Phát triển chăn nuôi bò sữa là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp xứ Thanh
Yếu tố làm nên con số ấn tượng trên ngoài phát triển công nghiệp thì lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) được xem là đòn bẩy giữ ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.
Lần đầu tiên thu ngân sách trên 10 nghìn tỷ đồng
Đó là lời phát biểu khai mạc đầy tự hào của ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI. Theo đó, trong giai đoạn 5 năm (2011 – 2015) mỗi năm Thanh Hóa đều có những bước chuyển mình mạnh mẽ riêng biệt.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng năm 2015, năm cuối cùng của nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự ủng hộ của Trung ương, sự quyết tâm mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, kinh tế - xã hội Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó, nhiều chỉ tiêu lần đầu tiên đạt và vượt, lập kỷ lục mới.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp trong hơn 10 năm qua, toàn bộ các chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,8%, vượt kế hoạch đề ra và là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.
Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện với tổng vốn huy động vượt 4,4% kế hoạch, tăng 31,8% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, vượt 55,6% dự toán và tăng 25,7% so với cùng kỳ, đây là lần đầu tiên thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa đạt trên 10 nghìn tỷ đồng.
Năm 2015 Thanh Hoá cũng đã tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và du khách về mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.
“Chúng tôi phấn khởi trước chuyển biến mạnh mẽ của tỉnh trong năm vừa qua nhưng không vì thế mà tự vỗ ngực bằng lòng, không phấn đấu nữa. Đời sống của người dân đang từng ngày được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều đồng bào ở khu vực miền núi, vùng bãi ngang thiếu thốn trăm bề”, ông Chiến nói.
Quay trở lại thành tựu xứ Thanh đạt được trong 5 năm qua, báo cáo của UBND tỉnh cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 tăng 11,4%, đạt cao nhất trong gần 30 năm đổi mới.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất, bình quân tăng 13,7%/năm; dịch vụ tăng 11,9%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%/năm. Do kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nên GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần; quy mô nền kinh tế tính theo GDP năm 2015 gấp 1,7 lần so với năm 2010.
“Dù công nghiệp, dịch vụ phát triển đến đâu thì nông nghiệp vẫn được đặt lên hàng đầu. Bởi, trên 80% dân số Thanh Hóa vẫn đang sinh sống dựa vào SX nông nghiệp. Nông nghiệp không chỉ đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần làm đòn bẩy giữ ổn định nền kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng trên địa bàn”, ông Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh.
Được biết, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 4%, vượt mục tiêu đại hội đề ra. Giá trị sản xuất năm 2015 gấp 1,24 lần năm 2010.
Cụ thể sản lượng mía bình quân đạt 1,98 triệu tấn/năm; sắn 223 nghìn tấn/năm, cơ bản đáp ứng nguyên liệu cho 3 nhà máy đường và 3 nhà máy tinh bột sắn. Kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại phát triển đa dạng cả về ngành nghề và lĩnh vực hoạt động với gần 1 nghìn HTX; 23 nghìn tổ hợp tác và 771 trang trại (theo tiêu chí mới).
Đối với lĩnh vực công nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015 nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động như: nhiệt điện Nghi Sơn I, thuỷ điện Bá Thước 2, nhà máy tinh bột sắn Ngọc Lặc và nhiều nhà máy may mặc, giày da...
Một số doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất mạnh mẽ như Cty CP Mía đường Lam Sơn, Cty CP Sữa Vinamilk, gạch men Vicenza... góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,2%/năm; quy mô SX năm 2015 gấp 2,5 lần năm 2010.
Năm 2015, Thanh Hóa còn thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI); điều chỉnh tăng vốn 25 dự án, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên con số 57, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.605 triệu USD, đứng thứ 6 cả nước.
|
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Thanh Hóa huy động vốn đầu tư đạt tới gần 323 nghìn tỷ đồng, vượt 4,2% so với mục tiêu đề ra. Nhiều dự án lớn được khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào vận hành như dự án nâng cấp quốc lộ 47 đến đường Hồ Chí Minh; đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hoá; dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sân bay và khu hàng không dân dụng Cảng Hàng không Thọ Xuân; sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Sầm Sơn; hệ thống kênh tưới thuộc công trình hồ chứa nước Cửa Đạt...
Tập trung cho tái cơ cấu
Trên cơ sở kế thừa các thành tựu đã đạt được, nhiệm kỳ 2016 – 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành 28 chỉ tiêu.
Trong đó, tập trung vào một số chỉ tiêu chính như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 12%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD trở lên; tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội 5 năm phấn đấu 610 nghìn tỷ đồng; có 50% số xã đạt chuẩn NTM năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 2,5%.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng 5 chương trình trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này là phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững; phát triển du lịch và chương trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.
Riêng chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, Thanh Hóa dồn sức thực hiện đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, sẽ có 4 đột phá để tạo chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, đó là đột phá về tổ chức SX, đột phá về KH-CN, đột phá về đầu tư. Riêng đột phá về chất lượng sản phẩm nông nghiệp được thể hiện bởi “3 hóa” là xanh hóa (xanh của rừng, xanh của mía, xanh của cỏ); trắng hóa (trắng của gạo; trắng của đường; trắng của cao su) và đỏ hóa (thịt bò chất lượng cao; thịt lợn nạc; thịt gia cầm VietGAP)...
Cũng theo ông Quyền, song song với việc hoạch định chiến lược, năm 2016 Thanh Hóa cũng đã và đang xây dựng một số chính sách hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình là chính sách hỗ trợ liên kết và bao tiêu sản phẩm trồng trọt như mía, khoai tây, ngô ngọt, ớt xuất khẩu, cỏ các loại làm thức ăn cho bò sữa; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp; phát triển vùng luồng thâm canh.