Sức bật Cần Giuộc (18/09/2015)

Phát huy truyền thống anh hùng, Cần Giuộc hôm nay tự hào vươn lên, đổi mới từng ngày.

Một góc thị trấn Cần Giuộc hôm nay

Cần Giuộc, cái tên đậm chất phương ngữ Nam bộ đã được nhiều thế hệ người Việt biết đến qua bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Phát huy truyền thống anh hùng, Cần Giuộc hôm nay tự hào vươn lên, đổi mới từng ngày. Đặc biệt là phong trào tái cơ cấu, chuyển đổi trồng lúa sang cây dưa, rau an toàn, tôm thẻ chân trắng cho nguồn thu từ 100 - 200 triệu đồng/ha, tạo sức bật mới cho vùng đất này…

Xứng danh quê hương nghĩa sĩ

Về thăm Cần Guộc trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt từng ngày trên mảnh đất của những anh hùng nghĩa sĩ nông dân năm xưa.

Trước cách mạng tháng Tám, Cần Giuộc là một quận thuộc tỉnh Chợ Lớn. Nay nó là một huyện của tỉnh Long An, nằm phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh. Huyện lị cách trung tâm thành phố trên 40 km và cũng gọi là Cần Giuộc.

Vào tháng 12/1859, khi quân Pháp đem tàu chiến tiến vào đánh thành Gia Định, Hộ đốc thành Gia Định là Võ Duy Ninh kháng cự không nổi, lui quân về Cần Giuộc và ông đã tuẫn tiết tại đây.

Lúc này, Nguyễn Đình Chiểu cũng rời Gia Định về quê vợ ở Mỹ Lộc, Cần Giuộc, cùng quan quân tổ chức chiến đấu. Trương Định đứng lên lãnh đạo nghĩa quân, phong ông Bùi Quang Diệu làm đốc binh, thường chọn chùa Tôn Thạnh làm nơi chỉ huy.

Giặc Pháp huy động quân đến Cần Giuộc để tiêu diệt quân ta. Trên chúng đóng đồn, dưới sông có tàu chiến.

Biết tin Phó Đô đốc Bornard (vừa thay Đô đốc Charner) ra lệnh cho rút bớt quân lính ở các đồn để tập trung lực lượng đánh chiếm Biên Hòa, hòng chặn đường liên lạc giữa triều đình với nghĩa quân miền Tây Nam Bộ, ngày 16/12/1861, Bùi Quang Diệu dẫn quân nghĩa sĩ tấn công đồn Cần Giuộc, đốt cháy nhà dạy đạo, đâm bị thương giám đốc dân sự người Pháp là Dumont.

Sau đó viên quan này cũng tử vong, quân nghĩa sĩ còn tiêu diệt thêm một số lính “Mã tà, Ma ní”.

Theo tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, sau cuộc tập kích, nghĩa quân bị thiệt hại nặng, hy sinh 27 người. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng lòng yêu nước và ý chí chống giặc của nhân dân Cần Giuộc càng được khẳng định.  

Kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, tinh thần yêu nước của người nghĩa sĩ năm xưa, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giuộc hôm nay, quyết tâm cùng chung sức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc tự hào khoe với chúng tôi rằng, Cần Giuộc bây giờ là một trong những huyện có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất nhì của tỉnh.

Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc, biểu tượng của nhân dân huyện

Trong 5 năm qua, chương trình huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế địa phương phát triển.

Huyện xây dựng thành công 6 xã và thị trấn đạt chuẩn văn hóa;. 33/61 trường đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến cuối năm 2015, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt, thị trấn Cần Giuộc vừa được công nhận là đô thị loại IV trước thời hạn.

Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch theo hướng “Công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp”. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trên từng lĩnh vực đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt hơn 43 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm từ 8,81% vào năm 2010, đến nay chỉ còn 2,68%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ X huyện đề ra.

Đặc biệt, thu nhập bình quân cho nông dân ở khu vực nông thôn đã có bước tăng đột phá từ 16 triệu đồng/người/năm 2010 lên 31,4 triệu/người/năm 2014 và dự kiến sẽ đạt 36 triệu đông/người/năm 2015.

Việc xây dựng NTM ngày càng đạt được nhiều thành tựu, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa nông thôn và thị trấn ngày càng được rút ngắn khoảng cách.

Phất lên từ cây rau, con tôm

Những năm gần đây, Cần Giuộc là một trong những huyện SX nông nghiệp chủ lực của tỉnh Long An.

Ông Đồng Quang Đôn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, để có được thành quả này, từ năm 2000 đến nay, UBND huyện đã có những đề án quy hoạch SX cụ thể, phù hợp cho từng vùng chuyên canh nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã vùng hạ huyện Cần Giuộc

Theo đó, 9/16 xã vùng thượng của huyện là Tân Kim, Trường Bình, Long An, Thuận Thành, Phước Lâm, Mỹ Lộc, Phước Hậu, Long Thượng, Phước Lý, sẽ là vùng chuyên canh các loại hoa màu như cây lúa, cây rau ăn lá, dưa hấu, dưa gang…

Các xã vùng hạ còn lại sẽ là Long Phụng, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Phước Lại, Long Hậu sẽ là vùng chuyên canh nuôi trồng thủy hải sản các loại.

Hiện tại, diện tích vùng chuyên canh rau ăn lá các loại ở các xã vùng thượng đã phát triển lên đến 1.823 ha, sản lượng rau xanh thu hoạch ước đạt 120.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở 3 xã là Phước Hậu, Mỹ Lộc, Phước Lâm. Trong đó, diện tích SX rau ăn lá theo hướng an toàn 400 ha, VietGAP 6,3 ha.

Theo ông Đôn, một người trồng rau ăn lá mỗi năm SX từ 4 - 6 vụ, mỗi vụ cho thu lãi từ 25 - 40 triệu đồng. Riêng người trồng rau xà lách xoong, mỗi vụ có thể cho thu lãi đến 50 triệu đồng/ha.

Tính ra, hiệu quả kinh tế từ việc trồng rau ăn lá gấp từ 6 - 8 lần so với làm lúa.

Ngoài ra, một số xã đang áp dụng mô hình 1 vụ lúa 2 vụ dưa, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Trung bình mỗi vụ lúa đông xuân người nông dân thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng, dưa hấu 150 triệu, dưa gang khoảng 60 triệu đồng.

Như vậy, với việc áp dụng mô hình 1 vụ lúa 2 vụ dưa, mỗi năm cho thu trên dưới 200 triệu đồng/ha.

Tại các xã vùng hạ, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang là mũi nhọn đột phá phát triển kinh tế. Theo thống kê, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã vùng hạ đã phát triển lên đến 2.600 ha.

Chỉ tỉnh riêng tại xã Phước Vĩnh Tây, trong vòng 10 năm trở lại đây, toàn xã đã chuyển đổi 850/1.100 ha từ canh tác lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Chỉ những diện tích lúa trong vùng đê bao thì mới được người dân giữ lại canh tác lúa.

Ông Nguyễn Văn Sành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Tây cho biết, kể từ khi nông dân chuyển đổi từ SX lúa kém hiệu quả sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, đời sống kinh tế của người dân có bước đột phá rõ rệt.

Tính trên địa bàn xã Phước Vĩnh Tây hiện nay đã có 10 tổ hợp tác, liên kết và 1 trang trại nuôi tôm đã được hình thành. “Nhờ con tôm, hàng trăm hộ nông dân trong xã có mức thu nhập vài trăm triệu đồng, hộ thu vài tỷ mỗi năm không hiếm”, ông Sành nói.

Để từng bước nâng cao hiệu quả việc nuôi tôm cho người dân, Sở NN-PTNT Long An đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức xây dựng thí điểm 5 mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 2 ha tại 2 xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây.

Sau thành công của mô hình, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tiến hành nhân rộng ra địa bàn, nhằm từng bước hình thành vùng nuôi tôm an toàn cho người dân.

Theo Thanh Sa (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 109
Tổng truy cập: 39349354