Trồng trọt đã góp phần quan trọng vào vị thế của ngành nông nghiệp nước nhà trên trường quốc tế
Dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình XK một số mặt hàng chững lại, tuy nhiên trồng trọt vẫn đang là lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu giá trị SX cũng như XK của toàn ngành nông nghiệp.
Nâng tầm nông nghiệp Việt Nam
Nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm 2005 – 2015 đánh dấu bước ngoặt lớn về hội nhập quốc tế, vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta cũng từng bước được khẳng định, nhất là về XK.
Có thể nói, XK nông sản đã góp phần quan trọng nâng tầm tên tuổi của Việt Nam trong nền kinh tế quốc tế, khi mà hàng loạt các mặt hàng nông sản của nước ta đã khẳng định được vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.
Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản là sản phẩm của ngành trồng trọt như cà phê, lúa gạo, hồ tiêu, hạt điều, cao su… luôn nằm trong nhóm các mặt hàng nông sản XK chủ lực, có kim ngạch XK trên 1 tỉ USD.
Cụ thể đến năm 2014, mặc dù gặp không ít khó khăn, song XK gạo vẫn duy trì được kim ngạch trên 3 tỉ USD, cà phê 3,6 tỉ USD, cao su 1,8 tỉ USD, hạt điều 2 tỉ USD, hạt tiêu 1,2 tỉ USD…
Năm 2005, Chính phủ đã có quyết định thành lập Cục Trồng trọt trực thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước chuyên ngành về trồng trọt. Sau 10 năm thành lập, Cục Trồng trọt đã đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu, xây dựng nhiều chính sách chiến lược lớn cho ngành, đồng thời chỉ đạo, triển khai có hiệu quả góp phần vào thắng lợi quan trọng của toàn ngành nông nghiệp.
|
Cùng với đà tăng trưởng về XK ấn tượng trong năm 2014, năm 2015, kim ngạch XK rau quả ước đạt 2,2 tỉ USD, đưa ngành hàng này trở thành một gương mặt mới đầy tiềm năng về XK. Đến nay, XK nông sản vẫn đang đóng vai trò chủ chốt, chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch XK của toàn ngành nông nghiệp.
Cùng với XK, ngành trồng trọt tiếp tục đảm nhiệm xuất sắc vai trò đảm bảo an ninh lương thực – thực phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm và không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân. 10 năm qua, dù chưa có nhiều đột phá, song trồng trọt vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định ở mức 3%/năm. Tỷ trọng giá trị SX của trồng trọt vẫn chiếm 74% tổng giá trị SX của ngành nông nghiệp.
Năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt đã vượt trên 50 triệu tấn, tăng hơn 10 triệu tấn so với năm 2005. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều tăng mạnh (lúa tăng bình quân từ 48,9 tạ/ha năm 2005 lên 57,8 tạ/ha năm 2015; ngô từ 36 tạ/ha lên 44,5 tạ/ha…).
Nhiều vùng SX cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, chè, thanh long, vải thiều… đã được hình thành trên cả nước. Trong đó, Cục Trồng trọt đã ban hành, triển khai nhân rộng nhiều hình thức SX theo VietGAP, áp dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại đã bước đầu được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát chất lượng, hạ giá thành phục vụ XK, nhất là các mặt hàng rau – hoa quả.
Nhờ các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, giá trị SX/đơn vị diện tích canh tác năm 2015 đã đạt trên 83 triệu đồng/ha, tăng 50 triệu đồng/ha so với năm 2005, giúp cải thiện đáng kể thu nhập và đời sống của người SX.
Quyết liệt đổi mới
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định tự do hóa thương mại.
XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, lúa gạo, cao su… liên tục tụt giảm mạnh cả về giá và sản lượng; nhiều vùng nguyên liệu cây công nghiệp hết chu kỳ khai thác, năng suất chất lượng giảm mạnh; việc xây dựng và triển khai các hình thức SX theo GAP, kiểm soát vệ sinh ATTP trong lĩnh vực trồng trọt vẫn còn nhiều nhức nhối; năng suất, chất lượng của nhiều mặt hàng nông sản nói chung còn thấp, giá thành SX cao, khả năng cạnh tranh thấp; thất thoát sau thu hoạch vẫn còn cao, chế biến sâu nhiều hạn chế…
Trước những nguy cơ này, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản.
Cục Trồng trọt đã tham mưu trình Bộ NN-PTNT đề án quy hoạch phát triển ngành hàng và cây chủ lực, có lợi thế cạnh tranh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cùng hàng loạt đề án phát triển bền vững cho ngành điều, tái canh cho cà phê, quy hoạch phát triển mía, sắn, hồ tiêu, ngô…
Bộ NN-PTNT cũng đã thành lập 8 Ban chỉ đạo (BCĐ) như: BCĐ Tái canh cà phê, BCĐ thâm canh điều, BCĐ rải vụ trái cây vùng Nam bộ, BCĐ Phát triển chè bền vững… nhằm triển khai hiện thực hóa các đề án lớn của ngành.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2015, đã có hàng trăm nghìn ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị hơn. Đến năm 2015, Cục Trồng trọt đã có hơn 100 nghìn ha các loại cây trồng được áp dụng tưới nhỏ giọt, nhiều mô hình SX theo công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh ATTP đã và đang lan rộng trên cả nước.