Cánh đồng lúa VietGAP ở HTXNN Đức Lân
Tuy nhiên, SX lúa VietGAP đòi hỏi phải đảm bảo thời vụ, đồng thời thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại…
Kết quả SX tại mô hình lúa VietGAP đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh cho thấy không chỉ giảm lượng lúa giống, chi phí phân bón mà thuốc BVTV cũng giảm, sản phẩm tạo ra tiêu thụ dễ dàng hơn nên cho hiệu quả cao hơn.
Là vùng chuyên canh lúa hàng hóa từ năm 2010, thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong với diện tích cấy lúa trên 60 ha thì có đến 90% là cấy các loại lúa nếp. Do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, nên việc SX lúa nếp hàng hóa chưa hiệu quả.
Khi chuẩn bị SX vụ mùa, Ban chủ nhiệm HTXNN Đức Lân xây dựng mô hình SX lúa nếp hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha dưới sự giám sát, kiểm tra của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1.
Trong quá trình SX, Ban chủ nhiệm HTX thành lập Ban quản lý VietGAP để tự giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các bước.
BQL chia thành từng đội SX nhỏ như đội vệ sinh môi trường, đội phòng trừ sâu bệnh... Lập sơ đồ, khoanh vùng từng diện tích, từng loại giống để dễ dàng chăm sóc, quản lý được tốt hơn.
Bên cạnh đó, BQL cũng cho xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV, phân bón để đảm bảo vệ sinh môi trường. Giống lúa được cấy chủ đạo là nếp cái hoa vàng, vụ xuân cấy thêm các giống BM 9603, PD2...
Trong thời gian triển khai mô hình, nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong SX lúa. Các hộ đã chủ động thăm đồng, phòng trừ dịch hại, trao đổi với các cán bộ kỹ thuật và nông dân khác.
Kết quả hàng năm diện tích cấy lúa nếp VietGAP của HTXNN Đức Lân luôn đạt năng suất 200 kg/sào, tương đương 5,4 tấn/ha. Sản lượng lúa của HTX được Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh và Cty SX Trà gạo nứt thu mua từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, mỗi sào bà con thu hơn 3 triệu đồng.
Ngoài ra, vào vụ mùa hàng năm các hộ trong thôn cũng bán khoảng 10 ha lúa non để làm cốm cho các thương lái ở làng cỗm Mễ Trì (Hà Nội). Với cách làm này bà con vẫn giữ được thu nhập mà không phải mất công gặt, công phơi và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh vào cuối vụ…
Ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy như giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, tạo được thương hiệu, dễ tiêu thụ, mô hình còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do hạn chế được việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV tràn lan.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình SX lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Tô Như Khoa, Chủ nhiệm HTXNN Đức Lân cho biết: Vì HTX chưa thực hiện được dồn điền đổi thửa nên diện tích canh tác còn nhỏ lẻ. Hệ thống thủy lợi còn hạn chế, chưa chủ động được nguồn nước tưới...