Ông Trần Văn Quang (ảnh), Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn, người có hơn 10 năm gắn bó với nông nghiệp huyện này có những trăn trở riêng trong quá trình triển khai tái cơ cấu nông nghiệp.
Nếu để lựa chọn, ông sẽ chọn cây trồng nào ưu tiên nguồn lực đầu tư trong tái cơ cấu của Mai Sơn?
Cây ăn quả là đối tượng theo tôi rất có triển vọng, đặc biệt tại địa bàn huyện Mai Sơn, trong đó nhãn, xoài cho thu nhập vượt trội so với các cây trồng khác, đã có nhiều vườn nhãn, xoài cho thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Hiện toàn huyện có khoảng 1.400 ha cây ăn quả, trong đó 712 ha nhãn nhưng mới chỉ mới ghép cải tạo được khoảng 40%, phải tiếp tục đầu tư cải tạo.
Nhãn cũng là cây trồng hiện đang được nông dân trồng mới, mở rộng diện tích với các giống ghép có năng suất, mẫu mã, chất lượng hàng hóa. Cùng với vựa nhãn vùng Sông Mã, nếu làm tốt việc cải tạo, trồng mới tập trung, đưa được VietGAP vào SX, Sơn La có thể tạo thành vùng nhãn có thương hiệu, thậm chí tiến tới XK.
Hiện nay, mỗi năm Mai Sơn giảm trung bình khoảng 500 ha ngô, trong đó nhiều diện tích ngô ở các vùng bằng phẳng đã được người dân đưa cây ăn quả như nhãn, xoài, na, táo vào thay thế. Bên cạnh đó, một số nhà vườn cũng bắt đầu đưa cây có múi như cam, chanh, bưởi vào thay thế đất trồng ngô, bước đầu cho thấy hết sức thích hợp, sản phẩm có năng suất, chất lượng rất khá.
Ước tính, diện tích xoài của huyện từ chỗ nhỏ lẻ nay đã tăng lên hơn 500 ha, trồng tập trung quy mô hàng hóa và đang tiếp tục mở rộng với tốc độ tăng diện tích hàng chục ha/năm.
Tôi nghĩ trong tương lai, Mai Sơn sẽ là vựa cây ăn quả của tỉnh. Huyện cũng đang dành nhiều chính sách cho cây ăn quả, nhất là khuyến khích thành lập HTX, tạo thêm nhiều mô hình để có đánh giá kỹ trước khi mở rộng.
Bên cạnh cây ăn quả, rau cũng là đối tượng có thể mở rộng diện tích và tiềm năng lớn. Hiện Mai Sơn đã hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư hệ thống tưới phun tự động, thí điểm xây dựng thành công được HTX Rau sạch xã Mường Bon. Theo đó, đã luân canh được quanh năm nhiều loại rau, nhất là rau vẹ hè, hè thu vốn nhu cầu rau tại các vùng miền xuôi rất hiếm, giá trị chục triệu đồng/sào chỉ sau 1 tháng gieo trồng.
Đây là đột phá lớn, bởi trước đây Mường Bon chỉ SX rau được theo mùa vụ. Nhiều đơn vị phân phối tại Hà Nội vừa qua cũng đã tìm tới Mai Sơn đặt vấn đề liên kết tiêu thụ dài hạn.
Mai Sơn là vựa ngô lớn của Sơn La, nhưng thời gian qua cây ngô cũng gây ra hệ lụy lớn làm mất rừng, sạt lở đất… Theo ông, nên ứng xử với cây trồng này thế nào?
Tỉnh đã có chủ trương giảm diện tích ngô trên đất dốc, chuyển sang trồng rừng. Tầng đất đồi của Sơn La đa số rất mỏng, nên để đưa trồng rừng gỗ lớn trên đất trồng ngô là không khả thi, mà nên tập trung cho các loại rừng tre, nứa, cây đa mục tiêu như dổi, sơn tra (táo mèo)…
Hiện Sơn La cũng đã có một NM chế biến tre tại Mộc Châu với công suất khoảng 120 nghìn m3/năm để làm sản phẩm tre ép XK sang châu Âu nên thời gian tới sẽ tiếp tục có hỗ trợ ngân sách cho việc phát triển rừng tre, nứa thay thế ngô trên đất dốc.
Đối với ngô ở vùng cao nguyên Nà Sản, hiện nay đầu tư 1 ha ngô trung bình còn lên tới 11-12 triệu đồng/vụ, năng suất bình quân chỉ 4,5 – 5 tấn nên lợi nhuận/diện tích chưa có tính cạnh tranh.
HTX Rau sạch Mường Bon, chỉ sau 2 năm hoạt động đã phát huy hiệu quả, tăng gấp đôi cho giá trị SX rau/đơn vị diện tích
Tuy nhiên thời gian tới, bên cạnh việc đưa ngô chuyển gen vào SX, một số mô hình SX ngô áp dụng cơ giới hóa trên toàn bộ các khâu SX như làm đất, gieo, tưới, thu hoạch… đã được người dân áp dụng đối với các diện tích tập trung lớn, chi phí đầu tư/diện tích có thể giảm xuống 50% so với trước đây.
Bên cạnh đó, một số mô hình cũng gắn kết ngô với phục vụ chăn nuôi trang trại lớn. Nếu đi vào hướng giảm được đầu tư, tận dụng khép kín từ trồng trọt – chăn nuôi, kết hợp với thâm canh, xen canh, ngô cũng sẽ có chỗ đứng tại Mai Sơn.
Xin cảm ơn ông!