Vải thiều Bắc Giang năm nay đạt thắng lợi kép: được mùa, được giá
* Tiêu thụ nội địa đạt 55%
Vụ vải thiều năm nay cũng chứng kiến việc Bắc Giang lần đầu tiên đưa quả đặc sản này XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, không giấu được sự phấn khởi khi kết thúc vụ vải thiều, số tiền nông dân Bắc Giang thu được đạt tới 4.600 tỷ đồng. Giá bán bình quân của mỗi kg vải thiều đạt 15 nghìn đồng, cao hơn vụ trước gần 3 nghìn đồng.
“Có thể khẳng định, việc chủ động, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các DN, thị trường tiêu thụ vải thiều ngày càng được mở rộng”, ông Thái nói.
Minh chứng cho điều này, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, với tổng diện tích hơn 31 nghìn ha, sản lượng vải thiều đạt 195.000 tấn quả tươi, việc tiêu thụ không hề đơn giản nếu không có sự vào cuộc quyết liệt và những giải pháp sát với thực tế.
Nếu những biện pháp như xúc tiến thương mại tại các cửa khẩu, chú trọng thị trường truyền thống là Trung Quốc… vẫn được thực hiện từ nhiều năm trước, thì trong năm nay, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa.
“Tiêu thụ nội địa năm nay đã chiếm 55% tổng sản lượng, tăng gần 10% so với năm 2014. Thay vì chỉ có mặt tại một số tỉnh, TP lớn như trước, vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ khắp toàn quốc với sản lượng 107.000 tấn.
Riêng thị trường phía Nam khoảng 64.000 tấn, chiếm 60%. Đây là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa đạt cao, điều này chứng tỏ sức tiêu thụ vải thiều trong nước còn rất lớn. Tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những năm tới”, ông Thái nhấn mạnh.
Ngoài ra, năm nay, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được XK sang Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN với sản lượng XK đạt 85.500 tấn.
Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lượng vải thiều XK vào các thị trường mới như Mỹ, Australia tuy còn khiêm tốn (khoảng 250 tấn), song việc XK thành công vào các thị trường khó tính này đã khẳng định thương hiệu và chất lượng vải thiều Bắc Giang, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho việc XK vải thiều những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Thái cũng nhìn nhận, vải thiều Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung vẫn ảnh hưởng bởi tính mùa vụ cao, chưa có giải pháp tối ưu trong bảo quản sau thu hoạch. Thị trường XK vải thiều chưa đa dạng và thiếu tính bền vững. Chất lượng vải chưa đồng đều. Việc đóng gói, dán nhãn vải thiều của tỉnh chưa được chú trọng, công tác quản lý và bảo vệ thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Các DN của tỉnh có khả năng XK vải thiều tươi đến thị trường xa, khó tính chưa có.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Úc cũng chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi, công tác XK vải thiều của Việt Nam năm 2015 vào thị trường Úc và các thị trường khó tính khác còn gặp nhiều khó khăn do đối tác đồng ý mở cửa thị trường cho vải thiều Việt Nam quá sát thời gian thu hoạch, trong vòng một tháng. Điều này, ít nhiều khiến các DN tiếp cận gặp nhiều bỡ ngỡ.
Để vải thiều phát triển ổn định và bền vững, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đã thống nhất kế hoạch thực hiện thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người trồng vải trên địa bàn SX vải thiều theo tiêu chuẩn hiện đại, an toàn, mở rộng diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap; chuyển dịch cơ cấu phù hợp cho nhiều loại vải thiều nhằm kéo dài mùa vụ; phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN, Bộ NN-PTNT để chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ KHKT trong canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản vải thiều nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm phục vụ cho XK.
“Trong công tác xúc tiến thương mại, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều; chủ động kết hợp với chính quyền các tỉnh, TP trong cả nước để tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng SX với các DN, thương nhân và các hệ thống phân phối; quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ SX, chế biến và tiêu thụ vải thiều”, ông Thái khẳng định