Nhờ HTX bưởi Tân Triều làm tốt đầu ra cho sản phẩm, việc sản xuất và tiêu thụ trái bưởi Tân Triều rất thuận lợi
Những năm gần đây, HTX đã mạnh dạn vận động nông dân chuyển đổi qua các mô hình trồng bưởi theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, trái bưởi Tân Triều không ngừng nâng cao về chất lượng lẫn giá trị, nhiều hộ xã viên đã vươn lên, trở thành những triệu phú, tỷ phú…
Xã viên thu nửa tỷ/ha
Từ Tp.HCM, xuôi theo Xa lộ Hà Nội, qua quốc lộ 52 về Tp. Biên Hòa rồi theo đường sông hoặc quốc lộ 24 chừng 3 - 4 cây số nữa, chúng tôi tìm đến làng bưởi Tân Triều.
Những ngày này, hàng trăm hộ dân làng bưởi đang ra sức chăm sóc vườn, đợi ngày thu hoạch bưởi cho vụ Tết Bính Thân 2016. Trên gương mặt mỗi người, ai ai cũng hiện lên niềm hân hoan, chờ đợi một vụ bưởi Tết được mùa, được giá.
Ông Phan Tấn Tài, Chủ nhiệm HTX bưởi Tân Triều hồ hởi khoe với chúng tôi, nghề trồng bưởi đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân ở xã Tân Bình nói riêng và huyện Vĩnh Cửu nói chung.
Vùng Tân Triều từ lâu nức tiếng bưởi ngon, đa dạng về chủng loại với bưởi thanh, bưởi đường lá cam, đường hồng, đường núm... Bưởi trồng trên đất phù sa cổ, quả có vị ngọt đậm đặc trưng không nơi nào có được. Toàn huyện Vĩnh Cửu có gần 900ha bưởi thì xã Tân Bình chiếm gần 400ha, lớn nhất huyện.
Trong 5 năm lại đây, HTX đã xúc tiến được 50 đơn vị trong nước nhận làm đại lý tiêu thụ sản phẩm bưởi Tân Triều với giá khá cao. Trung bình, một chục bưởi Tân Triều (12 quả) được các đại lý thu mua với giá ổn định từ 450 - 500 ngàn đồng. Vào dịp lễ, tết, bưởi Tân Triều có giá bán cao gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường. Nhờ cây bưởi, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỷ phú.
Gia đình ông Phạm Văn Phẩm ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, thành viên HTX bưởi Tân Triều đầu tư, phát triển vườn bưởi đường lá cam quy mô 5.500m2. Mỗi năm, vườn bưởi của ông cho thu hoạch hơn 20 tấn trái, thu về hơn 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 500 triệu đồng.
Mô hình trồng bưởi đường lá cam theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Phạm Văn Phẩm cho thu nhập nửa tỷ đồng/năm
Theo ông Phẩm, những năm gần đây, nhờ HTX đẩy mạnh tìm thị trường, trái bưởi Tân Triều được thị trường tiêu thụ rộng rãi. Gia đình ông là thành viên của HTX, việc tiêu thụ bưởi rất thuận lợi.
“Thông qua sự giới thiệu của HTX, các đại lý sẽ đến tận vườn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trọn cả vườn. Nông dân chúng tôi chỉ việc lo đầu tư sản xuất, không phải lăn tăn về đầu ra”, ông Phẩm hồ hởi.
Tương tự, ông Ngô Văn Sơn, ngụ cùng ấp, cũng vươn lên trở thành tỷ phú, khá giả nhất nhì ấp nhờ cây bưởi. Gia đình ông Sơn có 1,5ha trồng bưởi đường lá cam, mỗi năm cho thu hoạch 50 tấn trái, đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
“Trái bưởi làm ra được HTX hợp đồng, liên kết với các đại lý thu mua giá cao và ổn định. Bên cạnh đó, các xã viên còn được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật đầy đủ và bài bản”, ông Sơn cho hay.
Theo chủ nhiệm HTX Tân Triều, mỗi hộ nông dân là thành viên của HTX khi đầu tư 1ha trồng bưởi có thể cho thu nhập ổn định từ 300 - 500 triệu đồng mỗi năm.
Hướng đến sản xuất theo GAP
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về hình thức lẫn chất lượng sản phẩm, những năm gần đây HTX bưởi Tân Triều đã không ngừng khuyến khích, tạo điều kiện cho các xã viên thực hiện chuyển đổi, xây dựng mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây là cơ sở để HTX mở rộng vùng bưởi hàng hóa theo hướng chất lượng cao, hướng đến việc xuất khẩu.
Từ năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Đông Nam bộ xây dựng mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên cho các xã viên của HTX Tân Triều. Sau hơn 1 năm thực hiện, giữa tháng 5/2011 có 5 xã viên của HTX đạt chứng nhận GlobalGAP với gần 7ha bưởi đường lá cam.
Chủ nhiệm Phan Tấn Tài cho biết, HTX là đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận GlobalGAP trên cây bưởi. Đây là tiêu chuẩn cao nhất hiện nay trên thế giới được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu chấp nhận.
Chứng chỉ này giúp sản phẩm bưởi Tân Triều dễ dàng xuất khẩu ra nước ngoài và đặc biệt vào thị trường khó tính như khối EU. Bên cạnh đó, mô hình còn là minh chứng các nhà vườn trồng bưởi Đồng Nai hoàn toàn có khả năng sản xuất theo quy trình GlobalGAP nếu được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền.
Kinh nghiệm từ các hộ đạt chứng nhận GlobalGAP trên cây bưởi, sản xuất theo quy trình này đòi hỏi khá khắt khe, song nếu chịu khó tiếp nhận các bước chuyển giao kỹ thuật mới, ghi chép nhật ký đầy đủ và bỏ thói quen canh tác cũ thì có thể thực hiện được không mấy khó khăn.
Ông Lê Văn Tự - một trong 5 xã viên đạt chứng nhận GlobalGAP của HTX, cho hay: “Thực ra nhiều quy trình của GlobalGAP tôi đã thực hiện từ trước như trồng chuyên canh, lắp đặt hệ thống tưới phun, bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai, giảm phân hóa học và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi tham gia chương trình, tôi chỉ củng cố lại cái nền sẵn có của mình và ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng và xây dựng thêm nhà kho, bồn rửa bưởi khi thu hoạch”.
Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật thì trước khi thực hiện quy trình GAP các hộ phải liên kết lại thành lập HTX để có diện tích lớn, sản lượng nhiều và đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng khi có các đơn đặt hàng lớn từ hệ thống siêu thị hoặc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, HTX cũng đang xây dựng được 22,2ha bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP. Theo chủ nhiệm Phan Tấn Tài, thời gian tới, HTX tiếp tục vận động những xã viên còn lại tham gia thực hiện mô hình GlobalGAP, VietGAP để mở rộng diện tích, có sản lượng lớn đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng.
"Vừa qua, một số siêu thị có ý định đặt hàng của HTX với giá khá cao song đòi hỏi số lượng nhiều, ổn định nhưng xã viên không đáp ứng được nên đành phải từ chối”, ông Tài cho biết.