các Sở (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương) thường xuyên đưa tin phản ánh các hoạt động đảm bảo chất lượng ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố Huế; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện cơ chế chính sách pháp luật trong giám sát ATTP nông lâm thủy sản tại các địa phương…