Cần thay đổi tư duy nuôi thủy sản (20/01/2016)

Huyện Tam Nông luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp về sản lượng cá tra, tôm càng xanh và cá lóc, song nghề nuôi thủy sản nơi đây vẫn chưa phát huy với lợi thế vốn có.

Nếu như hầu hết diện tích nuôi cá tra ở đây đều là vùng nuôi của các Cty lớn thì ngược lại tất cả các ao nuôi tôm càng xanh, cá lóc đều do các cá nhân, hộ gia đình làm chủ. Tuy nhiên diện tích nuôi tôm, cá đang sụt giảm do giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định.

So với các động vật trên cạn thì các loài thủy sản dưới nước được xem là đối tượng khó nuôi hơn. Nuôi đã khó mà bán lại còn khó hơn. Vụ tôm năm 2015 số lượng thương lái đến thu mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trung bình 1 vuông tôm cho thu hoạch khoảng vài tấn thì việc tiêu thụ trong 1-2 tháng là chuyện không hiếm. Tôm nhỏ, số lượng tiêu thụ ít, vì vậy chuyện ép giá cũng không tránh khỏi.

Câu chuyện về con cá lóc cũng không khả quan hơn, nếu những tháng đầu năm 2015, giá cá liên tục sụt giảm ở mức thấp, nhưng người nuôi buộc phải bán mặc dù biết chắc thua lỗ, vì càng nuôi lâu hơn sẽ càng thua lỗ nhiều hơn.

Đến những tháng cuối năm, giá cá lóc có phần tăng lên, đến mức người nuôi đã có lãi thì lượng cá lớn trong ao cũng không còn nhiều.

Giờ đây những người còn lại bám trụ với nghề là hộ nuôi lâu năm, có nhiều vốn, còn đa phần các hộ nuôi nhỏ, ít tiền đều đã treo ao hoặc chuyển sang làm nghề khác.

Đã qua rồi cái thời mãi tận dụng những ưu thế thiên nhiên có sẵn để phát triển những đối tượng mà chúng ta cho rằng phù hợp, đến khi thị trường không chấp nhận những sản phẩm ấy, người thiệt hại nhiều nhất là nông dân.


Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy sản xuất không quyết định thị trường, mà ngược lại, thị trường sẽ quyết định sản xuất như thế nào.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng đến một lúc nào đó, khi ngành thủy sản phát triển đến một trình độ cao nhất định, lúc ấy chúng ta sẽ có khả năng chi phối đến thị trường.

Có thể dẫn chứng bằng câu chuyện của ngành hồ tiêu Việt Nam trong thời gian gần đây, Việt Nam đang chiếm 58% thị phần hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu. Như vậy, người nông dân trồng tiêu hoàn toàn có thể chủ động giá bán của thị trường bằng cách điều tiết sản lượng xuất khẩu.

Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng trong tương lai không xa, ngành thủy sản cũng sẽ làm được điều được cho là “thần kỳ” như câu chuyện hồ tiêu.

Trở lại với vấn đề con tôm càng xanh và cá lóc, để giải quyết được bài toán thị trường, cần tuân thủ theo “luật chơi” của kinh tế thị trường. Nhu cầu hiện nay các công ty thu mua tôm cần có kích cỡ lớn, an toàn thực phẩm, từ đó cần phải có giải pháp sắp xếp lại toàn bộ quá trình sản xuất, từ con giống đến tổ chức nuôi trồng.

Không thể trông chờ vào nước lũ hàng năm, cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp nuôi mới. Chú trọng phát triển tôm kích cỡ lớn, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Đối với cá lóc cũng vậy, nguồn cung dồi dào từ các địa phương khác chính là nguyên nhân làm giá cá lóc sụt giảm, vì vậy, cá lóc Tam Nông cần có hướng đi riêng.

Đầu tiên, cần áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP vào nuôi trồng. Tổ chức quy hoạch lại vùng nuôi tập trung, thành lập hợp tác xã để tăng cường mối liên kết ngang giữa các hộ nuôi. Đa dạng hóa các mặt hàng chế biến sẵn nhằm nâng cao giá trị cá lóc, phát triển thương hiệu riêng.

Một khi hình thành được vùng nuôi tập trung với sản lượng lớn và đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm, có thương hiệu rõ ràng, khi đó việc kêu gọi và tham gia liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng… sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Xu hướng hòa nhập về kinh tế giữa Việt Nam và thế giới đang được thể hiện rõ qua nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết. Ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng cũng sẽ phải tuân theo những cam kết của hiệp định.

Đã đến lúc người nuôi thủy sản cần thay đổi những tư duy theo quan điểm cũ, chọn đối tượng nuôi, cách thức nuôi phù hợp với thị trường tiêu thụ. Sẽ không phải dễ dàng để có thể gắn kết được sản xuất và thị trường, tuy nhiên cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự đồng tình ủng hộ của người dân, tin rằng trong tương lai không xa, người nuôi thủy sản sẽ luôn chắc chắn được mùa và được cả giá.

Theo LÂM TRỌNG NGHĨA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 211
Tổng truy cập: 39333740