SX theo quy mô lớn giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Tỉnh Đồng Tháp có trên 215.000 hộ SX nông nghiệp, bình quân mỗi hộ canh tác 1,1 ha đất, trong đó có 18% số hộ sử dụng dưới 0,2 ha, 25% sử dụng từ 0,2 - 0,5 ha, 43% sử dụng từ 0,5 - 2 ha và chỉ 14% có hơn 2 ha đất nông nghiệp.
Điều này đã không đáp ứng yêu cầu SX hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, để ứng dụng mạnh mẽ KH-KT vào SX, đẩy nhanh cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu SX lớn thì việc tăng quy mô SX là cần thiết, là quy luật tất yếu.
Thống kê cho thấy, nhờ tăng quy mô SX, đặc biệt thông qua việc triển khai cánh đồng lớn (cánh đồng liên kết) đã góp phần làm giảm giá thành SX lúa từ 650 - 700 đồng/kg, lợi nhuận từ 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ so với SX nhỏ lẻ).
Từ quy luật tất yếu đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, nổi bật là miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô SX lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất.
Cụ thể là hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn san bằng đồng ruộng cho các hợp tác xã, trang trại. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai thí điểm mô hình mở rộng ruộng đất theo quy mô cánh đồng lớn cho 1 hộ nông dân tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông với 80 ha và HTX NN Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) trên 100 ha; tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận với Quỹ hỗ trợ đầu tư, phát triển để đầu tư mở rộng SX. Ưu tiên được cấp giống cây, giống con và thuỷ sản mới, hỗ trợ chuyển giao khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại...
Ngoài ra còn hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô SX nông nghiệp trên 3 ha và san bằng mặt ruộng. Hiện tại đã triển khai thí điểm tại các HTX Tân Cường, Tân Tiến và Phú Bình (huyện Tam Nông), bước đầu có 28 hộ tham gia với tổng diện tích mở rộng 126 ha.
Triển khai sâu rộng đến tận huyện, xã là vấn đề được Tư lệnh ngành NN-PTNT Đồng Tháp đánh giá cao khi đến làm việc với huyện Tam Nông. Đến nay, tổng diện tích SX cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ nông sản của toàn huyện trên 35.000 ha ở 24 HTX và 4 THT, các DN ký hợp đồng tiêu thụ gần 6.000 ha.
Đề án liên kết thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo được thực hiện trên diện tích 13.000 ha ở 12 HTX nông nghiệp của 6 xã, thị trấn do Cty CP Phân bón Bình Điền và Cty CP BVTV Sài Gòn đầu tư vật tư đầu vào. Cty TNHH Thương mại - XNK Lộc Anh liên kết thu mua được 1.600 ha với giá thu mua theo thị trường tại thời điểm và hỗ trợ thêm 150 đồng/kg.
Cánh đồng lớn cho nông dân thu nhập cao hơn 20 - 30%
Đáng chú ý hơn là HTX Tân Cường đang triển khai thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và Dự án thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo, được Chính phủ thống nhất chủ trương cho HTX tạm trữ 2.000 tấn gạo. Theo đó, HTX đã triển khai thu mua đạt chỉ tiêu đề ra và xuất bán được 1.300 tấn lúa.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng hưởng ứng mô hình tăng quy mô SX nông nghiệp và san bằng mặt ruộng, bước đầu có 28 hộ tham gia với tổng diện tích trên 126 ha.
Điển hình là nông dân Nguyễn Văn Khanh ở ấp B, xã Phú Cường (Tam Nông) đang canh tác 120 ha thông qua mô hình tích tụ ruộng đất. Từ việc SX quy mô lớn, ông Khanh đầu tư thêm nhiều máy móc, trang thiết bị để phục vụ SX. Ông Khanh cho biết, đang tính đến việc tăng quy mô SX lên từ 150 - 200 ha nếu việc tiêu thụ thuận lợi.
Theo thống kê, nhiều diện tích chuyển đổi theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp tại khu vực này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa (trung bình cao hơn 20 - 30%). Cá biệt có mô hình hiệu quả rất cao như trồng bắp tại Đồng Tháp, lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 - 1,8 lần so với trồng lúa. Nhiều vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây và thủy sản tập trung, quy mô lớn, SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; các vùng chăn nuôi trọng điểm đã được hình thành.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn rời rạc giữa các địa phương, thậm chí có nơi còn chưa hoàn thiện đề án nên chưa có nhiều sự hợp tác. Bên cạnh đó, SX nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn nhiều.
Từ thực tiễn ở địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết, HTX chính là điều kiện cần, là xương sống trong suốt tiến trình tái cơ cấu. Được mùa mất giá là “cái bẫy” cần cân nhắc thấu đáo, chúng ta không thể quyết định giá cả đầu ra trong vòng quay của thị trường nhưng hoàn toàn có thể chủ động chi phí đầu vào, từ thực hiện đúng quy trình canh tác, sử dụng đúng liều lượng VTNN đến lợi thế khi “mua chung”, “dùng chung” trong HTX.