Cây chè đã đem lại cuộc sống mới ấm no cho người dân Tức Tranh
Trăn trở tìm hướng đi, chọn phương cách khả thi, cuối cùng xã vựa chè nổi tiếng Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã khẳng định sự thành công với lựa chọn cây chè là mũi nhọn, là động lực để xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tiềm năng lớn từ chè
Không sai khi nói rằng Tức Tranh là vựa chè của huyện Phú Lương. Tổng hợp từ 16 đơn vị hành chính xã, thị trấn toàn huyện có tổng diện tích chè đạt 4.300 ha thì riêng xã Tức Tranh đã chiếm trên 1.000 ha (chiếm ¼ diện tích chè toàn huyện và 1/20 diện tích chè toàn tỉnh).
Tức Tranh có 24 xóm đều trồng chè. Trung bình, mỗi hộ dân Tức Tranh có 3 sào chè. Bà con ở đây hầu hết là người miền xuôi lên làm kinh tế, cây chè bắt đầu được bà con đưa vào trồng từ những năm 1970 và phát triển mạnh từ năm 1997 đến nay.
Mỗi năm, xã trồng mới và trồng lại được khoảng 50ha chè bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Với sản lượng trên 11.200 tấn, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chè Tức Tranh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu chè Tức Tranh đã đóng đinh và được sánh với những loại chè nổi danh khác như Tân Cương, La Bằng hay Trại Cài. Vì lẽ đó mà Tức Tranh đang là địa phương có nhiều làng nghề chè nhất của tỉnh Thái Nguyên với 10 làng nghề đã được công nhận.
Người làm chè ở Tức Tranh trong nhiều năm qua đã nỗ lực, tự giác chuyển đổi cơ cấu giống kết hợp thực hiện làm chè sạch theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Năng suất, chất lượng chè tăng cao mang lại giá trị thu nhập tốt cho người dân.
Gắn sản xuất chè với làm NTM
Năm 2011, triển khai xây dựng NTM, xã Tức Tranh mới đạt 9 tiêu chí. Xã xác định cây chè là chủ lực, là động lực để xây dựng NTM. Ban chỉ đạo xã đã gắn phát triển sản xuất chè với xây dựng NTM.
Trước mắt để có nguồn lực xây dựng NTM và ngược lại nhằm tạo phong trào trong toàn xã, UBND xã đã thực hiện chương trình xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh. Đổi mới nhận thức, xây dựng được một phương án tổng thể đã là bước ngoặt lớn nhưng huy động được sự đoàn kết, chung sức của nhân dân còn khó gấp bội.
Ở giai đoạn đầu triển khai, xã rất vất vả để vận động từng hộ dân đóng góp vào quỹ xây dựng nhãn hiệu tập thể. Qua một thời gian kiên trì làm công tác truyền thông và chứng minh hiệu quả của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, đến nay đã có 95% số hộ sản xuất nông nghiệp trong xã tham gia.
Từ thành công của việc quyên góp ủng hộ xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh, bà con toàn xã đã tạo ra một phong trào sôi nổi hưởng ứng xây dựng NTM. Song hành triển khai hai chương trình có tính tương hỗ mạnh mẽ, mới đây tại buổi lễ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM,
Song hành triển khai hai chương trình có tính tương hỗ mạnh mẽ, mới đây tại buổi lễ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, Tức Tranh cũng tổ chức lễ đón nhận giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu chè tập thể “Chè Tức Tranh”.
|
Cụ thể, xã đã đầu tư xây dựng được 17km đường giao thông xóm và liên xóm với tổng nguồn vốn thực hiện trên 25 tỷ đồng. Trong đó, có tới 7 tỷ đồng là đóng góp, đối ứng, hiến đất của nhân dân.
Nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh phải được duy trì và phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ được thực hiện khi mỗi người làm chè ý thức được xu thế, tính tất yếu của phương thức sản xuất.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty CP Chè Thác Dài, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương cho biết, năm 2014, sau khi thời hiệu chứng nhận mô hình VietGAP cho làng nghề chè Thác Dài hết hạn, để duy trì chứng nhận, bà Thủy đã thành lập công ty, tự bỏ tiền túi và sáp nhập một số nông hộ hình thành vùng nguyên liệu, tiếp tục xây dựng mô hình. Chè VietGAP của Công ty CP Chè Thác Dài nhờ đó mà tìm được đầu ra ổn định.
Ông Trần Mạnh Hùng (xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh) cho biết, người làm chè trước đây cứ mạnh ai nấy làm, mỗi người một tư duy, một cách thức sản xuất nên trong cùng một khu dân cư nhưng mỗi nhà một loại chè khác nhau.
Làng nghề chè đã tập hợp được bà con để cùng nhau đoàn kết, xây dựng thương hiệu, làm ra và duy trì một sản phẩm chè mang danh tiếng lâu dài. Nhờ vậy mà giá bán bình quân một kg chè búp khô ngày càng tăng cao.
Những chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất chè đã mang lại bước đổi thay lớn cho đời sống nhân dân Tức Tranh. Đến nay, mức thu nhập của người dân đã được nâng lên 25,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,7%.