Làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương,
Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) có Viện trưởng - GS.TS Phan Thị Kim; Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện NFSI - ông Nguyễn Hữu Dũng, cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của Viện.
Phía Bộ Công Thương có Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bà Lê Việt Nga Trưởng đoàn, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ cùng sự tham gia của Chuỗi siêu thị Saigon Co.op tại Hà Nội,
Công ty Cổ phần Vifotec...
Sau khi nghe đại diện Vụ Thị trường trong nước giới thiệu các hoạt động chuyên môn liên quan đến hoạt động xây dựng mạng lưới cung ứng thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Công Thương chia sẻ về các hoạt động liên quan, điển hình như: Bộ Công Thương đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Theo đó, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) sẽ cung cấp chuyên gia an toàn thực phẩm hỗ trợ Vụ Thị trường trong nước xây dựng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn, cơ quan đầu mối phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, cơ quan Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan để triển khai các nhiệm vụ lĩnh vực an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương.
Vụ Thị trường trong nước – đơn vị được giao nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông, tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu phân phối; kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; lồng ghép nội dung công tác thường xuyên và nhiệm vụ được giao vào các hoạt động: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; công tác bình ổn thị trường thông qua các kênh phân phối hàng bình ổn thị trường tại các thành phố lớn; đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,...
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, cuối tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó tại mục 5.5 “Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đối với người tiêu dùng” của Phụ lục ban hành kèm Quyết định 300/QĐ-TTg có nêu rõ: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương triển khai Mô hình phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn.
“Với chủ trương đó, hiện đã có những đơn vị hoạt động bán lẻ, nổi bật như Saigon Co.op đã trở thành một điển hình trong đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững kinh tế xanh theo xu thế kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể học tập, xúc tiến các hoạt động kết nối các nhà bán lẻ tại Việt Nam”.
Vụ Thị trường trong nước mong muốn các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tham gia xây dựng hệ thống phân phối lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Bày tỏ ý kiến ủng hộ, đại diện Hiệp hội bán lẻ Việt Nam mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn nữa các mối quan hệ hợp tác từ các đơn vị như Viện NFSI nhằm thúc đẩy và phát triển toàn diện công tác quản lý, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong hệ thống.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Phan Thị Kim cho biết, trước đà phục hồi của các ngành sản xuất, kinh doanh sau khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19, Viện NFSI cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối, hỗ trợ các nhà bán lẻ trong nước nắm bắt được thực trạng, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tiếp cận chính sách khả thi... cho sản phẩm thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm,... theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện.
Để “Chung tay giữ gìn bản sắc Việt với một nền nông nghiệp sạch”, từ năm 2019, Viện NFSI đã xây dựng và triển khai Ứng dụng phần mềm VfSC trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Cách tiếp cận của NFSI dựa trên nguyên tắc “từ trang trại tới bàn ăn” của FAO, WHO.
Trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin công nghệ Blockchain, VfSC quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam với các tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP; Asean GAP; GlobalGAP; ASC, trang trại khi tham gia VfSC sẽ được Viện an toàn thực phẩm và dinh dưỡng chứng nhận sản phẩm phù hợp với Tiêu chuẩn VfSC theo phương thức
chứng nhận điện tử (e.GAP); được các đơn vị đối tác của VfSC chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn VietGAP/Asean GAP/GlobalGAP/ASC.
Thông qua ứng dụng phần mềm VfSC, Viện NFSI sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển chuỗi an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi./.