Vĩnh Phúc: Nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả (17/04/2023)

Để khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều mô hình trình diễn, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, qua đó hình thành và lan tỏa các phương thức sản xuất mới, tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Đồng thời, giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

 

Các mô hình khuyến nông hiệu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân

Trước đây, ông Lê Minh Hiền, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường chăn nuôi lợn theo truyền thống, chuồng trại hở dẫn đến chăn nuôi kém hiệu quả. Năm 2020, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn khép kín với quy mô 20 lợn nái, 100 lợn thịt và áp dụng mô hình chăn nuôi lợn quy trình VietGAP theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Ông Hiền cho biết, quy trình nuôi lợn theo quy trình VietGAP được gia đình áp dụng khá bài bản; chuồng trại được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên; định kỳ phun thuốc khử trùng toàn bộ diện tích xung quanh chuồng trại; có hố khử trùng tại cửa mỗi dãy chuồng nuôi; ghi chép đầy đủ thông tin về loại thức ăn, nguyên liệu thức ăn đã mua và sử dụng; không sử dụng các hóa chất, kháng sinh bị cấm trong thức ăn chăn nuôi theo quy định. Với việc được cấp chứng nhận VietGAP và ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, giá bán lợn thương phẩm của gia đình cao hơn 2.000đ/kg so với ngoài mô hình.

Còn gia đình anh Đỗ Trung Lương, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch tham gia mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông triển khai năm 2022. Ông Lương chia sẻ: "Nuôi lợn theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thương phẩm VietGAHP có nhiều ưu điểm như dịch bệnh giảm, tiết kiệm chi phí đầu tư, đàn lợn khỏe, tạo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người nuôi và cộng đồng, cho lợi nhuận cao hơn 12% so với nuôi truyền thống."

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thương phẩm theo VietGAHP với quy mô 1.000 con được triển khai trên địa bàn các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ 50% chi phí thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng, hệ thống xử lý chất thải; tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ lợn sống đạt 100%, tiêu tốn 2,4 kg thức ăn/1kg trọng lượng; trọng lượng bình quân đạt 105kg.

Cũng trong năm 2022, Trung tâm phối hợp với các địa phương thực hiện mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy trong sản xuất lúa với quy mô 50 ha, tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên cho năng suất 6,6 tấn/ha. Đồng thời, triển khai hỗ trợ gần 1.800ha sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP. Kết quả cho thấy, năng suất cây bí đỏ đạt 15 - 25 tấn/ha, cây dưa chuột đạt từ 30 - 55 tấn/ha, cây ớt đạt từ 13,3 - 25 tấn/ha, cây cà chua đạt 20 - 55 tấn/ha, cây khoai tây đạt 16,3 - 20 tấn/ha và rau, củ, quả các loại đạt 20,8 - 50,6 tấn/ha. Các loại rau, quả cho lợi nhuận trung bình từ 80 - 298 triệu đồng/ha. Việc hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đã giúp người sản xuất mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn, tăng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, duy trì và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, chuyên canh trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương theo hướng nâng cao giá trị với quy mô 800 con bò cái trên địa bàn các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên; xây dựng mô hình chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP với quy mô 10.000 con được triển khai trên địa bàn 2 huyện: Bình Xuyên, Tam Dương; ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh cao với quy mô 3 ha triển khai tại 2 huyện: Bình Xuyên và Yên Lạc; nuôi cá lồng giá trị cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 1.500 m3 tại các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, tăng trưởng bình quân đạt 0,42kg/tháng.

Ngoài các mô hình khuyến nông của tỉnh, Trung tâm còn triển khai các dự án khuyến nông Quốc gia gồm: Mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc, quy mô 10ha tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô; phát triển chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo VietGAHP với quy mô 7.000 con tại 2 huyện: Sông Lô và Tam Dương; mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học với quy mô 100 con tại 2 huyện: Vĩnh Tường và Sông Lô; dự án nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu với quy mô 1,5 ha tại Vĩnh Tường, Yên Lạc và Bình Xuyên.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quy chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, được cấp mã số vùng trồng. Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

 

Theo vinhphuc.gov.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 202
Tổng truy cập: 39319647