Chè sạch lên ngôi: Vị thế mới của chè Trung Long (28/08/2015)

Cả đời làm chè nhưng chưa bao giờ người dân thôn Trung Long (xã Trung Sơn, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) dám nghĩ đến việc cây chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập tốt như hiện nay.


Làm chè an toàn - VietGAP đã mang lại vị thế mới cho chè Trung Long

Nhất nghệ tinh

Tổ hợp tác chế biến chè Ngân Sơn, thuộc thôn Trung Long được hình thành từ năm 2012 trên sự tự nguyện của 17 thành viên bao gồm các hộ trong thôn có vườn chè liền kề.

 Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Tổ trưởng THT sản xuất chè VietGAP thôn Trung Long) cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở đất Trung Long, cây chè đối với anh quá đỗi thân thuộc. Lúc còn là thanh niên chưa vợ, Thắng đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở chè khô mang bán các nơi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, anh cũng gom góp tiền mua được một chiếc xe tải.

Anh Thắng bảo, đi bán chè nhiều nơi, nhiều khách thấy rằng, chè đất quê mình rất ngon nhưng vì làm chè chẳng có tiêu chuẩn, thương hiệu gì nên giá bán quá thấp so với công sức người dân bỏ ra. Trong một lần ra tỉnh ngoài, thấy người ta làm chè sạch đem lại giá trị cao, anh Thắng tự đến tìm hiểu, học hỏi và ý tưởng làm chè sạch nhen nhóm trong đầu anh từ ngày ấy. Năm 2011, Thắng đã đề xuất với huyện Sơn Dương mong muốn làm chè sạch để nhờ hướng dẫn, định hướng.

Năm 2012, anh Thắng bán ô tô để đầu tư nhà xưởng chế biến chè khô, tạo bước đệm thực hiện ý tưởng xây dựng một vùng nguyên liệu làm chè an toàn. Thông qua xưởng chế biến chè, Thắng luôn chủ động, tích cực truyền đạt cho bà con trồng chè trong thôn những kiến thức làm chè sạch đã được học hỏi. Chính từ đó mà một số bà con trồng chè trong thôn thành lập Tổ hợp tác Ngân Sơn do anh Thắng làm tổ trưởng.

“Thực sự đến lúc đó mình vẫn chưa thể hình dung ra quy trình làm chè sạch như thế nào cho đúng tiêu chuẩn quy định nên chỉ mày mò thực hiện. Thế rồi may mắn nguyện vọng của mình được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp của huyện Sơn Dương đến tận nơi tham khảo và hướng dẫn các bước thực hiện quy trình làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến hành xây dựng đề án hỗ trợ”.

Các tổ viên trong tổ hợp tác được đi tham quan tìm hiểu cách làm chè sạch ở một số tỉnh bạn, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè sạch. Cơ sở chế biến chè của tổ hợp tác được hỗ trợ đầu tư nâng cấp. Bao bì sản phẩm chè được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký thương hiệu nhãn mác.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện quy trình chăm sóc chè an toàn, tháng 10-2014, THT Trung Long với cơ sở chế biến chè Ngân Sơn chính thức được cấp chứng nhận sản phẩm chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được đóng gói, hút chân không, nhãn mác đẹp, được đưa đi giới thiệu tại một số hội chợ ở Hà Nội, Hải Phòng và đã được đánh giá rất cao về chất lượng với giá cả hợp lý.

Nhất thân vinh

Gắn bó với cây chè từ bao năm nay nhưng chưa năm nào bà Vũ Thị Hẹ ở thôn Trung Long, xã Trung Yên lại thấy cây chè đem lại cho bà nhiều niềm vui như năm nay. Nhà bà Hẹ có 5 sào chè. Những năm trước đây, cây chè chỉ cho thu nhập phụ để có thêm đồng ra đồng vào.


Từ ngày có tổ hợp tác trồng chè Ngân Sơn, bà con trong tổ áp dụng cách chăm sóc chè mới theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ cho năng suất cao mà còn được giá hơn hẳn. Bà Hẹ chia sẻ, trước đây 1 lứa, hái đem bán chỉ được dăm, bảy trăm nghìn đồng, vụ nào cao lắm được 1 triệu đồng. Nay áp dụng phương pháp mới, chè đẹp hơn hẳn, mỗi lứa có bán vội cũng được 1,6 triệu đồng. Vậy là gia đình bà có thu nhập gấp đôi, gấp ba trước đây.

Anh Trịnh Viết Dương (Tổ phó THT sản xuất chè VietGAP Trung Long) cho biết, chè sản xuất theo VietGAP được thị trường đón nhận, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Nếu như trước đây giá bán chè khô chỉ từ 60.000 - 70.000 đồng/kg thì nay đạt 200.000/kg. Hơn nữa, cây chè được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất cao gấp 1,5 lần trước đó. Rõ ràng là từ khi áp dụng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị của cây chè đã tăng gấp nhiều lần.

Anh Dương chia sẻ, làm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện theo những quy trình bắt buộc, tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh. Trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà con phải thành thục khi nhận diện các loại sâu, bệnh, việc phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).

Các thành viên trong tổ đều có sổ nông hộ để ghi chép nhật ký, ghi quy trình chăm sóc chè, thường xuyên báo cáo tổ trưởng. Tổ trưởng có bảng theo dõi lịch trình của từng hộ và lên kế hoạch chỉ đạo các hộ tiến hành các biện pháp chăm sóc cho đúng quy trình. Mỗi hộ đều có một mã số được in trên bao bì khi đóng gói sản phẩm để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Sau 1 năm, cây chè được chăm sóc đúng quy trình thì mới đảm bảo tiêu chuẩn. Nhớ lại cách làm cũ, anh Dương ngán ngẩm, trước bà con sử dụng thuốc trừ cỏ, chẳng những cỏ chết, chè lụi mà người phun thuốc còn lử đử lừ đừ.

Ông Nguyễn Năm Châu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tuyên Quang cho biết, vừa qua, một số khách hàng Đài Loan đã đi khảo sát vùng chè thôn Trung Long để phối hợp sản xuất 3 loại chè đặc sản là Ô long, Hồng trà và Đông phương mỹ nhân. Người Đài Loan đánh giá cao vùng chè thôn Trung Long về chất lượng, nếu việc phối hợp thành công thì chè Trung Long sẽ có giá trị rất cao, hứa hẹn đổi thay đời sống của bà con.

Theo Đồng Văn Thưởng (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 215
Tổng truy cập: 39333740