Sản phẩm an toàn có xác nhận còn quá ít! (03/03/2016)

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad), tính đến nay, mới chỉ có 36 tỉnh, thành có báo cáo về chương trình thí điểm cấp xác nhận sản phẩm an toàn với 282 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, bày bán tại 328 cơ sở phân phối thực phẩm.


Chưa có nhiều cơ sở kinh doanh được cấp xác nhận sản phẩm an toàn

Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm (từ tháng 10/2015 đến hết tháng 2/2016), Bộ NN-PTNT đã thí điểm triển khai xây dựng các chuỗi liên kết, cấp xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở bày bán sản phẩm nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, số lượng các điểm bán thực phẩm được xác nhận còn rất hạn chế, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Hai “ông lớn tiêu dùng” chưa có cơ sở được cấp xác nhận

Theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT: Đối tượng được cấp giấy xác nhận nông sản, thực phẩm an toàn là các sản phẩm được bày bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng tại chợ, siêu thị…) và các chủ cơ sở này có nhu cầu, tự nguyện đăng ký cấp giấy xác nhận. Cơ quan cấp giấy xác nhận là Sở NN-PTNT hoặc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành được Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ (thường là Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản).

Các cơ sở bán sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn được cấy giấy xác nhận an toàn phải đảm bảo bản thân cơ sở đó lẫn các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm từ cơ sở SX ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) phải được chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, đã có giấy chứng nhận VietGAP hoặc các chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC…), hoặc ký cam kết SX thực phẩm an toàn theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT (đối với cơ sở SX ban đầu nhỏ lẻ).

Việc thí điểm triển khai cấp xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm được xem là một giải pháp giúp lấy lại niềm tin người tiêu dùng, giúp họ tiếp cận với sản phẩm an toàn thực sự, nhất là trong bối cảnh việc kinh doanh các mặt hàng này vẫn “vàng thau lẫn lộn”. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở được cấp xác nhận qua gần 4 tháng triển khai vẫn còn rất hạn chế.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad), tính đến nay, mới chỉ có 36 tỉnh, thành có báo cáo về chương trình thí điểm cấp xác nhận sản phẩm an toàn với 282 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, bày bán tại 328 cơ sở phân phối thực phẩm.

Ngày 3/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì hội nghị tổng kết đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm  2016 trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây sẽ là dịp để các bộ ngành, địa phương cùng nhau thảo luận, tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì việc kiểm soát VSATTP trong năm 2016 và những năm tới.

Trong đó, mới chỉ có 62 cơ sở bán hàng (chiếm gần 19%) được kiểm tra, giám sát và cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo và thịt lợn an toàn được xác nhận và công khai tại nơi bày bán.

Một số địa phương mặc dù được đánh giá là khó khăn, nhưng đã có một số lượng cơ sở được cấp giấy xác nhận như Nam Định 8 cơ sở; Đồng Nai 8 cơ sở; Vĩnh Phúc 5 cơ sở; Lào Cai 4 cơ sở; Sơn La 4 cơ sở… Tuy nhiên, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn chưa có cơ sở bán hàng nào được cấp giấy xác nhận.

Cần sớm xã hội hóa?

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho rằng: Bên cạnh việc đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm, việc số lượng cơ sở được cấp xác nhận sản phẩm an toàn còn khiêm tốn một phần cho thấy các địa phương còn chưa tích cực và quyết liệt vào cuộc. Sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành y tế, công thương và nhiều ngành vẫn còn độc lập, chưa chủ động đề xuất các hình thức phối hợp chặt chẽ hơn…

Bên cạnh đó, ông Tiệp cho rằng quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều vướng mắc, cần phải tiếp tục tháo gỡ trong giai đoạn tới nếu muốn đẩy nhanh việc triển khai cấp chứng nhận sản phẩm an toàn trên diện rộng.


Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad

NNVN đã có cuộc trao đổi thêm với ông Nguyễn Như Tiệp về những khó khăn này.

Cơ sở bán sản phẩm theo chuỗi và cơ sở được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn khác nhau thế nào thưa ông?

Cơ sở bán sản phẩm theo chuỗi là sản phẩm bày bán có thể truy xuất được nguồn gốc từ SX, sơ chế, chế biến; đồng thời các cơ sở SX, sơ chế, chế biến ra sản phẩm ấy phải có giấy xác nhận đủ điều kiện VSATTP hoặc chứng nhận GAP. Tính đến nay, đã có 328 cơ sở phân phối thực phẩm theo chuỗi (của 282 chuỗi cung ứng), trong đó Hà Nội có 35 cơ sở và TP.HCM có 130 cơ sở.

Tuy nhiên, để cơ sở bán sản phẩm theo chuỗi này được cấp xác nhận sản phẩm an toàn, phải trải qua thêm khâu kiểm tra, giám sát, lấy mẫu theo quy định của cơ quan chức năng. Nếu kiểm tra mẫu tại các cơ sở này đạt các tiêu chuẩn về ATTP của Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT, mới được cấp giấy xác nhận.

Cơ sở đã được cấp giấy xác nhận sẽ được dán lo-go về sản phẩm an toàn do Bộ NN-PTNT phát hành trên bao bì sản phẩm, đồng thời có biển báo tại nơi bán hàng.

Nguyên nhân nào khiến số lượng các cơ sở được cấp xác nhận sản phẩm an toàn đến nay còn rất ít thưa ông?

Như đã nói, yêu cầu của sản phẩm được xác nhận an toàn phải kiểm chứng tất cả các công đoạn từ SX tới người tiêu dùng đều phải đủ điều kiện về ATTP, đây là yêu cầu rất chặt nên số lượng chuỗi đạt yêu cầu đang khá khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh SX còn manh mún, chưa có sự liên kết.

Thứ hai, quy định về việc xác nhận sản phẩm an toàn đối với cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm nông sản, thực phẩm đến tay người tiêu dùng hiện chưa có quy định bắt buộc trong Luật An toàn thực phẩm, mà chỉ mang tính chất tự nguyện nếu cơ sở nào có nhu cầu, vì vậy các địa phương chưa mạnh dạn triển khai, dù đây chỉ là đợt thí điểm.

Thứ ba, việc xác nhận cơ sở bày bán nông sản thực phẩm là các siêu thị, cơ sở kinh doanh còn thuộc phạm vi quản lý của rất nhiều ngành, nhất là còn chồng chéo với Bộ Công thương.

Cụ thể, chồng chéo thế nào thưa ông?

Các siêu thị và cơ sở bán lẻ kinh doanh đa sản phẩm hiện nay thuộc quản lý của Bộ Công thương, ví dụ siêu thị bán cùng lúc nhiều mặt hàng, các cơ sở kinh doanh đồng thời cả hàng nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng khác…

Bộ NN-PTNT chỉ chịu trách nhiệm quản lý ATTP đối với nông sản, thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa, thủy sản, mật ong, ngũ cốc… Vì vậy, việc triển khai thí điểm cấp chứng nhận sản phẩm an toàn hiện chủ yếu chỉ đang triển khai ở các cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm nông sản, các chợ đầu mối…

Tuy nhiên, hiện một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh đa sản phẩm cũng đang dần có nhu cầu xin được cấp chứng nhận riêng cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Đây là điều đáng mừng và cho thấy xu hướng tất yếu sẽ dần hình thành thị trường bán sản phẩm an toàn, có xác nhận. Tuy nhiên, để chương trình này triển khai trên diện rộng, sẽ cần phải xã hội hóa việc giám sát, cấp giấy chứng nhận.

Vì sao cần xã hội hóa hoạt động này thưa ông?

Cơ sở được cấp xác nhận bán sản phẩm an toàn phải được giám sát chất lượng sản phẩm định kỳ theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT (1 năm/lần đối với cơ sở xếp loại A và 6 tháng/lần đối với cơ sở loại B).

Ngoài ra, còn phải duy trì chế độ kiểm tra đột xuất nếu có vấn đề. Kinh phí để duy trì hoạt động này rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng để nhân rộng, cần phải xã hội hóa theo hướng giao cho các đơn vị do Bộ NN-PTNT chỉ định kiểm tra giám sát, cấp xác nhận, dán tem…

Theo đó, cơ sở kinh doanh phải tự bỏ kinh phí cho các hoạt động này, tương tự như chứng nhận VietGAP hiện nay.

Xin cảm ơn ông! 

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 179
Tổng truy cập: 39333740