Giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm
Cách đây khoảng 2 năm, tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2014, không ít khách tham dự cảm thấy bất ngờ khi những nhân viên của Tập đoàn Quế Lâm giới thiệu một loại gạo có tên “Gạo hữu cơ Quế Lâm” kèm theo những công dụng được đánh giá là "trên trời" ở thời điểm đó: Chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có lợi cho sức khỏe phụ nữ và trẻ em, không chứa các loại hoocmon sinh trưởng và các chất hóa học khác có thể gây bệnh, no lâu, có vị ngọt, đậm đà, thơm, bùi...
Để rồi hai năm sau, người ta lại càng bất ngờ hơn khi nghe chuyện, có một doanh nghiệp đặt hàng tận 3.000 tấn gạo hữu cơ để đưa sang bán cho bà con Việt kiều tại Mỹ, nhưng tập đoàn này lắc đầu từ chối chỉ bởi lý do "để dành phục vụ thị trường trong nước".
Thứ gạo tinh hoa của đất trời
Ngay từ thời điểm mới xuất hiện, trên những bao bì, nhãn mác của sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm đã thường trực xuất hiện những câu slogan (khẩu hiệu thương mại) kiểu: Thứ gạo tinh hoa của đất trời.
Kèm theo đó là cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo tiêu chuẩn 6 không: Không thuốc diệt cỏ - không phân bón hóa học - không thuốc trừ sâu - hóa chất - không chất bảo quản - không hương liệu - không tẩy trắng. Cộng thêm ưu điểm vượt trội bổ sung vitamin và khoáng chất khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy bán tín bán nghi.
Và thực tế cũng từng chứng minh, gạo hữu cơ Quế Lâm có giai đoạn gặp khó khăn về đầu ra bởi thị trường chưa quen với thứ gạo "làm gì sạch đến mức ấy". Nhưng rồi, từng bước một, thứ gạo "tinh hoa của đất trời" này đã mê hoặc bất cứ ai dùng thử nó.
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Quế Lâm được mệnh danh là người tiên phong sản xuất nông sản hữu cơ ở Việt Nam đã khẳng định rằng, thành công của thương hiệu gạo hữu cơ Quế Lâm hôm nay là tất yếu, bởi vì "chúng tôi làm vì người tiêu dùng".
Cách làm cũng rất đơn giản, đó là việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm sạch, tuyệt đối an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật và nâng cao tuổi thọ cho người tiêu dùng.
Quả là cách làm nghe đơn giản thật, nhưng để có thể thực hiện thành công lại không hề đơn giản chút nào. Trong bối cảnh, những quy chuẩn về nông sản hữu cơ ở Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ, đa phần là dựa vào các quy chuẩn quốc tế thì việc khẳng định "gạo của tôi sạch đấy" thực sự không nhiều người dám nói và cũng không nhiều người dám tin.
Từ "nút thắt" này, Tập đoàn Quế Lâm xác định: Cả tập quán sử dụng gạo của người dân lẫn tập quán trồng trọt lạm dụng phân bón hóa học và các thuốc BVTV hóa chất của nông dân rất khó thay đổi. Bởi trong tâm thức của họ thì hạt gạo nhìn bên ngoài, bóng bẩy, không cám sạn đã là sạch lắm rồi.
Chính vì vậy, để có thể sản xuất gạo sạch, vấn đề cần làm ngay là phải giúp người nông dân xóa bỏ tập tục canh tác nông nghiệp bằng phương pháp sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa chất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường.
Sau đó mới đến bước tiếp theo là nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường trong nước và thế giới, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản, mang lại lợi ích cao hơn cho bà con nông dân trồng lúa...
Để hạt gạo làm ra sạch nhất có thể, Tập đoàn Quế Lâm đã “quy tụ” 16 chuyên gia là những nhà khoa học đầu ngành, đồng thời tuyển dụng thêm 100 sinh viên đại học ngành nông nghiệp. Số sinh viên này phải trực tiếp ra đồng cùng nông dân tổ chức sản xuất, đến tận từng hộ dân để tiếp thị sản phẩm.
Gạo hữu cơ Quế Lâm
Quế Lâm sẵn sàng đầu tư máy cấy, khuôn gieo, phân bón và nhiều hỗ trợ khác cho người nông dân chỉ với một cam kết phải làm đúng theo cách của họ. Vụ đầu tiên, đích thân cán bộ kỹ thuật của tập đoàn cầm tay chỉ việc cho dân, trồng lúa phải giữ lại nước, phải thả cá giống do tập đoàn cung ứng. Cuối vụ thu hoạch, nước vẫn ăm ắp trong ruộng, đám cá phải còn. Một quy trình sản xuất tuân thủ hoàn toàn theo hoạt động phát triển tự nhiên của cây trồng.
Và thêm một sự khác biệt nữa, toàn bộ quy trình sản xuất đều được sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Điều này không chỉ tạo ra nguồn nông sản an toàn, chất lượng mà còn hạn chế chi phí đầu tư, đảm bảo môi trường trong lành. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh cũng tạo điều kiện tốt cho người sản xuất trong khâu làm đất.
Sau khi thu hoạch xong, bà con nông dân có thể tiến hành cày đất để gieo cấy cho vụ tiếp theo. Bón phân hữu cơ vi sinh có thể tồn tại lâu dài, nuôi dưỡng trong lòng đất, không gây bạc màu, có tác dụng làm tơi xốp, không xảy ra sâu bệnh trên cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, và đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân.
Mô hình sản xuất gạo hữu cơ
Hóa ra, những quảng cáo "trên trời" cái thuở loại gạo hữu cơ này xuất hiện toàn là sự thật cả. Ngay từ những vụ sản xuất đầu tiên, Trung tâm phân tích và chuyển giao công nghệ môi trường (Viện KHNN Việt Nam, Bộ NN-PTNT) đã kiểm tra, xác nhận bảo đảm chất lượng an toàn, nhiều chất dinh dưỡng.
Gần như ngay lập tức, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương lấy quy trình sản xuất gạo sạch của Quế Lâm làm quy chuẩn trình diễn và phổ biến. Có thể gọi đó là một "vụ nổ" hay một cuộc cách mạng trong lĩnh vực lúa gạo.
Và bây giờ, Quế Lâm không còn cảnh cử nhân viên đi tiếp thị sản phẩm, tự người tiêu dùng đã biết rằng, gạo Quế Lâm rất sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin (B1, B3, B6) và khoáng chất, phòng chống bệnh tiểu đường và các bệnh do thiếu máu, thiếu sắt, ngoài ra rất có lợi cho sức khỏe phụ nữ, người già và trẻ em. Sản phẩm không chứa các hoocmon sinh trưởng và các chất hóa học có thể gây bệnh...
Từng bước một, gạo hữu cơ Quế Lâm len lỏi và chiếm lĩnh thị phần tại các cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà hàng khách sạn, bếp ăn của các tổ chức tập thể...
Từ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... Muốn mua gạo hữu cơ Quế Lâm có khi phải đặt hàng tận cả tháng trời bởi quy trình xay xát và đóng gói chỉ có hạn sử dụng 120 ngày mà thôi.
Đặt lợi ích người nông dân lên trước
Theo thống kê, Tập đoàn Quế Lâm đang tổ chức sản xuất khoảng hơn 100ha gạo sạch tại các tỉnh: Hà Tĩnh (30ha - 200 tấn lúa/năm), Huế (50ha - 300 tấn lúa/năm, Đà Nẵng (30ha - 200 tấn lúa/năm) và những mô hình trình diễn 2ha tại Quảng Bình và Quảng Ngãi...
Do sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm cao nên giá sản phẩm Gạo hữu cơ Quế Lâm thường cao gấp rưỡi, gấp đôi sản phẩm gạo thông thường. Nhưng đó không phải là vấn đề trong bối cảnh người tiêu dùng quá sợ hãi về vấn đề ATVSTP. Bằng chứng là một doanh nghiệp có tên Nuocmy.net đóng tại Hà Nội từng thử đưa loại gạo hữu cơ này sang Hội Việt kiều tại Mỹ giới thiệu.
Chỉ sau một thời gian, những người Việt xa quê đã bị thứ gạo tinh hoa của đất trời này mê hoặc. Cũng gần như ngay lập tức, doanh nghiệp kia trực tiếp đến đại bản doanh của Quế Lâm, trực tiếp gặp ông Nguyễn Hồng Lam đặt hàng 3.000 tấn mỗi năm để xuất khẩu sang Mỹ, vậy mà kỳ lạ thay, ông Lam lại lắc đầu, kèm theo lời chối từ ngắn gọn: Chưa đến lúc.
"Trả lại cánh đồng cho đàn cò bay lượn/ Trả lại hương thơm cho cuộc sống con người", ông Nguyễn Hồng Lam vẫn thường đọc hai câu thơ tự mình sáng tác khi có người hỏi về mục đích của Quế Lâm khi sản xuất gạo hữu cơ.
|
Hóa ra cái lý của "cha đẻ" gạo hữu cơ cũng mộc mạc và đơn giản vô cùng: Mục tiêu sản xuất nguồn nông sản an toàn trước hết phải phục vụ cho nhân dân mình trước đã, còn chuyện xuất khẩu tính sau.
Và có lẽ, vì cái lý ấy mà những mô hình liên kết sản xuất gạo sạch giữa Quế Lâm và các HTX, hộ nông dân luôn có được thành công. Mấu chốt của các mô hình liên kết là lợi ích người nông dân được đặt lên hàng đầu. Nếu ai đó còn nghi hoặc về hiệu quả của các mô hình liên kết, xin hãy một lần đến những mô hình sản xuất tại Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh..., những nơi mà nông dân đang từng bước chuyên nghiệp và trách nhiệm với chính hạt gạo của mình.
Ông Đặng Văn Quang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Tiến (TP Đà Nẵng), người tham gia sản xuất 7 sào gạo hữu cơ phấn khởi: “Năng suất bình quân của cả cánh đồng (rộng 10,5ha) là 5,5 tấn/ha. 7 sào của tôi được đúng 2 tấn lúa bán được 16 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, kể cả công lao động, thì có lãi ròng 8 triệu đồng”.
Đây là vụ thứ ba mà 103 hộ tham gia liên kết sản xuất gạo hữu cơ với Quế Lâm có lãi. Có thể coi là một cuộc cách mạng ở nơi bà con làm ruộng theo kiểu lấy công làm lời.
Gạo hữu cơ Quế Lâm từng bước chiếm lĩnh thị phần tại các cửa hàng nông sản sạch
Ở đây bây giờ, quy trình sản xuất lúa gạo được thực hiện rất nghiêm ngặt. Quế Lâm và nông dân ký cam kết tuyệt đối không cho sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ Quế Lâm. Tất cả cho mục tiêu bảo vệ môi trường, đem lại sự an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Cũng theo cam kết này, Tập đoàn Quế Lâm đầu tư toàn bộ, từ giống lúa đến phân hữu cơ, và cả kỹ thuật, cán bộ của họ vào đây ăn ở với nông dân, không chỉ để kiểm tra mà còn hướng dẫn nông dân hoàn thành các khâu theo đúng quy trình sản xuất.
Người nông dân chỉ có ruộng và bỏ công sức ra làm theo hướng dẫn của họ, đến vụ thu hoạch bán lúa cho tập đoàn. Tất cả được khép kín hoàn toàn. Và cho dù bất kể tổ chức sản xuất ở địa phương nào thì quy trình cũng đều răm rắp như thế.
Công lao động bỏ ra nhiều hơn, lượng phân bón sử dụng trên ruộng nhiều hơn (bón phân hữu cơ gấp khoảng 10 lân bón phân hóa học), không được phép sử dụng thuốc diệt mọt hay các thuốc bảo quản để bảo quản lúa gạo... Khắt khe là vậy, nhưng nếu bảo người nông dân quay lại với tập quán sản xuất cũ, ai cũng lắc đầu.