SX chế biến chè đặc sản Tân Cương Thái Nguyên
Một trong những giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH nhiệm kỳ mới được quan tâm trong báo cáo chính trị trình Đại hội là tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP Thái Nguyên đạt 15,1%. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt bình quân đạt 93,12 triệu đồng/năm, vượt 3,12 triệu đồng so với kế hoạch.
Giá trị sản phẩm trên 1 ha chè và cây ăn quả bình quân đạt 112,8 triệu đồng/năm, vượt 12,8 triệu đồng so với kế hoạch.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, TP đã giải quyết việc làm cho 33.732 lao động, góp phần thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề lao động nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,53% (năm 2010) xuống còn 1,5% (năm 2015).
Nhìn về tổng thể thì những con số trên rất ấn tượng, khẳng định nỗ lực, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ và nhân dân TP.
Tuy vậy, xét riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dù chỉ chiếm 3,2% tổng giá trị kinh tế nhưng đây lại là khu vực có số lao động cao, tập trung tại các xã phường ven đô, các xã miền núi.
Với dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, trung tâm vùng Việt Bắc, TP Thái Nguyên sẽ phải tăng cường phát triển kinh tế - xã hội tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ở nhiều địa bàn và đặc biệt chú trọng đến khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xuất phát từ chủ trương đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 20120, TP Thái Nguyên sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Các giải pháp được xác định là: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng SX hàng hóa; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp; Gắn kết chặt chẽ nhà nông, nhà khoa học, nhà DN và Nhà nước; Đa dạng hóa các loại hình SXNN, khuyến khích hợp tác giữa nông dân với DN; Phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ và làng nghề; Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, quốc tế đối với sản phẩm nông nghiệp, nhất là vùng chè đặc sản Tân Cương.
Ông Trịnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên, cho biết, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn của TP nói trên sẽ giúp các xã miền núi như Phúc Trìu có cơ hội rút ngắn khoảng cách với khu vực trung tâm TP. Người nông dân có điều kiện để vươn lên, tiếp cận trình độ SX mới cho thu nhập cao.
Bà Ngô Kim Sâm (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương) cho biết, xóm Hồng Thái 1 đã được đầu tư làm đường bê tông, nhà văn hóa khang trang, hằng năm nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật vào SX, đặc biệt là trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ vậy đời sống nhân dân trong xóm được cải thiện rõ rệt. Gia đình bà SX chè mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Đạt chuẩn trước năm 2017
Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đảng bộ TP Thái Nguyên xác định, tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các DN thu hút nhiều lao động; Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Phấn đấu 100% các xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM trước năm 2017.
Ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, phân tích, khi quỹ đất dành cho SXNN trên địa bàn TP ngày càng bị thu hẹp thì việc xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp.
Bức tranh nông thôn TP Thái Nguyên trong tương lai gần sẽ tiệm cận với không gian đô thị hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật ở khu vực nông thôn sẽ rất nhanh chóng được hoàn thiện.
Đến hết năm 2014, TP có 3 xã đạt chuẩn NTM. Trong năm 2015, có thêm 3 xã được công nhận, nâng tổng số xã NTM lên 6/8 xã.