Hồ tiêu không còn là cây 'hái ra tiền'? (15/03/2016)

Nông dân Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2015-2016. Năm nay, năng suất, sản lượng tiêu giảm nhưng điều đáng lo ngại hơn là giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh.


Nông dân Tây Nguyên thu hoạch tiêu niên vụ 2015-2016

Sụt giá

Theo khảo sát của chúng tôi, năm nay năng suất tiêu giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ trước. Điều đáng nói là những năm trước, giá hạt tiêu luôn ổn định ở mức cao, có thời điểm đạt hơn 220.000 đồng/kg. Còn thời gian gần đây, giá tiêu trong nước liên tục giảm mạnh.

Giá tiêu xô ngày 10/3 ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông chỉ còn 138.000 đồng/kg, tại tỉnh Gia Lai chỉ còn 137.000 đồng/kg. So với niên vụ trước, giá tiêu năm nay giảm từ 70.000 - 90.000 đồng/kg.

Theo dự báo, do nguồn cung dồi dào nên trong thời gian tới giá tiêu sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là thời gian gần đây giá tiêu trên thế giới giảm trước sức ép giảm thu mua của các nhà đầu cơ, đồng thời cây hồ tiêu đang bước vào mùa thu hoạch nên nguồn cung tăng cao.

Theo kết quả khảo sát niên vụ năm 2015-2016 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tây Nguyên bị tác động bởi thời tiết hạn hán, thiếu nước tưới của mùa khô khắc nghiệt và sâu bệnh làm ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất. Hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt nguy cơ mất thị trường, một số đối tác nước ngoài từ chối nhập khẩu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao. Do vậy cần phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, do trong một thời gian dài, giá tiêu trong nước cao ngất ngưởng, trong khi giá các loại sản phẩm nông nghiệp khác giảm mạnh khiến người nông dân đổ xô trồng tiêu. Vì nguồn cung dồi dào nên các nhà đầu cơ, doanh nghiệp ép giá thu mua để kiếm lời.  

Cung sẽ vượt cầu

Diện tích hồ tiêu vẫn đang tăng nhanh, chỉ trong 3 năm gần đây toàn vùng Tây Nguyên đã tăng 20.000 ha. So sánh với nhiều cây công nghiệp khác, chưa có cây nào có diện tích tăng nhanh trong một thời gian ngắn như vậy.

Tại tỉnh Đăk Lăk, theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh chỉ phát triển đến 16.000 ha tiêu, nhưng đến nay đã lên 21.000 ha. Diện tích tiêu tập trung chủ yếu ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Krông Păk và nằm rải rác tại một số địa phương khác...

Gia Lai có trên 13.100 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang… Trong khi đó theo quy hoạch, đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh này đạt 6.000 ha. Riêng tỉnh Đăk Nông, tính đến tháng 2/2016, diện tích hồ tiêu đã lên tới con số 17.188 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 là 12.951 ha.

Mặt khác, ngành hồ tiêu Đăk Nông cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, nhiều vườn bị hủy diệt do sự phá hại của sâu bệnh…

Diện tích tiêu tăng mạnh cũng cảnh báo nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch cây trồng khác, chăm sóc tiêu vượt mức yêu cầu dinh dưỡng dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa vì lợi nhuận kinh tế người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt.

Đặc biệt hơn, với việc đổ xô trồng tiêu như hiện nay, điều tất yếu là cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất.

Cần phát triển bền vững

Theo các chuyên gia nông nghiệp thì các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận với các tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng trên, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu; thực hiện thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với ngành khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển cây tiêu bền vững.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần chủ trì trong việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thực tế cho thấy đã có nhiều mô hình hiệu quả, điển hình như mô hình của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk trình diễn trồng tiêu theo hướng bền vững tại phường Tân Bình, thị xã Buôn Hồ và xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin.

Đây được xem là một trong những mô hình điểm thực hiện mối liên kết 4 nhà tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao, bền vững gắn với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ ổn định. 

Theo VĂN THANH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 189
Tổng truy cập: 39333740