Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng từ thị trường rau an toàn (26/07/2023)

Đây là vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng - NIFAM” do Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

 


Các đại biểu thảo luận tình huống về phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng - NIFAM.

Ý kiến của đa số đại biểu nhận định rằng, thị trường rau an toàn còn mơ hồ với người tiêu dùng về cả tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, thậm chí người có sản phẩm được chứng nhận VietGAP cũng không tin tưởng tuyệt đối sản phẩm ấy là an toàn.

Đây là “vòng luẩn quẩn” giữa các khâu sản xuất, thương mại, tiêu dùng rau an toàn, khiến các khâu trong chuỗi chưa tìm thấy niềm tin vào nhau. Điều này đặt ra yêu cầu về việc ban hành chính sách bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất và phát triển theo chuỗi khép kín về an toàn thực phẩm.

“Người sản xuất chỉ có thể đảm bảo được giá thành sản xuất, nhưng chưa thể làm chủ được thị trường tiêu thụ. Sản phẩm sản xuất ra có tiêu thụ được hay không còn phụ thuộc vào các khâu khác, như: bảo quản, vận chuyển, phân phối và truyền thông. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Thanh Hà, đại diện Hợp tác xã Thanh Hà (Hà Nội), nêu vấn đề.

Theo bà Thanh Hà, nhiều nông dân, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận từ cơ quan chức năng nhưng vẫn khó tiêu thụ do người tiêu dùng chưa tin tưởng vào các chứng nhận. Thậm chí có nhiều thời điểm, nhà phân phối phải gỡ bỏ bao bì nhãn mác “rau an toàn”, đem rau ra chợ đầu mối bán với giá tương đương rau không được chứng nhận.

Từ góc nhìn của người tiêu dùng, bà Nguyễn Thu Uyên (ở Hà Nội) phản ánh: trong khi chi phí bỏ ra bao giờ cũng đắt hơn các sản phẩm cùng loại, được sản xuất đại trà, nhưng chất lượng thực phẩm sạch mang chứng nhận VietGAP hay hữu cơ lại không như kỳ vọng, niềm tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ còn rất mơ hồ.


Đại biểu đại diện các bên tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm
.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban VfSC, Viện An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) đặt câu hỏi “Thế nào là rau an toàn?”. Trên thị trường vẫn có những sản phẩm rau được cấp chứng nhận VietGAP nhưng "không hẳn hoàn toàn là rau an toàn". Còn ở các chợ truyền thống, chợ tạm,… hầu hết là rau chưa có chứng nhận, nhưng cũng không thể khẳng định đó là rau không an toàn.

“Mục tiêu của Bộ NN&PTNT khi xây dựng tiêu chuẩn VietGAP là để người dân làm quen với các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam, bao gồm những nguyên tắc, trình tự trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế. Tuy nhiên để khẳng định rau được chứng nhận VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm 100% là rất khó, vì theo quy định một năm Bộ NN&PTNT chỉ kiểm tra khảo sát một lần, tần xuất như vậy không đủ để kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm rau được chứng nhận VietGAP”, ông Dũng chia sẻ.

Để kiểm soát chất lượng các sản phẩm rau an toàn, Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng đã phát triển phần mềm “Ứng dụng VfSC trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc thực phẩm Việt Nam”. Phần mềm áp dụng công nghệ Bloock chain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp theo nguyên tắc "từ trang trại đến bàn ăn”. VfSC xây dựng các tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP, ASC, quản lý chặt chẽ chất lượng các vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như ghi nhận công việc hằng ngày của người nông dân.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Ban VfSC bổ sung: Điều quan trọng nhất mà người sản xuất cần làm được là đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất và khâu truy xuất nguồn gốc. Mô hình NFSI đang triển khai là: Các hợp tác xã quan tâm nhu cầu của người tiêu dùng, sau đó đơn vị sản xuất sẽ lên kế hoạch để sản xuất các sản phẩm có chất lượng (theo quy định của Chuỗi VfSC và đảm bảo tuân thủ quy trình tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ) và tối ưu hóa chi phí đến mức phù hợp với điều kiện thu nhập của số đông người tiêu dùng. Để làm được điều này, rất cần các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, bà Hạnh đề xuất.

Tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất – tiêu thụ rau an toàn


Xác định các mô hình can thiệp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận rau an toàn
 đến người tiêu dùng ở Hà Nội.

Thảo luận về chủ đề “Xác định các mô hình can thiệp nâng cao khả năng tiếp cận rau an toàn cho người tiêu dùng Hà Nội”, 5 nhóm đại biểu đại diện cho: Nhóm người sản xuất rau an toàn; thương mại - bán lẻ; người tiêu dùng; cơ quan quản lý; tổ chức hỗ trợ (Tổ chức phi chính phủ, truyền thông, nghiên cứu khoa học) đã nêu lên rất nhiều giải pháp, đề xuất kiến nghị nhằm tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất – tiêu thụ rau an toàn.

Theo đó, Nhóm sản xuất rau an toàn đề nghị các cơ quan quản lý, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cải tiến khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến, công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ truyền thông để quảng bá, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rau an toàn. Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho sản phẩm. Đồng thời có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi gian lận thương mại, giả danh rau an toàn trên thị trường.

Nhóm thương mại – bán lẻ (siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn) bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm thiết lập, hình thành hệ thống quản lý chặt chẽ để giám sát chất lượng sản phẩm (thanh lọc các đơn vị cung cấp kém chất lượng). Công khai thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm sản xuất; Hỗ trợ kiến thức về pháp luật liên quan đến hỗ trợ kinh doanh rau an toàn; Quy hoạch vùng rau an toàn để các nhà thương mại – bán lẻ biết, ký hợp đồng thu mua sản phẩm; tăng cường kiểm soát đối với các tổ chức chứng nhận rau an toàn để đảm bảo đạt chuẩn đúng quy định.

Nhóm người tiêu dùng kiến nghị, Nhóm sản xuất cần thay đổi cách thức truy xuất nguồn gốc, đồng thời đề nghị các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp hỗ trợ người tiêu dùng những kiến thức về dinh dưỡng, lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Khẳng định sẵn sàng chi trả xứng đáng cho sản phẩm theo chất lượng, Nhóm người tiêu dùng bày tỏ mong muốn được tiếp cận thực phẩm an toàn với giá hợp lý, phương thức thanh toán đa dạng, dễ tiếp cận. Đi kèm với đó là việc cơ quan nhà nước phải công khai đơn vị tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng khi sử dụng phải sản phẩm rau không an toàn.

Đồng quan điểm trên, Nhóm các đơn vị hỗ trợ đề xuất sự phối hợp giữa các tổ chức có uy tín, khả năng tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ từ Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, tuyên truyền thuyết phục để thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức của bản thân, gia đình, cộng đồng về rau an toàn.


Đại diện cơ quan quản lý nhà nước nêu ý kiến tại hội thảo.

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất trên, Nhóm quản lý nhà nước cho biết, đã và sẽ xây dựng thêm những chính sách liên quan đến vấn đề đất đai và quy hoạch cho sản xuất rau an toàn; chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm; Chính sách về an ninh trật tự (hàng rong…); Nâng cao năng lực trình độ nhà quản lý; Chính sách bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

“Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng – NIFAM” là nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Bonn (Đức) với các đối tác Việt Nam: Đại học Y tế Công Cộng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả. Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ và Viện Nghiên cứu Chính sách sinh thái xã hội tham gia là đối tác triển khai mô hình can thiệp được xác định nghiên cứu tới người tiêu dùng.


TS. Cory Whitney (Đại học Bonn), chuyên gia của NIFAM chia sẻ về công trình nghiên cứu.

Theo TS. Cory Whitney (Đại học Bonn), chuyên gia của NIFAM, nghiên cứu đang trong quá trình thu thập thông tin để tìm giải pháp trồng rau an toàn hiện nay. Mục tiêu của nghiên cứu là dựa trên kiến thức của các chuyên gia và kinh nghiệm của nông dân địa phương để áp dụng xây dựng mô hình thí điểm can thiệp dinh dưỡng trong làm nông nghiệp hữu cơ.

“Mô hình này được dự báo áp dụng thực tế đến năm 2025, gồm đánh giá về tính rủi ro, tính khả thi, chi phí, nguồn lực khi áp dụng và cả yếu tố niềm tin. Dự án sẽ dựa trên sự hiểu biết của chuyên gia, kinh nghiệm của nông dân địa phương để xây dựng những mô hình can thiệp dinh dưỡng hiệu quả và dự báo trước được cho 5-10 năm sau”, TS. Cory Whitney chia sẻ.

Theo thunghiemngaynay.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 189
Tổng truy cập: 39319647