Phát triển vùng sản xuất VietGAP đáp ứng yều cầu thị trường xuất khẩu (05/11/2024)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn có hàng chục mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tập quán canh tác của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Chăn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: TTXVN phát

Trong số đó có nhiều mô hình, dự án đã được các địa phương chủ động nhân rộng như mô hình trồng rau sạch đạt chuẩn VietGAP; vùng chuyên canh cây ăn quả; trồng ngô sinh khối; chăn nuôi bò vỗ béo; nuôi lợn rừng lai; nuôi thủy sản xen ghép lồng bè trên sông, trên biển,...

“Thời gian tới ngoài việc tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả để nâng cao đời sống cho người dân thì ngành nông nghiệp cũng tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông mới đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp và gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, ưu tiên xây dựng và nhân rộng các mô hình như sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu,... Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn thực phẩm, VietGAP để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đạt yêu cầu chất lượng, đáp ứng yều cầu cho thị trường xuất khẩu”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.


Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được triển khai ở khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi. Trong số đó có nhiều mô hình được ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ người ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nhân rộng.

Thay vì trồng lúa, nhiều hộ nông dân ở thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi đã chuyển qua trồng chuyên canh rau diếp cá và có một nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khá giả cũng nhờ cây trồng này. So với các loại cây hoa màu khác, trồng rau diếp cá không tốn quá nhiều công chăm sóc và cho thu hoạch nhiều lần, chu kỳ thu hoạch  của loại cây này kéo dài đến 10 năm.

Bà Nguyễn Thị Nụ, thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu cho biết: Gia đình có 4 sào đất trồng cây hàng năm, nhưng do chưa tìm được cây trồng phù hợp nên tùy vào mùa vụ có khi trồng lúa, khi trồng bắp. Tuy nhiên, từ khi biết đến cây diếp cá thì ban đầu trồng thử 1 sào và thấy hiệu quả, đầu ra thuận lợi, nên sau đó đã đầu tư trụ bê tông cốt thép và phủ bạt che nắng cho 4 sào rau diếp cá. Đồng thời, khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô. Nhờ đó, gia đình bà có rau bán quanh năm, bình quân mỗi sào có thể thu về 7 triệu đồng/tháng.

Từ việc chỉ có một số hộ dân trồng thử trên diện tích vài sào, thì đến nay xã Tịnh Châu có khoảng 180 trồng rau diếp cá với tổng diện tích hơn 20ha; trong đó, có 2,6ha đã được chứng nhận VietGAP. Sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 14 nghìn tấn. Để tăng hiệu quả sản xuất, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con đầu tư hệ thống sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, trồng tập trung; hướng tới sản xuất sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng nhãn hiệu rau diếp cá trở thành một  sản phẩm chủ lực của địa phương trong đề án “mỗi xã một sản phẩm”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Châu Huỳnh Văn Hiếu cho biết: Hiệu quả kinh tế của người trồng rau diếp cá so trồng lúa thì cao hơn khoảng 3 lần, địa phương đang khuyến khích bà con áp dụng quy trình trồng VietGAP, giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định.

Cùng với trồng trọt, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả với đa dạng các loại vật nuôi như mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi bò an toàn với dịch bệnh, nuôi trâu Murrah, nuôi lợn rừng lai, nuôi gà thịt, gà đẻ trứng,... Trong số đó điển hình như mô hình nuôi lợn rừng lai tại thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà.


Mô hình nuôi lợn rừng lai tại huyện Sơn Hà. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Theo người dân địa phương, bà con đã biết đến giống lợn này từ lâu, nhưng phải đến cuối năm 2019, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thôn Làng Ranh được lựa chọn thành lập nhóm để chăn nuôi lợn rừng lai. Sau một thời gian thử nghiệm, 35 hộ dân tham gia mô hình đều biết cách chăn nuôi, đàn lợn phát triển tốt.

Bà Đinh Thị Rí, thôn làng Ranh cho hay, từ ngày tham gia mô hình, gia đình bà đã biết cách trồng rau, cỏ để làm thức ăn cho lợn. Chính quyền còn hỗ trợ bà con vay vốn để làm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện bà con không chỉ nuôi lợn thịt mà còn nhân giống bán cho những người có nhu cầu.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba, cho hay, xã Sơn Ba có khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc Hrê. Do đó, việc lựa chọn cây, con giống để hỗ trợ, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Việc thành công với mô hình nuôi lợn rừng lai đã mở ra cơ hội giảm nghèo cho người dân địa phương. Đến nay, xã có hàng trăm hộ thành công với mô hình này.

“Lợn rừng lai là loại lợn lai giữa lợn rừng với lợn bản địa nên có đặc trưng rất riêng, khác với những giống lợn khác là dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc, nhiều nạc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, địa phương không lo đầu ra vì đã được nhiều đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm”, ông Minh nói.

Theo : baotintuc.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 107
Tổng truy cập: 39319647