Các lao động đang tập trung phân loại rau sạch sau khi đưa từ nhà vườn về.
* Chia cổ tức 25 - 30%
Đó là HTXNN Phước An ở ấp 4, xã Tân Quí Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, trồng và kinh doanh rau sạch khá chuyên nghiệp.
Đầu ra ổn định
Thành lập từ năm 2006, HTX Phước An đi vào lĩnh vực rau sạch khá sớm, cách đây tròn 10 năm. Lúc thành lập chỉ có 15 xã viên có vốn góp điều lệ 70 triệu đồng với 4,5 ha đất. Đến nay, đã tăng lên 46 xã viên, vốn góp 1,2 tỷ đồng với trên 25ha chuyên trồng rau sạch.
Ngoài ra, còn có 60 xã viên khác chưa góp vốn nhưng ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho HTX theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 20 hộ đã được chứng nhận sản xuất rau sạch theo đúng tiêu chuẩn. Theo tính toán của HTX, việc sản xuất rau sạch tại đây đã thật sự mang lại hiệu quả cao gấp 5 lần so với trồng lúa trước đây. Cụ thể, với diện tích 1.000m² thì thu nhập của bà con xã viên từ 30 - 40 triệu đồng/năm, tức 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Với số vốn góp điều lệ của HTX như nói trên chỉ có 1,2 tỷ đồng, nhưng nhìn vào kết quả hoạt động SXKD năm 2015 đã khiến chúng tôi giật mình, bởi mặc dù đang bị rau chợ, rau bẩn cạnh tranh khốc liệt với giá rẻ, nhưng doanh số bán rau sạch lên đến 18 tỷ đồng với số lượng gần 12.000 tấn. Đây là con số rất có ý nghĩa trước dư luận về rau bẩn đầu độc người tiêu dùng.
Rau muống được rửa sạch trước khi đóng gói
Ông Trần Văn Thích, Chủ nhiệm HTX dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan cơ sở nhà xưởng, vườn trồng rau sạch trong nhà lưới mà ấn tượng nhất là nhà sơ chế của HTX rộng 60m2. Tại đây có hàng chục lao động miệt mài với công việc tiếp nhận rau sạch 4 - 5 tấn mỗi ngày mang đến từ các vườn trồng của xã viên, sau đó được tỉa tót cẩn thận, phân loại, rửa sạch, cân đo, đóng gói bao bì và sau đó là đưa ra xe tải mang rau tươi đến các siêu thị, trường học giao hàng theo hợp đồng. Mỗi ngày giao hàng từ 2 - 3 đợt tùy theo nhu cầu.
“Cứ một năm tụi này phải lo chạy ký cho được trên 20 cái hợp đồng với các đối tác như siêu thị, trường học để ổn định đầu ra sản phẩm, có như thế bà con xã viên mới yên tâm SX”, ông Thích cho biết.
Sản phẩm của HTX đủ chủng loại từ rau ăn sống như húng quế, húng cây, cải ngọt xanh, ngò gai, dấp cá, rau ôm, cần nước, đến nấu chín gồm rau muống, dền, mồng tơi, rau ngót, cải ngồng, rau má, rau lang, bầu bí, khổ qua, dưa leo... Trong đó, nhóm rau muống, mồng tơi, rau dền và các loại quả bầu bí là mặt hàng chính của HTX chiếm 80% doanh thu.
Đóng gói bao bì rau sạch
Ông Võ Văn Xê, ở ấp 1, cho biết, gia đình ông trồng 3.000m2 rau sạch ký hợp đồng cung cấp cho HTX, trong đó rau muống, rau dền, mồng tơi HTX thu mua giá đổ đồng là 5.000 đồng/kg, bầu bí, khổ qua là 10.000 đồng/kg. Trong quá trình cung cấp, nếu giá thị trường xuống thấp còn 2.000 đồng/kg như rau muống, HTX vẫn thu mua theo giá đã ký là 5.000 đồng, còn nếu cao hơn thì HTX nâng giá lên bằng 80% của giá thị trường.
Hướng tới xuất khẩu
- Làm thế nào để đảm bảo rằng ông đang trồng rau sạch? - Tôi hỏi ông Xê.
- HTX có 3 cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống các hộ xã viên hướng dẫn kỹ thuật (hạn chế phân vô cơ, tăng cường hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV sinh học - PV) cũng như giám sát việc ghi chép nhật ký đồng ruộng trong quá trình trồng và chăm sóc của bà con nên chúng tôi không thể làm dối được. Chẳng hạn, trồng rau muống bên ngoài người ta muốn “ăn” nhanh nên phun thuốc kích thích “tăng phọt” thậm chí tưới cả nhớt thải để rút ngắn thời gian sinh trưởng, còn chúng tôi sạ giống trên ruộng khô, trồng đúng qui trình, sau 21 ngày HTX kiểm tra nhật ký đồng ruộng mới cho thu hoạch.
HTX trồng rau sạch trong nhà lưới dùng để thử nghiệm
Vẫn theo ông Xê, năng suất rau muống, rau dền, mồng tơi trồng sau gần 1 tháng thu từ 2,5 - 3 tấn/công (1.000m2), HTX mua khoảng 10 triệu, trừ chi phí 30% vẫn còn lãi 7 triệu đồng/tháng/công. Một hộ trồng rau sạch có 5 công đất, mỗi năm thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
Xã viên Võ Văn Xê chuẩn bị thu hoạch rau muống sạch để cung cấp cho HTX sau 21 ngày trồng
Ông Đoàn Văn Chánh, Phó Chủ tịch HND xã Tân Quý Tây nhớ lại, thời điểm trước khi tổ chức HTX, bà con nông dân trồng trọt tự phát, buôn bán sản phẩm trôi nổi ra thị trường, đời sống bấp bênh. Nghiên cứu vùng đất này có nhiều tiềm năng phát triển thành vùng rau sạch, Sở NN-PTNT tổ chức đưa kỹ sư xuống hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân biết cách trồng rau sạch rồi bao tiêu sản phẩm cho họ.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay HTX Phước An đã khẳng định hiệu quả cũng như củng cố niềm tin cho xã viên về chỗ đứng của rau sạch trước việc rau bẩn, rau chợ đang bủa vây.
“Họ hiểu được cái khó của rau sạch khi cạnh tranh với rau chợ, bởi tâm lý của khách hàng khi mua chỉ cần rau phải xanh mướt, tươi tốt, bắt mắt, giòn, ngon mà không biết rau có tồn dư thuốc trừ sâu hay không. Không thể chiều ý người mua kiểu này, bởi nó rất nguy hại, trong 10 năm qua, HTX cùng với bà con xã viên và các hộ nông dân chí cốt quyết tâm sản xuất rau sạch, và đã lấy rất nhiều giấy chứng nhận VietGAP”, ông Chánh nói.
Chủ nhiệm HTX Trần Văn Thích: “Nhà đóng gói rộng 100m2 chuẩn bị cho xuất khẩu rau sạch trong năm 2016”
Ông Trần Văn Thích thừa nhận, chừng nào HTX trồng rau sạch thì lúc đó mới hoàn toàn an tâm, còn bà con trồng thì vẫn chưa thật sự tin tưởng nên HTX cứ phải thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống các hộ xã viên giám sát. Đối với những hộ nghi ngờ trồng rau không đảm bảo an toàn thì HTX lấy mẫu đưa đi kiểm tra. Nếu phát hiện có dư lượng thuốc BVTV hoặc hàm lượng nitrat vượt ngưỡng mức cho phép thì sẽ ngưng thu mua, thậm chí xem xét loại khỏi HTX.
- Khi tham gia HTX thì lợi ích thế nào? - tôi hỏi.
- Trong hai năm 2014 và 2015, chúng tôi chia cổ tức cho xã viên ở mức 25 - 30%/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với lãi suất tiền gửi của ngân hàng (7,5%/năm). Ngoài ra, xã viên không phải lo đầu ra. Thậm chí, nếu thiếu vốn đầu tư dăm chục triệu, HTX sẽ linh động cho vay không tính lãi. Thế nên, hiện có rất nhiều người muốn tham gia HTX, thậm chí xin “góp vốn” vào HTX vì thấy có lợi hơn rất nhiều so với gửi ngân hàng, nhưng nói thật là chúng tôi không dám nhận, bởi một phần luật không cho phép, phần khác là rau sạch vẫn còn tiêu thụ nội địa, lúc nào xuất khẩu được thì mới tính chuyện huy động vốn để mở rộng SX.
Theo ông Thích, hiện nay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ cho HTX xây dựng một nhà kho 50m2 và một nhà đóng gói xuất khẩu rộng 100m2 đã hoàn thành, dự kiến năm nay HTX sẽ xúc tiến làm việc với một số đối tác nước ngoài để tìm cách xuất khẩu rau sạch.