Hội thảo nuôi tôm theo VietGAP (22/10/2015)

Quá trình nuôi tôm theo VietGAP, công tác quản lý con giống, kiểm soát dịch bệnh và quản lý các chế phẩm sinh học phải được gắn liền với nhau.

Trong 2 ngày 15 và 16/10/2015, tại TP Vinh, Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợi với Sở NN-PTNT Nghệ An đã tổ chức hội thảo nuôi tôm tú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP tại các tỉnh ven biển phía Bắc.

Về dự và chỉ đạo hội thảo có TS Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đông đảo các vị lãnh đạo của các Chi cục nuôi trồng thủy sản, các Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố và các chuyên gia, doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư, thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng.

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành 2 bộ quy phạm VietGAP từ 68 tiêu chí (năm 2011) lên 104 tiêu chí (2014) là để giúp các địa phương thực hiện tốt nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống, giảm chi phí trong quá trình nuôi tôm. Quy định có vẻ ngặt nghèo nhưng lại đảm bảo được tốt yếu tố an toàn dịch bênh, chống ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các địa phương trong toàn quốc triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP tại 169 hộ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Sóc Trăng... với tổng diện tích 84 ha.

Ngoài 2 mô hình bị thất bại, tất cả các mô hình còn lại đều cho năng suất từ 10 tấn/vụ/ha trở lên, thậm chí nhiều hộ nuôi theo VietGAP đạt từ 13-14 tấn/ha/vụ. Nhiều hộ nuôi tôm theo VietGAP đã thực sự làm giàu nhanh từ nghề này. Bởi tôm nuôi theo VietGAP thường dễ bán, giá cao và tăng trưởng nhanh hơn.

Tại cuộc hội thảo này, vấn đề đặt ra là phải làm sao để những người nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải nhận ra rằng việc nuôi tôm theo VietGAP chính là dùng các chế phẩm sinh học để thay thế cho các loại thuốc sát trùng, loại bỏ các loại kháng sinh và chất tăng trọng cấm sử dụng trong nuôi tôm ở cơ sở.

Phải làm sao để người nuôi tôm hiểu được quy trình, cách sử dụng các loại chế phẩm sinh học tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất cho người nuôi tôm.

Quá trình nuôi tôm theo VietGAP, công tác quản lý con giống, kiểm soát dịch bệnh và quản lý các chế phẩm sinh học phải được gắn liền với nhau.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo các địa phương nên thành lập các tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã để người nuôi tôm có cơ hội xử lý tốt 4 vấn đề: Giống, thức ăn, xử lý nguồn nước đầu vào, đầu ra một cách khoa học và thị trường tiêu thụ...

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tử Cương, thay mặt Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: Nuôi tôm theo VietGAP là một tiến bộ kỹ thuật cần phải được áp dụng rộng rãi cho tất cả các địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ ven biển. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mô hình nuôi tôm theo VietGAP, ngoài các yếu tố con giống, thức ăn đảm bảo an toàn dịch bệnh và các yêu cầu VSTP... một yếu tố cần phải đặc biệt quan tâm hiện nay là công tác thủy lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Công việt này hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Cái thứ hai là hiện việc phân biệt sản phẩm VietGAP với nuôi theo truyền thống chưa được rạch ròi, giá cả không chênh nhau. Bản thân việc nuôi tôm theo VietGAP vẫn chưa thực sự mang lại năng suất vượt trội so với cách nuôi truyền thống nên không lôi kéo được người nuôi làm theo mô hình. Bản thân các hộ nuôi tôm theo mô hình cũng chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc mà VietGAP đặt ra. Nhất là việc ghi chép sổ sách đều qua loa, xong chuyện nên rất khó cho cơ quan đứng ra kiểm định...

TS Nguyễn Tấn Sỹ, Viện NTTS Trường Đại học Nha Trang cho rằng: Nuôi tôm vào thời điểm hiện nay khó hơn trước rất nhiều vì mức độ ô nhiễm hữu cơ quá lớn, dịch bệnh tăng nhanh... Một vấn đề đặt ra mà rất nhiều người nuôi tôm không biết chính là việc họ đã cho tôm ăn quá nhiều, thức ăn thừa trong hồ nuôi là một trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khiến con tôm mắc bệnh.

Bởi vậy, theo TS Nguyễn Tấn Sỹ, thì người nuôi theo mô hình VietGAP cần phải nắm rõ quy trình nuôi để cho tôm ăn một cách khoa học. Không để dư thừa thức ăn. Đồng thời phải quản lý tốt chất lượng nguồn nước: Chỉ tiêu nước ra sao? vi khuẩn, tảo ra sao? quản lý đáy, phân, thức ăn dư thừa trong ao nuôi ra sao.


Xem mô hình nuôi tôm VietGAP tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Ông Đậu Quang Hòa, một hộ trực tiếp tham gia nuôi tôm theo mô hình VietGAP tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An, nhận xét: Nuôi tôm theo VietGAP là một tiến bộ kỹ thuật cần được phổ biến và nhân rộng. Nó mang lại hiệu quả lớn cho người nuôi tôm là không phải bàn cãi.

Tuy nhiên để việc nuôi tôm theo VietGAP thành công, đề nghị các cơ quan chức năng phải giúp người nuôi quản lý thật tốt chất lượng đầu vào con giống. Bởi con giống kém chất lượng tuy không bị dịch cũng bị chậm lớn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn mong muốn. Hiện nay công tác quản lý chưa được làm tận gốc.

"Nếu cung cấp con giống kém chất lượng thì trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống ra sao? Không thể cứ kéo dài mãi cảnh sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi được", ông Hòa nói. 

TS Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài việc xử lý tốt các yếu tố như dịch bệnh, môi trường, còn có tác dụng tích cực trong việc giúp các sản phẩm tôm Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại quốc tế, nhất là khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP). Vì vậy nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ tiếp tục được triển khai, tổng kết và nghiên cứu để đưa ra quy trình khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn nữa.

Theo Sao Mai (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 188
Tổng truy cập: 39362233