Ông Nguyễn Anh Cương (thứ 3 từ trái sang) đang “tiếp thị” sản phẩm vải thiều Hải Dương với đối tác nước ngoài.
Mời gọi DN
Thành công vượt bậc của Hải Dương về mở rộng thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản chủ lực trong năm 2015 là không thể phủ nhận. Câu chuyện quả vải thiều Hải Dương đi Mỹ, Canada, Úc và EU… là bằng chứng cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở NN-PTNT, đến nay Hải Dương đã trở thành vựa rau lớn bậc nhất miền Bắc với nhiều vùng SX tập trung như cà rốt, hành, tỏi, bí, củ đậu, rau ăn lá các loại. Nhiều loại cây ăn quả đã trở thành sản phẩm hàng hóa như vải, ổi và na. Chăn nuôi, thủy sản chuyển đổi từ quy mô gia trại sang trang trại tập trung quy mô lớn.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hải Dương tập trung đầu tư xây dựng các vùng SX rau, cây ăn quả và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, đã có 137 ha rau, 241 ha vải đã được chứng nhận VietGAP. Sản phẩm gà đồi Chí Linh đã đăng ký nhãn hiệu tập thể và 2 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Làm được sản phẩm tốt nhưng giá bán vẫn ngang bằng hàng hóa thông thường. Không còn cách nào khác, chính quyền các cấp từ tỉnh đến các huyện, xã, buộc phải đi tìm DN lớn giúp nông dân tiêu thụ.
Nhờ sử dụng đa dạng kênh quảng bá sản phẩm như báo chí truyền thông; viết thư tay gửi các DN; trực tiếp tổ chức hoặc tham gia các hội trợ, triển lãm, hội nghị XTTM khắp 3 miền; mời khách trong nước và quốc tế tham quan cây vải tổ và các vùng SX nông sản hàng hóa…, hàng trăm DN, siêu thị trong và ngoài nước đã biết đến nông sản của Hải Dương.
Ông Vũ Doãn Quang, GĐ Sở Công thương Hải Dương, cho biết: Riêng niên vụ năm 2015, hệ thống siêu thị Hapro đã hỗ trợ tiêu thụ 2.000 tấn vải quả; hệ thống Co.opmart tiêu thụ 1.000 tấn; hệ thống siêu thị Fivimart tiêu thụ 30 tấn; hệ thống siêu thị BigC 100 tấn…
Các DN tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam tiêu thụ 12.000 tấn và 20.000 tấn XK sang Trung Quốc. Vải thiều Hải Dương cũng đã được XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU… Kết quả đó có sự góp công lớn từ hoạt động XTTM.
Ai chứng kiến cũng ấn tượng với câu nói của ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trong một lần trao đổi với ông Alex Alexopoulos (nhà NK vải thiều đến từ Australia): “Nếu ông có thể đưa được quả vải Hải Dương vào hệ thống siêu thị nước Úc, người Hải Dương sẽ coi ông là công dân danh dự”. Đó là tinh thần trọng thị DN bao tiêu nông sản.
Tại hội nghị đánh giá tình hình SX và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hải Dương năm 2015 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cũng khẳng định: Nếu SX hàng hóa mà không có DN đi cùng thì thì chắc chắn thất bại, đồng thời tuyên bố: “Chính quyền sẵn sàng tín chấp để DN và bà con thực hiện các giao dịch hợp tác”...
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương mong muốn tất cả các loại nông sản của tỉnh đều có mặt trong hệ thống các siêu thị. Và từ nay đến năm 2016, mọi vùng SX nông sản hàng hóa phải được cấp chứng nhận VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Để làm được điều đó, Sở KH-CN và Sở NN-PTNT phải phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; kiểm soát chặt chẽ các khâu SX để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Ngành công thương tiếp tục hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi DN bao tiêu sản phẩm uy tín...
DN mong đợi gì?
Ông Tăng Xuân Trường, GĐ Cty Việt Hưng, chuyên thu mua, sơ chế và chế biến rau, củ quả tại Hải Dương, chia sẻ: Qua các đợt XTTM, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là tại Hà Nội, TP. HCM đã tạo ra hiệu ứng thị trường rất tích cực.
Riêng quả vải, giá bán tăng từ 7.000 – 10.000đ/kg (năm 2014) lên 12.000 – 15.000đ/kg (năm 2015). Từ đó, nông dân hưởng lợi trên 150 tỷ đồng. DN Việt Hưng cũng được thơm lây khi các đơn hàng từ đối tác tăng vượt bậc so với năm 2014.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tặng bằng khen cho các doanh nghiệp bao tiêu số lượng lớn vải thiều Hải Dương cho bà con, niên vụ 2015
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ cà rốt tăng từ 2.700 tấn lên 5.000 tấn (trong đó XK 3.000 tấn sang Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan và UAE…); vải tăng từ 1.800 tấn lên 2.500 tấn (trong đó XK đạt 700 tấn, đưa vào hệ thống siêu thị Co.opmart và các siêu thị khác 700 tấn).
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, GĐ điều hành Hapro cho biết, thị trường XK của TCty đã được mở rộng ra 70 nước trên thế giới. Do đó, nhu cầu thu mua nông sản XK là khá lớn. Mặc dù sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương có chất lượng, đa dạng và phong phú nhưng số sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu còn ít.
Diện tích SX được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực chưa được quan tâm đúng mức nên khó tiếp cận được những thị trường khó tính.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Cty CP Nhất Nam, hiện đang sở hữu hệ thống siêu thị bán lẻ Fivimart, cũng cho rằng, việc phát triển thương hiệu cho các loại nông sản vẫn là điểm yếu của Hải Dương.
Ví dụ, quả na Chí Linh đã được chứng nhận SX theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng rất ngon nhưng người tiêu dùng Hà Nội lại chưa biết đến. Vì thế, thương lái phải giới thiệu đó là na Chi Lăng, na Đông Triều để trục lợi giá cả.
Thời gian tới, Nhất Nam dự định sẽ đưa một số loại nông sản của Hải Dương vào hệ thống siêu thị như gạo nếp cái hoa vàng, chuối tiêu, ổi, na và một số sản phẩm chăn nuôi như cá lồng nuôi trên sông Kinh Thầy và gà đồi Chi Lăng.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm gà đồi, do hệ thống chỉ nhập gà mổ sẵn nên đề nghị Hải Dương cho thành lập một khu giết mổ gia cầm đảm bảo ATVSTP tại vùng chăn nuôi Chí Linh...