Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thành Vân: Bằng mọi giá phải loại chất cấm khỏi ngành chăn nuôi
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trước tình hình gia tăng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian gần đây, đặc biệt là chất tạo nạc salbutamol, clenbuterol, ractopamine và vàng ô, trong 10 tháng đầu năm 2015, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo và phối hợp với một số địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi tại 22 tỉnh, thành.
Qua kết quả báo cáo 12 tỉnh, thành đã gửi về cho thấy, phát hiện 1/19 mẫu TĂCN dương tính với chất salbutamol (chiếm 5,3%) tại nhà máy SX TĂCN; 1/28 mẫu (chiếm 3,6%) TĂCN được lấy tại các trang trại chăn nuôi có chất cấm salbutamol thuộc tỉnh Đồng Nai; 29/263 mẫu nước tiểu (chiếm 11%) được lấy dương tính với salbutamol, trong đó An Giang 1, Đồng Nai 21, Tiền Giang 7 mẫu.
Riêng với các cơ sở giết mổ, kết quả kiểm tra cho thấy tỉ lệ dương tính với sabultamol rất cao. Cụ thế, 106/587 mẫu nước tiểu (chiếm 18,1%) dương tính với salbutamol, trong đó Đăk Nông 3/54, Đồng Nai 3/6, TP.HCM 95/156, Tây Ninh 5/9 mẫu. Nhưng theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP.HCM, những lô lợn phát hiện có chất cấm tại các lò mổ đều là lợn chuyển từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ tại TP.HCM như: Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu và Vĩnh Long. Theo ông Khu, đáng báo động hơn nữa là nồng độ chất salbutamol phát hiện trong các mẫu nước tiểu có tỉ lệ rất cao, cao nhất lên tới 665ppb.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Nam, không chỉ khi rộ lên vấn nạn dùng chất cấm mà từ trước tới nay Hà Nam đều thường xuyên làm công tác kiểm tra này, song từ đầu năm đến nay chưa phát hiện ra mẫu nào dương tính với chất cấm. Ông Hùng chia sẻ, phần lớn các nhà máy SX TĂCN họ chấp hành khá tốt nên chất cấm chủ yếu được tuồn vào trong quá trình chăn nuôi do người dân tự ý bỏ vào như là “mì chính” vậy.
Để tăng cường biện pháp kiểm tra, siết lại việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Hùng cho biết Sở NN-PTNT Hà Nam giao Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản gửi cho tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ký cam kết không dùng chất cấm. Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập đoàn liên ngành kiểm tra 100% cơ sở nhà máy TĂCN, đồng thời lấy mẫu kiểm tra tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, trong quá trình khiển khai sử dụng mẫu test casaette phát hiện nhanh chất cấm bắt đầu cho thấy những bất cập khi sai số khá lớn. Bằng chứng là trong tổng số trên 400 mẫu Sở NN-PTNT lấy thiết bị thử báo có tới 21 mẫu dương tính với chất cấm, tuy nhiên khi đem phân tích lại tại phòng phân tích lại cho kết quả âm tính, qua đó cho thấy tỉ lệ báo giả khá cao. Với TĂCN, Hà Nội đã tiến hành lấy gần 200 mẫu, song qua phân tích không có mẫu nào có chất cấm.
Riêng mẫu nước tiểu, phát hiện có 5 mẫu dương tính, nhưng khi phân tích nằm trong ngưỡng cho phép. Do đó, cũng như tỉnh Hà Nam, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn TP Hà Nội cũng cho rằng chất cấm chủ yếu được sử dụng ở khâu đại lý kinh doanh cám và hộ chăn nuôi.
Các địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát, xử lí chất cấm
Trước đòi hỏi cấp bách từ thực tế phải loại bỏ thật sớm chất cấm ra khỏi ngành chăn nuôi, đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội kiến nghị cần phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất cấm ở mọi công đoạn. Đẩy mạnh, khuyến khích các mô hình chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi VietGAP…, đẩy mạnh công tác quản lí giết mổ tập trung nhằm kiểm soát được đầu vào đầu ra. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về quy trình xử lý với những lô gia súc, gia cầm nghi bị dương tính với chất cấm, bởi để có kết quả phân tích chính thức từ phòng phân tích mất thời gian khá dài.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay hết sức nghiêm trọng và đang ở mức báo động.
Theo đó, truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Vân đề nghị bằng mọi giá phải loại được chất cấm khỏi ngành chăn nuôi, kêu gọi cả cộng đồng cùng tham gia phòng chống, tố giác những đơn vị có hành vi sử dụng chất cấm. Phải hành động bằng mọi cách có thể nhằm thay đổi suy nghĩ, tư duy, nhận thức của cả cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý và đặc biệt là DN, người kinh doanh và hộ chăn nuôi.
Theo quan điểm của Cục trưởng Hoàng Thanh Vân, do kế hoạch triển khai của ngành nông nghiệp lần này mang tính đột xuất, lại vào dịp cuối năm nên một số địa phương kêu khó về kinh phí thanh kiểm tra lấy mẫu. Tuy nhiên, ông Vân khẳng định không lãnh đạo địa phương nào có thể thờ ơ với sức khỏe của cộng đồng của chính bản thân và gia đình mình cả.
Vì vậy, ông Vân đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương cần làm việc với Sở Tài chính yêu cầu bổ sung kinh phí, nếu ngành Tài chính không đồng ý thì làm việc với UBND tỉnh, với Tỉnh ủy, thậm chí kiến nghị lên tận Bộ NN-PTNT và Chính phủ. Bởi không thể chỉ vì thiếu một vài chục triệu kinh phí thanh kiểm tra, lấy mẫu, phân tích mà để cho chất cấm nhởn nhơ được. Ông Vân chia sẻ, bản thân Cục Chăn nuôi hiện cũng không có kinh phí cho việc này, song vẫn phải triển khai một cách quyết liệt nhất có thể.