Giàu có từ vốn vay: Dồn vốn vào chăn nuôi (11/06/2015)

Nhiều nông dân ở Hà Nội mà tôi có dịp tiếp xúc, nhận thấy họ có một khát khao làm giàu cháy bỏng. Họ luôn tự hào với cái nghiệp đã lựa chọn để gắn bó.


Trang trại nuôi gà của anh Trần Văn Hiệu được cấp chứng nhận VietGap đầu tiên ở Hà Nội

Dẫu là nghề nông nhưng cuộc sống của họ luôn ấm êm, hạnh phúc. Có người doanh thu mỗi năm 17 – 18 tỷ đồng. Và họ không quên thành quả mình làm ra luôn có sự đồng hành của Ngân hàng NN – PTNT (Agribank).

Một ngày của năm 2001 sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Chu Quang Văn ở thôn Hà Tân xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) quyết định nói chuyện với vợ kế hoạch làm ăn lớn. Khi anh Văn chưa dứt lời thì chị Nụ, vợ anh hỏi: “Nhưng làm cái gì mới được. Mình nhà nông, cứ bám lấy ruộng cho nó lành”.

Anh Văn tiếp lời, cũng là nghề nông đấy thôi nhưng mà “bóp vú lấy sữa tươi, ăn tiền thật”. Chưa kịp nghe anh Văn nói thêm, chị Nụ dựng đứng người dậy, nhảy từ trên giường xuống nổi máu tam bành làm một tràng không ngớt. Các cụ ở nhà trên liền xuống hỏi ngọn ngành. Lúc này chị Nụ bình tĩnh nghe anh Văn nói. Ấy là việc vay vốn để đầu tư nuôi bò sữa. Con muốn bàn với vợ cần phải thay đổi cách làm nông chứ cứ làm ruộng mãi thì không ngóc đầu lên được.

Chuyện khởi nghiệp của anh Văn chị Nụ thật thú vị. Mới đó đã 15 năm. Chừng ấy thời gian đủ để nhận thấy quyết định ngày đó của anh là đúng đắn. Được các cụ ủng hộ, vợ đồng thuận, anh Văn quyết định làm hồ sơ vay vốn Agribank chi nhánh Ba Vì. Lúc đó vay được 6 triệu đồng vì tài sản thế chấp của nhà không có nhiều. Cộng với chút vốn liếng của vợ chồng, số tiền đó đủ để anh mua 2 con bò sữa.

Rồi cái ngày bò có sữa, không chỉ có anh mà chị cũng tham gia, ấy là dùng tay vắt sữa. Công việc mà 15 năm trước, anh bảo với chị là “bóp vú lấy tiền tiêu”. Đàn bò sữa của anh chị bây giờ lên đến 30 con và được chăm sóc khá bài bản. Việc vắt sữa được thực hiện đúng chu kỳ, giờ giấc và không phải dùng tay vắt trực tiếp nữa. Nhờ đó, chất lượng sữa tốt hơn nhiều.

Làm nông có muôn vàn điều lo lắng, nhất là đầu ra sản phẩm. Đây là lý do, anh Văn quyết định vay thêm vốn của Agribank để xây dựng một Trạm sữa với những thiết bị quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo quản trong thời gian chờ bán. Anh cũng đấu mối với Cty CP sữa Quốc tế (IDP) để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho Trạm sữa.


Theo anh Trung, đà điểu là vật nuôi sạch bệnh, ít ô nhiễm môi trường và cho thu nhập rất cao

Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Tam Mỹ lại có cách làm ăn theo thú vui tìm tòi cái mới. Từ 2007 đến nay, đà điểu là vật nuôi được anh lựa chọn và gắn bó say đắm.

Có một điều rất hay ở anh Trung là bắt mối cho nhiều người khác cùng nuôi để thoát nghèo. Anh cũng không mở rộng quy mô mà xây dựng một cửa hàng để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Vì thế, ngày đầu anh Trung chỉ nuôi 70 con từ nguồn của Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương (Viện chăn nuôi). Anh bảo, ngày đó xem được đà điểu đã khó chứ nói gì đến ăn thịt. Vậy mà đến nay trong xã có 30 hộ nuôi đà điểu.

Mỗi năm như vậy, cửa hàng này tiêu thụ khoảng 50 tấn, tương đương 500 con đà điểu với giá bán 300.000 đ/kg thịt. Nếu tính bình quân thì mỗi con đà điểu cũng có giá 8 – 9 triệu đồng.

Anh Trung khẳng định, nuôi đà điểu có lãi và thu nhập cao. Đặc biệt đà điểu sạch dịch bệnh và không mùi thối nặng như nuôi lợn, nuôi gà. Có điều vốn đầu tư nhiều nên phải vay ngân hàng vì phần lớn là nông dân.

Hiện anh Trung đang lập dự án để phát triển thương hiệu nên cần khoảng 1 tỷ đồng. Phía Agribank Ba Vì đang thẩm định. Trước đó anh Trung đã từng vay 1 tỷ đồng vào năm 2008 và thanh toán đúng kỳ hạn.

Năm vạn con gà đang trong giờ ngủ nên khi chúng tôi đến, anh Trần Văn Hiệu – thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) mời vào phòng khách uống trà, chờ khi gà ngủ dậy mời vào thăm. Anh bảo, cả gia đình gắn bó với nghiệp nuôi gà hơn hai chục năm nay. Từ năm 1991, khi đó ngân hàng nông nghiệp cho vay 2 triệu đồng, bố mẹ đầu tư nuôi gà đẻ trứng thương phẩm. Hơn 10 năm trời, anh chứng kiến cảnh gà bị mắc bệnh, trứng xếp từng đống không bán được, giá trứng rớt thê thảm, có lúc tưởng không thể vượt qua.

Những năm tháng đó, cuộc sống đã cho anh nhiều bài học và chưa một lần anh gục ngã, vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp nuôi gà. Kinh nghiệm và tài liệu từ các buổi tập huấn đã giúp anh tự tin hơn trong việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi. Đặc biệt, chưa một lần anh bị ngân hàng siết nợ hay bỏ rơi. Đây chính là động lực để anh vượt qua. Vì thế đến năm 2003, anh quyết định mở rộng quy mô lên đến hàng ngàn con gà với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng.


Từ lợi nhuận nuôi bò sữa, vợ chồng anh Văn đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng ngôi nhà khang trang với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ

Quy mô lớn nên cách làm cũng phải khác đi. Chuồng trại được xây dựng khang trang, thiết bị thông gió, hệ thống cho ăn, chăm sóc sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh được đầu tư khá bài bản. Sản phẩm hàng hóa không chỉ có mỗi trứng thương phẩm mà còn có gà giống, gà thịt. Người dân ở nhiều địa phương, các Cty và nhà hàng lớn trong nước đã tìm đến mua sản phẩm.

Để có được thứ sản phẩm sạch và chất lượng, anh Hiệu quyết đầu tư mạnh vào dòng giống. Trong số 5 vạn con gà hiện có thì có 1 vạn con gà giống bố mẹ được nhập từ Pháp. Theo anh Hiệu, giống gà Pháp có chất lượng tốt hơn hẳn về thể trạng, nhất là đẻ trứng rất khỏe. Đã có hàng vạn quả trứng mỗi năm bán đến nhiều nơi, trong đó có Cty ăn uống Basao.

Với doanh thu mỗi năm đạt 17- 18 tỷ đồng và lượng giao dịch lớn nên tháng 2/2014, anh quyết định thành lập Cty CP đầu tư phát triển chăn nuôi Hòa Phát. Anh bảo, do có nhiều đối tác là doanh nghiệp nên cần con dấu để giao dịch cho đảm bảo.

Hỏi anh từ 2003 đến nay, có gặp biến cố trong chăn nuôi không? Anh bảo, biến cố lớn nhất của người nuôi gà là dịch bệnh và không bán được sản phẩm. Riêng anh, từ đó đến nay, cả hai điều đó chưa xảy ra.

Có lẽ thế nên Agribank Đông Anh tin tưởng nên mới duy trì mức vốn vay 4 tỷ đồng/gói và chưa một lần anh để nợ quá hạn.

 

Đề cập đến chiến lược, anh Hiệu cho hay sẽ tiếp tục đầu tư phát triển con giống. Trong năm nay sẽ có 2 vạn con gà giống được xuất bán. Cùng với đó là giúp đỡ các hộ dân nuôi theo quy mô lớn. Tôi bảo, nếu thế thì phải cạnh tranh và ảnh hưởng đến thị phần? Anh Hiệu vui vẻ đáp: “Trang trại của tôi là đơn vị đầu tiên của Hà Nội được nhận chứng chỉ VietGap. Tôi tự hào về điều đó và muốn bền vững thì cần có những người xung quanh cùng đồng hành phát.

Theo Văn Hùng (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 215
Tổng truy cập: 39333740