Khu NNCNC của Lasuco bắt đầu khởi động cho kế hoạch “xa lộ nông nghiệp đường Hồ Chí Minh"
“Chúng ta không phải không có thị trường, tiềm năng SX trong nước thì còn vô cùng lớn và hoàn toàn có thể trở thành một nước hùng mạnh về nông nghiệp. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa tổ chức SX để đáp ứng được thị trường”, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco khẳng định.
“Đất đai chúng ta còn quá nhiều, tiềm năng vô cùng lớn, trong khi nông dân bế tắc về SX, sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước thôi cũng không đủ. Đã đến lúc chúng ta không thể SX như cũ, nông dân không thể tùy hứng muốn trồng cái gì, trồng bao nhiêu, trồng lúc nào thì trồng, để rồi hôm nay SX ra một vạn tấn, tháng sau lại không có cân nào bán. Thị trường không chấp nhận, đối tác không thể hợp tác với chúng ta khi mà trước khi SX, chúng ta vẫn lo lắng “nhỡ đâu năm nay mất mùa”. Vì vậy, chỉ có áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, chủ động điều tiết sản lượng, chất lượng ổn định thì mới mong hướng được ra XK, mới có thể tiếp tục SX, nếu không thị trường sẽ không cho phép chúng ta có thể tiếp tục SX được nữa. Muốn làm được điều này, bản thân không chỉ Lasuco hay bất kỳ DN nào cũng không thể làm nổi, mà phải có sự chung tay của nhà nước, hợp tác của nông dân.” - Ông Lê Văn Tam.
|
Cty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, Thanh Hóa) đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho việc ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn (Trung tâm NNCNC) vào cuối tháng 1/2016.
Sau gần 2 năm thai nghén và đưa vào vận hành thử nghiệm, Trung tâm NNCNC của Lasuco hiện đã có khoảng 10ha rau, hoa được đầu tư bằng nhà kính, nhà lưới với công nghệ được NK hoàn toàn từ Israel, có các chuyên gia Israel cùng đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao trong nước vận hành bằng công nghệ điều khiển tự động. Toàn bộ các khâu canh tác, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng… đều được thực hiện tự động thông qua hệ thống phần mềm cảm biến và trung tâm điều khiển…
Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco, khẳng định, Trung tâm NNCNC sẽ là đầu mối hạt nhân trong chiến lược xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao dọc “xa lộ đường Hồ Chí Minh” trong tương lai gần.
Trong đó, Lasuco đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nhân rộng mạng lưới liên kết hợp tác với nông dân liên vùng dọc trục đường Hồ Chí Minh từ Hòa Bình tới Nghệ An để hình thành nên vựa hoa quả quy mô lớn, SX bằng công nghệ hiện đại với khoảng 3.000ha hoa quả an toàn; 1.000ha rau VietGAP… với mục tiêu tiến tới XK với doanh thu từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng/năm.
Nhiều mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đã từng thất bại vì bế tắc trong tiêu thụ. Liệu ông có quá mạo hiểm với kế hoạch này?
Thị trường rau - hoa quả thế giới còn mênh mông với nhu cầu trên 180 tỉ USD (trong khi lúa gạo chỉ 40 tỉ USD). Vấn đề không phải chúng ta không có thị trường, mà do chúng ta chưa tổ chức SX để số lượng, chất lượng sản phẩm đáp ứng được thị trường mà thôi. Nói ngay như Tết dương lịch vừa qua, do cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ nên Nga phải chuyển sang NK quả có múi từ Ma-rốc, nhưng chỉ NK được vỏn vẹn 300 nghìn tấn, trong khi nhu cầu dịp Tết của họ lên tới 1 triệu tấn.
Hiện tại, Lasuco đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng SX của đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản… Họ đầu tư, cung ứng toàn bộ kỹ thuật, quy trình, thiết bị SX… rau sạch công nghệ cao.
Đơn cử như đối tác Nhật đã ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác với Lasuco mỗi năm cung ứng cho họ 100 nghìn tấn dưa Kim hoàng hậu, Kim cô nương, nghĩa là mỗi tháng phải đều đặn xuất cho họ 10 nghìn tấn.
Lớn như thế nên bản thân Lasuco cũng chỉ ký để ngỏ như vậy, chứ làm sao đã dám cam kết. Bản thân Lasuco cũng sẽ không thể nào đảm bảo ổn định chừng đó sản lượng, mà phải liên kết thêm với nông dân. Về lâu dài, Lasuco xây dựng Trung tâm NNCNC là mong muốn đây sẽ trở thành trung tâm thu hút liên kết của nông dân để SX ra rau - hoa quả hướng tới XK, chứ không chỉ ở thị trường trong nước.
Ông Lê Văn Tam
Ngay thị trường Việt Nam thôi, rồi đây người tiêu dùng sẽ không ai không muốn được dùng thực phẩm sạch, chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước đã là khổng lồ rồi, chứ chưa cần nói XK. Bằng chứng chỉ sau 2 năm SX thử nghiệm, các loại rau, quả bằng công nghệ cao của Lasuco đã tiêu thụ rất ổn định với khoảng 300 tấn/năm với giá rất cao, giá trị SX trung bình lên tới 1,5 - 2 tỉ đồng/ha/năm, được người tiêu dùng ở Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa… đánh giá, đón nhận rất cao.
Nói tới Lasuco là nói tới cây mía. Với đầu tư cho việc làm nông nghiệp công nghệ cao rất tốn kém, nghĩa là Cty sẽ buông dần cây mía, thưa ông?
35 năm gắn bó với cây mía đã đưa Lam Sơn từ một vùng hoang vu, đói nghèo trở thành một vùng kinh tế phát triển trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
Đến nay và mai sau, Cty vẫn mãi coi cây mía như là một xương sống, một điểm tựa để phát triển. Bộ NN-PTNT cũng đã giao nhiệm vụ cho Cty là cổ đông chiến lược của TCty mía đường I ở phía Bắc.
Vì vậy, Lasuco sẽ không chỉ sở hữu một khu công nghiệp (KCN) mía đường ở Lam Sơn nữa, mà hiện đã tiếp quản NM Đường Nông Cống để mở rộng và phát triển KCN mía đường Nông Cống và tham gia tích cực vào cổ đông của Cty CP Mía đường Việt Nam - Đài Loan. Mục tiêu chung là cùng nhau xây dựng ngành mía đường Thanh Hóa thành một thương hiệu lớn. Từ nay đến 2025, phấn đấu phải có ít nhất từ 300 - 400 tấn đường/năm (so với khoảng 200 nghìn tấn/năm hiện tại).
Chính sự ra đời của Trung tâm NNCNC cũng đang góp phần đắc lực cho sự phát triển đó, ban đầu đang là nhân giống mía nuôi cấy mô bằng công nghệ cao trên quy mô công nghiệp. Với các giải pháp ứng dụng công nghệ cao khác về giống, canh tác, tưới…, sẽ cố gắng nâng năng suất mía từ mức bình quân 55 tấn/ha hiện nay lên 80 - 90 tấn/ha, riêng vùng Lam Sơn đạt 100 tấn/ha trở lên.
Xin cảm ơn ông!