Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra, việc ứng dụng KH-CN cũng chưa sâu rộng... Phóng viên đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Thành Tài (ảnh), PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết tỉnh Đồng Tháp có những lợi thế nào để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)?
Hiện lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng đạt khoảng 488.266 ha, năng suất đạt gần 65 tạ/ha với tổng sản lượng đạt trên 3,5 triệu tấn. Diện tích đậu nành đạt 1.270 ha, là vùng trồng đậu nành tập trung tại ĐBSCL, SX ớt đạt 2.839 ha, là sản phẩm đặc thù của tỉnh.
TX Sa Đéc là trung tâm SX hoa kiểng của tỉnh và cũng là nơi tiếp nhận nhiều tiến bộ KHKT. Tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn tỉnh trên 24.000 ha, trong đó xoài hơn 8.600 ha, nhãn 4.300 ha, cây có múi 4.800 ha…
Toàn tỉnh hiện có hàng chục cơ sở SXKD giống cây ăn trái, chủ yếu áp dụng kỹ thuật chiết bầu, ghép mắt, lưu trữ bảo tồn giống gốc, giống đầu dòng để SX giống có chất lượng cao.
Đặc biệt, tổ liên kết SX quýt hồng Lai Vung, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; xoài Cao Lãnh đã nhận tiêu chuẩn GlobalGAP và giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tỉnh đạt gần 7.800 ha, trong đó gần 1.900 ha nuôi cá tra, 1.300 ha tôm càng xanh.
Trại giống An Phong đã đầu tư nhà lưới phục vụ công tác lai tạo giống lúa mới quanh năm với diện tích 600 m2. Từ năm 2009 đã thực hiện lai tạo giống lúa mới, đến cuối năm 2014 đã tuyển chọn được trên 20 dòng phân ly F6 và chuyển sang trồng khảo nghiệm cơ bản vụ ĐX 2012-2013 đặt tên ĐTS (Dong Thap Seeds); trồng 2 dòng phân ly F3, chọn được 15 cá thể triển vọng.
Trại có 1 kho bảo quản hạt giống 1.500 tấn, 1 kho lạnh lưu trữ hạt giống 32 m2 và 1 nhà lưới 700 m2; 2 lò sấy 12 tấn, 2 lò 4 tấn cố định, 2 lò 4 tấn di động, 1 lò 2 tấn (34 tấn/mẻ), 2 máy sàng lọc 800 kg/giờ.
Nhìn chung hệ thống chế biến lúa giống của trại đã cũ, không đáp ứng được yêu cầu, cần được đầu tư trang bị hiện đại.
Trại chủ yếu SX các giống hoa và các loại cây kiểng lá. Tuy nhiên, trang thiết bị cũng đã xuống cấp, cần đầu tư thêm trang thiết bị mới cho phòng nuôi cấy mô.
Dựa vào những lợi thế trên, tỉnh đã có chiến lược gì nhằm thúc đẩy ứng dụng NNCNC?
Ngành nông nghiệp Đồng Tháp luôn quan tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH-CN vào SX. Đã thực hiện nhiều mô hình SX theo hướng hiện đại có hiệu quả cao, liên kết trong SX và tiêu thụ.
Những cánh đồng lớn ở tỉnh đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Nhiều giống cây trồng mới, nhiều loại thủy sản có giá trị cao được lai tạo, nhân giống... để tăng năng suất, chất lượng.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Quy mô SX các mặt hàng nông sản tăng dần qua mỗi năm. Do vậy, nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, có tác động rất lớn đến tăng trưởng các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ. Nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của gần 70% hộ dân trong tỉnh.
Việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được triển khai cụ thể ra sao?
Tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phát triển NNCNC giai đoạn 2013-2015, định hướng 2020 và coi lĩnh vực này là then chốt. Trước mắt, tỉnh sẽ hình thành vùng NNCNC để nghiên cứu và SX ra các sản phẩm có giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, với nòng cốt là các DN tham gia đầu tư.
Các giống hoa mới tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp
Hình thành vùng SX NNCNC theo hướng GAP đối với sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao hiệu quả SX. Từ đó, SX hàng hoá nông nghiệp dựa trên nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực, hàng hoá tiêu dùng, XK, bảo vệ tốt môi trường; đặc biệt góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Để tiến tới nền NNCNC, điều quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Yếu tố này có được quan tâm đặc biệt?
Vấn đề này đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều sở, ban, ngành, các viện, trường... tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ kỹ thuật tham quan các mô hình NNCNC ở trong và ngoài nước để học tập trao đổi kinh nghiệm.
Đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản lý, nghiên cứu, thực hành SX cho cán bộ công chức, viên chức, kỹ thuật viên, DN và nông dân có khả năng đáp ứng yêu cầu, đủ tiêu chuẩn làm NNCNC. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn quy định theo đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển NNCNC.
Xây dựng, phát triển hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ có liên quan đến NNCNC một cách đồng bộ như thu hút DN đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, tuyên truyền; hỗ trợ vay vốn, thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Xin cảm ơn ông!