Rau quả VietGAP 'khát' đầu ra (12/01/2016)

Nhu cầu tìm mua thực phẩm an toàn, sạch trong xã hội đang ngày càng gia tăng, thế nhưng vẫn có không ít những HTX, THT đã có chứng nhận VietGAP hay đang áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất nhưng khó tìm được đầu ra.

 
Ổi VietGAP Bảo Quang tại Ngày giới thiệu sản phẩm HTX các tỉnh, TP miền Nam

Những ngày đầu năm dương lịch, cuối năm âm lịch này, dù bận rất nhiều công việc, nhưng ông Trần Công Nghị, Chủ tịch UBND xã Bảo Quang (thị xã Long Khánh, Đồng Nai), vẫn phải bỏ ra một ngày trời, đi theo đoàn của THT Sản xuất ổi VietGAP xã Bảo Quang, về TP.HCM tham dự Ngày giới thiệu sản phẩm HTX các tỉnh, thành phố miền Nam.

Sở dĩ ông Nghị phải cất công đi như vậy là vì ổi VietGAP của THT nói trên hiện đang rất bí đầu ra do không có đầu mối tiêu thụ ổn định nào. Toàn bộ ổi VietGAP của THT đang phải bán tại vườn cho thương lái với giá thu mua không ổn định, nhiều lúc rất thấp, chỉ 2.500-3.000 đ/kg.

Trong khi đó, những đoàn khách ở TP.HCM, mỗi khi về Bảo Quang, đều đi tìm mua ổi VietGAP cho bằng được để ăn và làm quà, với giá mua cao hơn nhiều. Bởi ở TP, nếu cần ăn ổi vừa ngon vừa an toàn, họ không biết mua ở đâu.

Theo ông Nghị, thực ra, trước đây, THT Sản xuất ổi VietGAP xã Bảo Quang đã từng có một khách hàng tiêu thụ ổn định là HTX Trái cây Long Khánh. Chính HTX Trái cây Long Khánh đã vận động các hộ nông dân trong THT tiến hành trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP và HTX thu mua lại toàn bộ sản phẩm.

Nhờ đó, ngày 9/1/2014, THT Sản xuất ổi VietGAP xã Bảo Quang đã được Cty CP Giám định và Khử trùng (FCC) cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm ổi xá lị Long Khánh, diện tích chứng nhận là 3,9 ha (sản lượng dự kiến 234 tấn/năm), số hộ được chứng nhận là 12 hộ.

Thời gian đầu, HTX Trái cây Long Khánh thực hiện rất tốt việc thu mua ổi VietGAP rồi đưa vào các hệ thống siêu thị BigC, Co.op Mart, hay đi ra Hà Nội…, nhưng từ khoảng nửa năm nay, do gặp nhiều khó khăn, HTX Trái cây Long Khánh đã phải ngừng mua ổi VietGAP của THT Sản xuất ổi VietGAP xã Bảo Quang.

Từ đó, THT lâm vào tình cảnh khó khăn do mất nguồn tiêu thụ ổn định duy nhất, đành phải bán tại vườn cho các thương lái. Nhiều thời điểm, giá mua của thương lái rất thấp khiến cho nhiều hộ nản chí, phải bỏ cuộc. Từ 12 hộ có chứng nhận VietGAP, đã giảm xuống còn 8 hộ với 2,6 ha (sắp tới sẽ có thêm 6 hộ mới tham gia nâng diện tích lên khoảng 4,5 ha). Nhiều lần UBND xã đã phải vào họp với THT, động viên bà con cố gắng duy trì sản xuất ổi theo VietGAP trong khi tìm đầu ra ổn định.

UBND xã Bảo Quang cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho ổi VietGAP của xã dù cây ổi không phải là cây chủ lực ở đây (tổng diện tích ổi ở Bảo Quang hiện chỉ khoảng trên 10 ha, thua xa các cây khác như lúa, tiêu, bưởi…). Nhưng nếu làm tốt được đầu ra ổn định cho ổi VietGAP, sẽ tạo một động lực không nhỏ cho việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên các cây trồng chủ lực trong xã, mà trước mắt sẽ là cây bưởi với diện tích khoảng 51 ha.

HTX Quýt đường Long Trị (xã Long Trị, Long Mỹ, Hậu Giang), tuy được thành lập chưa lâu (năm 2012) nhưng cũng đã sớm đi vào tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Đương, PGĐ HTX cho biết, hiện nay HTX đã có 20 ha được chứng nhận VietGAP (sản lượng dự kiến 500 tấn) bởi Cty TNHH Công nghệ NHONHO. 5 ha còn lại cũng sẽ được công nhận VietGAP trong đợt tái công nhận cuối năm nay. Trước đó, vào tháng 4/2014, HTX cũng đã đươc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị”.

Theo ông Đương, từ khi có nhãn hiệu tập thể và chứng nhận VietGAP, việc tiêu thụ sản phẩm quýt đường của HTX đã tốt hơn trước, cứ có hàng là thương lái vào mua tận vườn rồi đưa đi tiêu thụ ở các nơi theo giá thị trường. Giá quýt tuy lúc lên lúc xuống theo từng thời điểm, nhưng nhìn chung đều đang mạng lại lợi nhuận tốt cho xã viên HTX do trong quá trình canh tác đã không còn sử dụng phân hóa học, hạn chế thuốc BVTV giúp cho giá thành hạ.

Tuy nhiên, các thành viên HTX vẫn mong mỏi tìm được đường vào các hệ thống siêu thị. Bởi như lời bộc bạch của ông Đương “Thương lái họ thu mua cũng tốt, nhưng trái quýt của họ bán ra sẽ không còn mang nhãn hiệu quýt đường Long Trị, mà chỉ là quýt đường chung chung như quýt đường sản xuất ở các nơi khác. Vì thế, HTX đang rất mong được kết nối, đưa sản phẩm vào siêu thị, vì khi ấy sẽ vừa có nơi tiêu thụ ổn định, vừa quảng bá được thương hiệu quýt đường Long Trị đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”.

HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, Xuân Lộc, Đồng Nai), là một đơn vị đang tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích không nhỏ: 250 ha sầu riêng (năng suất 17 tấn/ha) và 530 ha chôm chôm (18 tấn/ha). Với năng suất như trên, sản lượng sầu riêng và chôm chôm an toàn mà HTX thu hoạch hàng năm là khá nhiều. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, GĐ HTX, tuy sản phẩm vẫn đang tiêu thụ bình thường, nhưng vẫn hoàn toàn qua thương lái.

Vì vậy, mong muốn lớn nhất của HTX hiện nay là có được những hợp đồng bán hàng vào các hệ thống phân phối, siêu thị để HTX có thể yên tâm triển khai sản xuất VietGAP một cách ổn định và lâu dài trên quy mô lớn.

Theo THANH SƠN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 185
Tổng truy cập: 39333740