Nâng cao giá trị cây bơ: Nâng tầm thương hiệu bơ Tây Nguyên (18/12/2015)

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm bơ Tây Nguyên, ngoài công tác giống thì xây dựng thương hiệu và xuất khẩu là việc cần làm.


Bơ Dakado SX theo quy trình nông nghiệp tốt nên quả đều đẹp

Cty TNHH Thu Nhơn (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đã xây dựng thương hiệu và liên kết với nông dân trồng bơ chất lượng tốt, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch để nâng cao giá trị quả bơ đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

Thương hiệu bơ Dakado (ghép từ chữ Đăk Lăk và Avacado là tên quốc tế của trái bơ) hiện đang nổi tiếng từ Nam ra Bắc. Đây là thương hiệu đã nâng bước cho bơ Tây Nguyên có mặt ở tất cả các vùng miền trên cả nước và sắp tới đây bơ Dakado sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu.

Làm chủ thị trường nông sản sạch

Năm 2006, cây bơ Tây Nguyên được Tổ chức Hỗ trợ phát triển Quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ) phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Đăk Lăk triển khai chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SME-GTZ).

Mục đích nhằm nâng cao giá trị trái bơ và đã chọn cơ sở kinh doanh bơ của bà Nguyễn Thị Thu Nhơn (TP Buôn Mê Thuột) trong số 200 hộ nông dân trồng bơ và 42 cơ sở kinh doanh bơ khác để thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị bơ Đăk Lăk” trong khuôn khổ chương trình SME-GTZ.

Kế thừa thành quả của 3 năm đồng hành cùng SME-GTZ từ năm 2006-2009, năm 2010 Cty TNHH Thu Nhơn liên kết với 100 hộ nông dân sản xuất bơ thành lập Liên minh sản xuất bơ Dakado với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới nhằm tạo nguồn nguyên liệu bơ cao cấp theo chuẩn nông nghiệp sạch, hướng đến mục tiêu xuất khẩu và chế biến quả bơ.

Tháng 5/2011, Trung tâm Ứng dụng thuộc Sở KH-CN Đăk Lăk đã tiến hành chuyển giao quyền sở hữu thương hiệu bơ Dakado, trái bơ sáp đặc sản của tỉnh cho Cty TNHH Thu Nhơn. Là đơn vị nhận chuyển giao nhãn hiệu bơ Dakado, những năm qua Cty đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển, quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao chuỗi giá trị trái bơ Dakado.

Cho đến nay, sản phẩm bơ Dakado đã trở thành thương hiệu số 1 của Tây Nguyên, có mặt khắp nơi trên cả nước, đặc biệt tiêu thụ tốt tại các kênh nông sản sạch, cửa hàng trái cây sạch và các siêu thị lớn trong nước như Co.opMart, Metro, Fivimart, Vinmart…

Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thu Nhơn cho biết, sản phẩm bơ Dakado được thị trường trong nước tiêu thụ mạnh, giá bán luôn ổn định và cao hơn 15-20% so với loại bơ thông thường trên thị trường bởi Cty hướng dẫn nông dân áp dụng 100% quy trình SX VietGAP và GlobalGAP.

Vì vậy, khi người tiêu dùng sử dụng bơ Dakado sẽ đảm bảo yêu cầu về nông sản sạch, an toàn.


Chiến lược Cty sẽ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ bơ

“Trung bình mỗi năm chúng tôi cung cấp cho thị trường từ 500-800 tấn bơ Dakado (quả tươi). Tuy nhiên để sản xuất, kinh doanh trái bơ bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường hiện chúng tôi liên kết 300 hộ nông dân tham gia Liên minh bơ Dakado với diện sản xuất khoảng 300 ha, trồng các giống bơ được tuyển chọn bao gồm cả các giống bơ chín sớm và chín muộn như bơ Booth, có nguồn gốc từ Mỹ.

Nông dân khi tham gia Liên minh bơ Dakado, chúng tôi thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời thu mua bơ với giá tăng từ 25-30% so với giá bơ sản xuất bình thường”, bà Nhơn chia sẻ.

Hướng tới xuất khẩu

Không dừng lại với thị trường tiêu thụ bơ trong nước, Dakado đã bắt đầu hướng tới thị trường nước ngoài. Thời điểm năm 2015 bơ Dakado đã xuất hơn 100 tấn bơ tươi sang thị trường Trung Quốc và Campuchia theo đường tiểu ngạch với ý tưởng thăm dò.

Tuy nhiên, theo Cty tất cả chỉ là bước khởi đầu cho trái bơ đặc sản của Tây Nguyên bởi tiềm năng thị trường bơ vẫn còn rất lớn và nhu cầu người tiêu dùng ngày càng nâng cao.

Cũng theo Cty Thu Nhơn, để thực hiện chiến lược đưa quả bơ Darako hướng ngoại, Cty đang đồng hành cùng nông dân tạo chuỗi giá trị sản phẩm bơ cùng mắc ca và hạt điều sạch từ nông trại đến thị trường.


Bơ Dakado đang hướng thị trường xuất khẩu

Với nền tảng liên kết 300 hộ nông dân hiện tại, trong 5 năm tới Cty sẽ tiếp tục liên kết với 1.000 hộ nông dân nữa để mở rộng vùng nguyên liệu bơ trên 1.000 ha.

Đồng thời xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ quả bơ, mắc ca, hạt điều như hạt rang, tinh dầu... nhằm chế biến các sản phẩm thế mạnh này của tỉnh Đăk Lăk thành các thương phẩm cho giá trị kinh tế cao, giảm xuất khẩu nông sản thô, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới với mục tiêu gia tăng thu nhập cho người sản xuất.

“Chúng tôi đang ký kết hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để thương hiệu bơ Dakado xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật, Châu Âu, Mỹ, Nga… dưới thương hiệu nông sản Việt Nam”, bà Nhơn chia sẻ.

Anh Trần Văn Hải, xã Ea Cao (TP Buôn Mê Thuột), người tham gia Liên minh bơ Dakado cho biết, lợi ích của người dân tham gia Liên minh SX bơ Dakado nên đầu ra sản phẩm luôn ổn định và bán với giá cao hơn so với SX bơ thường.

Hơn nữa, nông dân chỉ việc thu hoạch Công ty về tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng bơ, thậm chí còn xem bơ là cây trồng chủ lực của gia đình.

Theo KIM SƠ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 219
Tổng truy cập: 39333740