Nông dân Tân Hiệp thu hoạch lúa trong CĐL với niềm vui trúng mùa, bán được giá cao hơn thị trường từ 100 - 150 đ/kg
Trong đó, vụ ĐX 2014 - 2015, diện tích CĐL là 1.547 ha, với 967 hộ nông dân tham gia. Kết quả cuối vụ đều trúng mùa, lúa hàng hóa được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 100 - 150 đ/kg, nông dân rất phấn khởi.
Vụ lúa ĐX 2014 - 2015, CĐL được Trung tâm KN-KN Kiên Giang triển khai thực hiện ở 9 huyện, gồm: Giang Thành (63 ha), Hòn Đất (236,6 ha), Châu Thành (85 ha), Tân Hiệp (646 ha), Giồng Riềng (96 ha), Vĩnh Thuận (97 ha), U Minh Thượng (208 ha) và An Biên (115,5 ha).
Đến nay, một số cánh đồng đã thu hoạch dứt điểm, diện tích còn lại đang thu hoạch rộ. Đa số các hộ tham gia CĐL đều rất phấn khởi nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX nên giảm được chi phí, năng suất tăng, đầu ra thuận lợi và giá bán cao hơn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hậu ở huyện Tân Hiệp có 3 ha tham gia CĐL SX lúa theo huớng VietGAP phấn khởi nói: “Vụ ĐX năm nay ai tham gia CĐL cũng trúng cả, riêng gia đình tôi năng suất đạt hơn 10 tấn lúa tươi/ha, tính ra được khoảng 8 tấn lúa khô. Với giá lúa như hiện nay, trừ hết chi phí mỗi ha tôi còn lãi được 25 triệu đồng”.
Không chỉ vụ này, mà vụ HT 2014, gia đình ông Hậu cũng tham gia CĐL và cũng trúng mùa. Ông Hậu lật lại cuốn sổ tay ghi chép cho biết, vụ HT năng suất cũng đạt tới 6 tấn/ha, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 0,5 tấn, lợi nhuận được 16 triệu đ/ha.
Theo ông Hậu, làm lúa trong CĐL nông dân được nhiều cái lợi, mà dễ thấy nhất là chi phí giảm nhờ tiết kiệm được lượng lúa giống từ 30 - 50 kg/ha, phân bón giảm 20 - 50% so với phương pháp bón phân truyền thống, số lần phun xịt thuốc cũng giảm được 2 - 3 lần. Chỉ riêng các khoản này nông dân đã tiết kiệm được từ 1,5 - 2 triệu đ/ha. Không chỉ vậy mà năng suất còn cao hơn, giá bán cũng tốt hơn nên lợi nhuận tăng thêm.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, việc xây dựng các CĐL lớn SX lúa theo hướng VietGAP thời gian qua đã góp phần hình thành vùng SX tập trung, sản phẩm làm ra có chất lượng, số lượng lớn đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nông dân dần hình thành thói quen ghi chép sổ sách sản xuất, tạo được mối liên kết "4 nhà", tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm lúa hàng hóa.
Do SX theo hướng VietGAP, nên Trung tâm KN-KN Kiên Giang đã liên kết với một số đơn vị như Cty TNHH Thanh Xuân, Cty Hóa Nông Hợp Trí, Cty Dasco… để cung ứng các loại phân bón hữu cơ vi sinh cho các CĐL nhằm hạn chế và thay thế một phần phân hóa học. Đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo để ký kết hợp đồng thu mua lúa hàng hóa cho nông dân.
Ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Cty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh Kiên Giang cho biết, năm nay đơn vị được Sở NN-PTNT Kiên Giang giao chỉ tiêu bao tiêu 2.000 ha lúa trong CĐL cho nông dân huyện Tân Hiệp và Hòn Đất, tương đương với sản lượng khoảng 12.000 tấn lúa khô. Tại Tân Hiệp, trong vụ ĐX này, Cty ký kết hợp đồng với HTX 7A và 7B, mỗi đơn vị 500 ha. Trước khi thu hoạch, Cty cho người xuống liên hệ trực tiếp với nông dân để hẹn ngày, đưa phương tiện đến tận nơi đảm bảo nông dân thu hoạch đến đâu thu mua hết đến đó, không để tồn ứ.
Từ kết quả đạt được, vụ HT 2015, Trung tâm KN-KN Kiên Giang có kế hoạch triển khai 13 CĐL, tổng diện tích 1.935 ha, với các giống lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 5451, OM 6976. Tham gia mô hình, nông dân sẽ được cung cấp lúa giống với giá ưu đãi và hỗ trợ một phần chi phí SX. Dự kiến thời gian xuống giống từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5. ...