Ông Đỗ Hùng Cường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết địa phương hiện có 60 ha cam Canh, trong đó khoảng 40 ha đã cho thu hoạch. Trước đây, do SX tự phát, kỹ thuật có phần hạn chế nên việc phòng dịch cho cam của nông dân nơi đây còn nhiều điểm đáng lo. Hễ thấy xuất hiện sâu bệnh là bà con tự ý mua thuốc BVTV về phun, không đúng chủng loại, không đúng liều lượng và không đúng cả thời điểm. Nhiều chủ vườn còn dùng cả phân tươi để chăm bón cho cam. Không đủ tiêu chuẩn của SX sạch, không có thương hiệu nên quả cam Kim An thành ra vô danh, phải núp bóng cam Cao Phong, cam Hưng Yên…giá bán bao giờ cũng thấp hơn vài bậc mà tiêu thụ lại rất chật vật. Chính vì vậy, Kim An xác định SX theo tiêu chuẩn VietGAP là điều kiện sống còn để nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây cam đặc sản. Để hỗ trợ điều này, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng (Viện Khoa học nông nghiệp VN) đã về Kim An xét nghiệm đất, nước. Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã mời các nhà khoa học đến tập huấn cho nông dân về SX an toàn. Trước đây bà con bón phân tươi thì nay dùng phân ủ hoai mục để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa không lây bệnh cho cây. Nước tưới trước kia họ lấy thẳng từ sông, có thời điểm ô nhiễm tới mức bơm lên sủi bọt trắng, đánh đống to như cả cây rơm, nay đã chuyển sang dùng giếng khoan. Thuốc BVTV trước kia phun bừa phun bãi nay phải tuân theo "4 đúng”.
Ngoài chuyện hỗ trợ SX theo tiêu chuẩn sạch, Kim An còn được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho quả cam. Trước đây tư nhân vào mua, tiếng là giá thỏa thuận nhưng do chưa có thương hiệu nên không bao giờ nông dân ở thế cân bằng với thương lái mà toàn bị ép cấp, ép giá. Nay, mới nghe chuyện xã nhà có thương hiệu cam sạch, nhiều đầu mối nhập hàng đã lùng đến tận nơi, đặt cọc, đòi mua. Bà con thấy thế thì ai nấy đều mừng vui vì đông người mua sẽ không bị ép giá, không phải lén lút núp bóng quả cam nơi khác. Kim An có khoảng 200 hộ trồng cam với giá trị canh tác trung bình đạt 700 - 800 triệu đ/ha, cá biệt có những hộ đạt xấp xỉ 3 tỷ đ/ha. Nghề trồng cam của xã hiện đã rẽ theo hai nhánh, hướng chính là trồng cam ăn, hướng phụ là trồng cam cảnh (dành cho những gia đình có trình độ canh tác cao). Hộ anh Nguyễn Văn Mùa là một trong những gia đình như vậy! Năm 2000, anh Mùa trồng 1,5 mẫu cam Canh, trở thành người tiên phong trong việc đưa nghề mới về đất Kim An. Lúc đầu còn non, vừa làm vừa thử nghiệm nhưng giờ anh đã dày dặn kinh nghiệm lắm rồi. Về cây cam, anh Mùa có thể kể cả ngày cũng không hết chuyện từ đảo rễ, nhấc cây lên đặt lại đến chăm bón bằng đậu tương, ngô nghiền ngâm kỹ cả năm pha loãng ra mà tưới. Bởi thế quả cam đẹp mỏng mảnh, múi cam cứ ngọt lừ đi. Với hơn 1 ha hiện có, anh thu được 500 - 700 triệu đồng lãi mỗi năm. Thú thực với tôi, anh bảo cam là cây trồng khó tính bậc nhất, không đúng quy trình kỹ thuật là đổ bệnh, chủ quan lơ là thì dễ hỏng ăn. Kỹ thuật chỉ một phần thôi còn một phần phải trông trời, trông đất, trông mây. Năm nào có mưa vào lúc ra hoa sản lượng sẽ giảm xuống còn một nửa. Năm nào đến vụ thu hoạch gặp nắng hanh hao thì được mùa, được giá còn gặp trời rét đậm cộng thêm mưa phùn nữa là thị trường chê ỏng, chê eo. Một chủ vườn nổi tiếng khác ở đất Kim An là Nguyễn Văn Hoa, em ruột của Nguyễn Văn Mùa. Khách đến chơi nhà anh Hoa ai nấy đều không tiếc lời trầm trồ, khen ngợi trước những cây cam khổng lồ to như cây bòng, cây bưởi. Thì chính chúng là cam được ghép trên thân bưởi Diễn mà lại. Anh Hoa kể, khi vườn bưởi Diễn trên 10 tuổi của nhà ra quả ăn rất nhạt, anh đã quyết định cắt hết ngọn, ghép mắt cam Canh vào. Bình thường một cây cam Canh đạt năng suất 30 - 40 kg quả đã là cao nhưng còn phải chào thua loại cam ký sinh trên các thân bưởi kia bởi chúng cho trên 1 tạ quả mỗi gốc. Mỗi gốc bưởi - cam này đến mùa trung bình cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng. Thế mà nhà anh Hoa có tới 200 gốc, chưa kể vài trăm gốc cam Canh thuần nữa. Nguồn thu tiền tỷ quả thực đã nắm trong lòng bàn tay.