Ông Ngô Duy Hợp tại cơ sở nhà màng (nhà kính) trồng rau sạch đầu tiên ở Bình Phước
Áp dụng công nghệ chăm sóc bằng công nghệ hiện đại của Israel, toàn bộ các chế phẩm từ dinh dưỡng đến phòng trừ sâu bệnh đều được chiết xuất từ các loại rau quả hỗn hợp qua ngâm ủ, tuyệt đối không dùng các chất kích thích tăng trưởng, thuốc BVTV phổ biến.
Đó là điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi đến thăm cơ sở trồng rau sạch trong nhà màng (nhà kính) đầu tiên ở Bình Phước của ông Ngô Duy Hợp (SN 1959) ở tổ 1, phường Tân Thiện, TX Đồng Xoài, Bình Phước.
Tiên phong
Cơ ngơi của ông Hợp có gần 5.000 m2, trong đó có 4.000 m2 vườn trồng rau. Mặc dù có địa thế đẹp, cộng thêm 1 ao nước khá lớn, nhưng lâu nay gia đình ông vẫn trồng rau theo phương pháp truyền thống, nên hiệu quả không cao do ảnh hưởng thời tiết như mưa gió, nhiệt độ, sâu bệnh.
Bản thân ông Hợp đã có mấy chục năm công tác trong ngành BVTV (hiện ông vẫn là cán bộ Trạm BVTV huyện Đồng Phú- Bình Phước), từng nhiều lần rùng mình khi chứng kiến những vườn rau vừa được phun xịt chất kích thích, thuốc trừ sâu độc hại, không rõ nguồn gốc đã được cắt đi bán.
“Đó là những tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật vô cùng lớn mà không phải ai cũng biết, cũng tránh được. Vì vườn rau của gia đình tôi không dùng thuốc trừ sâu độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng nên rau không đẹp, năng suất cũng thấp. Vì thế, lời lãi chẳng bao nhiêu”, ông Hợp nói.
Nung nấu quyết tâm đưa ra thị trường sản phẩm rau sạch chất lượng cao, ông Hợp không ngừng mày mò tìm hiểu, tham quan các mô hình trồng rau sạch thành công ở TP.HCM, Bình Dương… Đầu năm 2014, ông đầu tư 1,3 tỷ đồng làm 2.000 m2 nhà màng. Bên ngoài nhà màng được ông trồng dưa leo, khổ qua theo mô hình sạch.
“Nếu không tính một mô hình thủy canh trong nhà màng ở Phước Long thì đây là mô hình trồng rau sạch trong nhà màng (địa canh) đầu tiên của Bình Phước”, ông Hợp nói tiếp.
Mô hình áp dụng quy trình nghiêm ngặt với những bảng theo dõi từng loại rau như tên giống, ngày trồng,
ngày phun xịt
Vốn có sẵn kinh nghiệm lâu năm trong ngành BVTV, lại áp dụng khoa học tiên tiến, cộng với vốn kiến thức được đào tạo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), nên sau hơn 1 năm ra đời, mô hình của ông Hợp đã nhanh chóng đi vào “quỹ đạo”.
Mô hình được ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo VSATTP, tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc, đồng thời nâng cao mức thu nhập cho gia đình lên 2 - 3 lần trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo ông Hợp, trồng rau theo cách truyền thống và sử dụng các chế phẩm không an toàn, có ưu điểm duy nhất là rau đẹp mã, nhưng mức độ độc hại thì không thể tính được. Còn năng suất từ 2,5 - 4,5 kg/m2, không cao hơn rau ông trồng trong nhà kính và không sử dụng chất thích, thuốc trừ sâu.
Hiện tại, vườn rau nhà ông Hợp trồng 11 loại rau như các loại rau cải, mùng tơi, rau dền, dưa leo, khổ qua, rau thơm… được phân bố hợp lý và khoa học đảm bảo nguồn thu nhập hàng ngày, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Với đặc tính là cây ngắn ngày, mẫn cảm với thời tiết, nhất là mùa mưa nên ông thường xuyên quan sát, theo dõi, phát hiện và bắt bệnh đúng để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.
“Ưu điểm của mô hình là ngăn chặn côn trùng xâm nhập, hạn chế được phá hoại của chúng nên giảm tối đa việc sử dụng chế phẩm sinh học. Do không bị tác động bởi thời tiết nên một năm có thể canh tác được nhiều vụ. Bên cạnh đó, sử dụng hệ thống tưới phun mưa tự động tiết kiệm được nước tưới, nâng cao hiệu suất phân bón và giảm tối đa nhân công, góp phần giảm chi phí SX, tăng thu nhập”, ông Hợp cho biết.
Thuốc trừ sâu có thể... uống
Điều đặc biệt nhất ở cơ sở rau sạch của ông Hợp là toàn bộ chế phẩm phục vụ việc trồng rau đều đươc chiết xuất từ các loại trái cây, rau quả ủ lên men.
Những thùng thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại cho rau của ông Hợp có thể uống
Dẫn tôi lại chỗ đặt 2 thùng nhựa lớn nằm sát nhau, ông Hợp giới thiệu: “Đây là thùng đựng “thuốc” phòng trừ sâu gây hại cho cây. Còn thùng to hơn là chế phẩm dinh dưỡng”.
Nói rồi ông mở thùng chứa thuốc trừ sâu, thò tay vào khoắng liên hồi, một mùi chua sộc vào mũi. Ông tiếp tục bốc lên một nắm các chất bên trong, tôi nhìn rõ đó là vỏ cam, chanh, ớt, có cả những củ tỏi.
Không chỉ thế, ông Hợp còn đưa 2 ngón tay lên miệng… mút và giới thiệu: “Các chất trong thùng này đều vô hại, thậm chí có thể ăn được. Bã có thể đổ xuống ao cá cũng chẳng sao. Đây là chế phẩm sinh học ngâm ủ theo công thức của anh bạn tôi tên Nhân, nguyên là cán bộ công tác tại Bộ NN-PTNT, một người rất tâm huyết với ngành nông nghiệp, gửi cho tôi. Hiện nay anh Nhân vẫn đang làm mấy dự án nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Cao Bằng”.
Theo ông Hợp, chế phẩm dinh dưỡng ngâm ủ của ông là những trái cây có mùi vị đặc trưng như tỏi, ớt, vỏ quýt… Những chất này có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của côn trùng như tỏi, ớt. Cả 2 chế phẩm ủ trong thời gian 1 tháng là sử dụng được. 1 tuần tưới cho rau 1 lần để bổ sung chất dinh dưỡng. Ớt và tỏi là 2 loại phụ phẩm giúp tăng sức đề kháng cho rau rất hiệu quả.
“Nhiều loại côn trùng thường tiết ra mùi riêng để tìm nhau bắt cặp, sinh sôi, thì tỏi có tác dụng ngăn mùi chúng tiết ra, khiến chúng không thể tìm được cặp và hạn chế chúng sinh sôi. Khi cây khỏe thì phát triển nhanh thôi”, ông Hợp nói.
Bên cạnh chế phẩm phòng trừ sâu bệnh gây hại, ông Hợp còn có thùng chế phẩm ngâm ủ làm chất dinh dưỡng, kích thích sự phát triển cho cây, ủ phân bón. Hiện nay, với năng suất bình quân 3,5 kg rau m2, mỗi ngày ông Hợp thu hoạch diện tích 50 m2, tương đương với 150 - 200 kg rau, mỗi tháng thu ngót trăm triệu đồng.
“Rau không giống như các loại cây thực phẩm khác, chỉ tưới nước và bón phân là xong. Muốn rau phát triển tốt người trồng phải kiên trì, tỉ mỉ chăm sóc, trồng nhiều loại để đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Ngoài ra, với đặc tính là cây ngắn ngày, mẫn cảm với thời tiết, nhất là vào mùa mưa, nên phải thường xuyên quan sát, theo dõi, phát hiện và bắt đúng bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Sắp tới tôi sẽ đầu một nhà ươm giống để tự cung cấp giống cho mình”, ông Hợp chia sẻ.