Nhà máy chế biến
Bốc trên tay những hạt gạo trắng tròn, căng mẩy như nhộng ong còn thơm phức mùi lúa mới đưa cho tôi, anh Vũ Văn Nga-Tổng GĐ Cty CP TCty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cười rạng rỡ: “Đây là sản phẩm gạo chất lượng cao mới ra lò từ nhà máy chế biến gạo lớn và hiện đại nhất miền Bắc đấy”.
Người trăn trở nâng tầm hạt gạo
Vài năm trước, khi nghe anh ấp ủ về chuyện xây dựng cánh đồng khép kín mà ở đó nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, tư vấn kỹ thuật, được thu mua sản phẩm, trả tiền “tươi” ngay trên bờ nhiều người đã không tin.
Họ nghi ngờ là bởi nhiều cánh đồng lớn đã thất bại hoàn toàn bởi bế tắc ở khâu bao tiêu sản phẩm. Họ nghi ngờ là tiềm lực kinh tế đâu mà một doanh nghiệp mới thoát xác khỏi cơ chế bao cấp có thể đầu tư nhà máy chế biến gạo cỡ lớn.
Giờ thì mọi thứ đã hiển hiện như một minh chứng rằng Vũ Văn Nga không phải chỉ nói đùa kiểu mị dân.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập mỗi ngày một sâu rộng, sự xuất hiện của những đối thủ nước ngoài mỗi lúc một nhiều thì muốn trụ hạng, muốn tồn tại được phải có chiến lược riêng và khác biệt.
Nhiều công ty giống danh tiếng một thời do không nắm được xu thế đấy đã lao đao, phá sản, bị thôn tính dần trước hiện trạng cá lớn nuốt cá bé.
Đi cho đến cùng của chuỗi sản phẩm chính là chiến lược phát triển mà anh Vũ Văn Nga-Tổng GĐ Cty CP TCty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình hằng đeo đuổi.
Đường mới dần sáng tỏ, chuỗi giá trị dần định hình mỗi lúc một chi tiết với đầu vào là cung ứng giống, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học còn đầu ra là tổ chức sấy, xây nhà máy chế biến, lập kho bảo quản, tìm đối tác trong và ngoài nước để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Anh Vũ Văn Nga phân tích: “Đầu ra bây giờ quan trọng hơn đầu vào rất nhiều vì có bao giờ hạt gạo miền Bắc trở nên ế ẩm như hiện nay đâu?
Trước đây gạo miền Bắc vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng giờ đường tiểu ngạch gần như đã đóng hẳn còn đường chính ngạch èo uột, đang có nguy cơ tắc nốt.
Mãi phụ thuộc vào thị trường này thì người ta hắt hơi là mình sẽ ốm nặng. Hạt gạo phải tìm đến những thị trường xa hơn, lớn hơn, mạnh hơn Trung Quốc.
Chính vì thế mà chúng tôi sẽ hướng đến thị trường cao cấp với xuất xứ nguồn gốc đảm bảo, sản xuất đồng bộ khép kín, an toàn cho người sử dụng. Thị trường đó sẽ là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…và nội tiêu ở các thành phố, thị xã lớn trong cả nước”.
Vừa có một chuyến đi khảo sát thị trường ở mấy nước về, anh Vũ Văn Nga nhận định đối với điều kiện ruộng đất ít, manh mún ở miền Bắc mà chạy theo năng suất như trong đồng bằng sông Cửu Long là thất bại.
Lợi thế duy nhất của miền Bắc là một mùa đông mà Nam bộ dù có thèm muốn cũng không thể có. Mùa đông này sẽ giúp cho hạt gạo chất lượng càng thêm chất lượng, tại sao không tận dụng nó để phát huy những giống lúa đặc sản sản xuất bằng phương pháp sạch hoặc hữu cơ để gia tăng giá trị?
Làm được điều đó thì cái giá bán cao gấp rưỡi, gấp đôi thậm chí gấp ba là cầm chắc trong tầm tay.
Giám đốc Vũ Văn Nga bên hạt gạo mới ra lò
Hàng loạt những dòng lúa đặc sản nổi tiếng của miền Bắc ngày xưa như Tám, Dự, Nếp cái hoa vàng đã được phục tráng. Hàng loạt dòng lúa Nhật Japonica được nhập về để nghiên cứu.
Bước đi đầu tiên của công ty sẽ là sản xuất theo chuẩn VietGAP rồi là gạo hữu cơ, là gạo thảo dược với hàm lượng omega 3, 6, 9, sắt cùng các vi chất dinh dưỡng rất cao.
Đồng bộ, khép kín, tự động hoàn toàn
Để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, một nhà máy chế biến nông sản cỡ lớn ngày đêm được xây lắp. Nhà máy đó giờ đây định hình khang trang và hiện đại trên diện tích 4,7 ha với tổng đầu tư 87 tỉ đồng tại xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Công nghệ của nhà máy này được giới chuyên môn đánh giá là đứng đầu miền Bắc với công suất lên đến 35.000 tấn/năm. Ngoài hệ thống sấy thông thường nhà máy còn được trang bị hai tháp sấy hiện đại của Nhật.
Từng hạt thóc trong tháp sấy được tuần hoàn nên khô đều tuyệt đối, kiểm soát được chất lượng, giữ được hương thơm tinh túy của đất trời.
Mọi công đoạn gần như đều được tự động hóa, vi tính hóa từ khâu đổ sản phẩm vào xay sát, lọc sạn, bắn màu, đánh bóng đến đóng gói, bảo quản. Bởi thế rộng thênh thang mà chỉ cần có 2 người vận hành đầu cuối là đủ.
Được ứng dụng hệ thống quản lý chuẩn ISO 22.000/05 tiến tới là chuẩn Châu Âu, nhà máy chế biến này phân ra hai khu vực xuất khẩu và nội tiêu.
Muốn vào được khu vực xuất khẩu chuẩn Châu Âu khách phải thay quần áo, đeo găng, đi ủng, khử trùng sạch sẽ như trong phòng mổ. Nhà máy chế biến gạo của đơn vị được lựa chọn để gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình sắp diễn ra tới đây.
Sản xuất hoàn toàn khép kín. Trấu tưởng như chỉ là phế liệu nhưng lại là nguyên liệu sấy đầu vào thay cho than đá, lại là nguyên liệu tuyệt vời để sản xuất than sinh học xuất khẩu.
Lượng cám khổng lồ hàng năm của nhà máy sẽ để sản xuất thức ăn cho trại chăn nuôi với 5.000 đầu lợn. Phân thải ra từ 5.000 đầu lợn này sẽ phục vụ cho việc sản xuất 5.000 tấn phân hữu cơ dùng để sản xuất lúa sạch theo chuẩn VietGAP.
Dùng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước vào ra, mọi công đoạn của sản xuất kiểu sạch này đều được ghi vào nhật ký để có thể truy xuất được nguồn gốc bất cứ lúc nào.
Để đáp ứng cho sản lượng 35.000 tấn/năm ấy của nhà máy cần phải có diện tích hàng ngàn héc ta vùng nguyên liệu. Chính vì thế mà một phương hướng mở rộng cánh đồng khép kín ra không chỉ ở Ninh Bình mà cả các vùng phụ cận.
Đối tác của công ty sẽ là các tổ hợp tác, HTX hoặc các hộ, nhóm hộ có diện tích lớn. Rất tiêu biểu cho sự hợp tác này là ở Nam Định đang có một cá nhân ký hợp đồng sản xuất 50 ha lúa sạch.