Các trại chăn nuôi thường trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho heo ăn để phòng ngừa bệnh trong giai đoạn heo từ 20kg đến 50kg
“Mê hồn trận" kháng sinh thú y
Chúng tôi về tỉnh Đồng Nai, nơi có tổng đàn heo 1,5 triệu con, 13 triệu con gà, được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Đề cập đến vấn đề sử dụng kháng sinh (KS) trong chăn nuôi, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh phải thừa nhận, đây không còn là vấn đề mà là vấn nạn, bởi người ta đang sử dụng vô tội vạ.
Trong đời con gà lông trắng từ lúc thả đến lúc xuất chuồng có 40-45 ngày, ngoài vài lần tiêm phòng là gần như các chủ trại đều sử dụng liên tục KS để phòng và điều trị các bệnh phổ biến như tiêu chảy, hô hấp... Có những loại KS, nhà sản xuất (NSX) khuyến cáo phải ngưng sử dụng từ 7-10 ngày trước lúc xuất chuồng, nhưng nhiều trại do chạy theo lợi nhuận nên hầu như không thực hiện. Nhất là các trại nuôi nhỏ lẻ, tỉ lệ tiêm phòng thấp, tỉ lệ dịch bệnh cao, chỉ cần heo, gà có dấu hiệu lơ là, bỏ ăn là vội chích, cho ăn KS.
“Vừa rồi, Chi cục lấy một số mẫu kiểm tra và phát hiện dư lượng kháng sinh khá phổ biến. Tuy nhiên, để giảm dần là phải có lộ trình và câu chuyện này hoàn toàn không dễ”, ông Quang chia sẻ.
Trong vai đồng nghiệp của anh Hùng, nhân viên thị trường Cty thuốc Thú y Việt Nga (Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi đến cửa hàng thuốc thú y N.V nằm trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom để kiểm tra “tiến độ” bán các mặt hàng thuốc KS của Cty.
Vừa thấy anh Hùng từ xa, bà Hoa, chủ cửa hàng to tiếng: “Em ơi, coi rút bớt mấy loại Ampicillin, Norfloxacin về đi, bán chậm lắm. Thay vào đó, cho chị ít loại “En-rồ” (Enrofloxacin) và Amox dạng bột. Ở đây người ta đang chuộng “hàng bột” trộn vào thức ăn loại 1 bịch 1 kg đấy. Rồi nữa, em về báo Cty giảm giá cho chị thêm 8-10% so với các mặt hàng KS cùng loại của các “ông” lớn như Bio, Bayer, Navetco, Anova để chị dễ đưa các trại (chăn nuôi)”.
Theo bà Hoa, thuốc KS hiện có 2 loại: Dạng bột hòa tan (pha với nước) và không hòa tan (trộn với thức ăn) đựng trong bịch 0,5-1 kg, giá bán cao hoặc thấp tùy nhóm KS, nhưng thấp nhất cũng 130 ngàn đồng/kg. Thứ hai, thuốc chích 100 cc/chai giá trên 100 ngàn đồng.
Người chăn nuôi đến một cửa hàng thuốc thú y coi nhãn thuốc kháng sinh để về trị heo bị tiêu chảy
Ngoài ra, cũng có loại 50 cc của nước ngoài gồm nhiều thành phần KS phối hợp như Chlopheniramin, Gentamycin, Tylosin có giá đến 600-700 ngàn đồng/chai.
“Đặc biệt, có loại kháng sinh như Amoxicillin 15 gr, có đến mấy chục tên thương mại điều trị trong hô hấp, viêm vú, viêm tử cung rất phổ biến, hướng dẫn của NSX là sau khi dùng phải đến 14 ngày mới xuất chuồng nhưng heo bệnh họ mua về chích, chỉ sau mấy ngày là đã thấy bán rồi”, bà Hoa nói.
Theo ông Hưởng, cán bộ thú y xã Bắc Sơn, toàn xã có hơn 50 ngàn con heo, trong đó có khoảng 10% là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn lại là chăn nuôi tập trung với qui mô trên 100 con/trại.
Ở đây, trại nào, hộ nuôi nào cũng sử dụng kháng sinh và phải chích kéo dài liên tục trong 3 ngày. Trường hợp heo viêm phổi, ho sù sụ thì càng phải “đánh” mạnh hơn, vừa chích vừa trộn thức ăn. Nhìn chung, tất cả các loại KS sau khi sử dụng đều có thời gian cách ly trung bình 7-10 ngày, nên gặp thời điểm heo gần ngày xuất chuồng mà bị “bệnh”, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay là người tiêu dùng lãnh đủ.
Quản lý kiểu gì cũng thua
Theo tìm hiểu chúng tôi, trên thị trường thuốc KS đã và đang thực sự là “mê hồn trận” với trên dưới 20 chục nhóm gồm Ampicillin, Tetracyclin, Norfloxacin, Streptomycin, Colistin, Tiamulin, Lincomycin, Penicillin, Enrofloxacin, Gentamycin, Amoxillin, Tylosin, Oxytetracylin... “núp” dưới hàng trăm tên thương mại khác nhau của vô số Cty thuốc Thú y.
Trong đó, hầu hết đều có thành phần hàm lượng KS rất cao, không chỉ “đơn chất” mà còn phối kết hợp KS khác trong cùng sản phẩm. Chẳng hạn, sản phẩm Coli-flox điều trị dịch tả có 2 thành phần là Kanamycin và Colistin; sản phẩm Pharcolapi có 2 thành phần là Ampicllin và Colistin được NSX quảng cáo là “Hỗn dịch kháng sinh tổng hợp đa giá”; sản phẩm Pharseptyl L.A có Trimethoprim và Sulpha cũng được gọi là “kháng khuẩn tổng hợp đa giá” (!?)...
Điều đáng nói là, trên chai 100 cc tiêm chích, hàng chữ chú thích thời gian bắt buộc phải ngưng sử dụng lại rất nhỏ, căng mắt đọc mới thấy.
Một số loại kháng sinh của các công ty Thuốc thú y
“Kháng sinh là con dao hai lưỡi, nhưng phải đặt trong hoàn cảnh tổ chức sản xuất của VN. Các nước trên thế giới đang loại dần kháng sinh trong chăn nuôi nhưng họ thực hiện các biện pháp đồng bộ khác nhằm đảm bảo thú nuôi phát triển. Chúng ta rất cần phải cảnh báo nhưng cần phải có giải pháp kèm theo, bởi trong điều kiện chăn nuôi hiện nay, không có kháng sinh là không thể nuôi được” - ông Trần Văn Quang.
|
Thậm chí, ngay cả Chloramphenicol, một loại KS nằm trong danh mục cấm của Bộ NN-PTNT, nhưng trên thị trường vẫn thấy xuất hiện nhan nhản dưới các tên thương mại như Doc, Son, Tenicol... chuyên đặc trị tiêu chảy, E.coli, phó thương hàn mà chỉ khi đọc kỹ thành phần mới phát hiện có Chloramphenicol và Oxytetracyllin.
Thế nên, trong một cửa hàng bán thuốc thú y, gần như các sản phẩm KS chiếm thế “áp đảo”, sau cùng mới là các loại thuốc bổ, phụ trợ, Premix (thức ăn bổ sung).
Theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã Bắc Sơn, chúng tôi tiếp tục đến trại nuôi của ông Huỳnh Văn Thắng ở ấp Sông Mây với qui mô gần 150 con heo nái và 200 con heo thịt. Ông Thắng khoe năm 2011 vinh dự nhận được giấy chứng nhận Trang trại vàng do báo Nông nghiệp VN trao tặng.
Ông thừa nhận mấy năm gần đây dịch bệnh nhiều nên đàn heo sử dụng KS cũng rất lớn, chi phí thuốc thú y không dưới 200 triệu đồng/tháng, có loại KS hôm nay chích hết nhưng hôm sau lại kháng nên thay đổi liên tục.
“Vì vậy, gần như có một điểm chung là các trại nuôi đều trộn KS vào thức ăn cho heo ăn trong giai đoạn từ 20 kg đến 50 kg (kéo dài 2 tháng) để phòng ngừa tiêu chảy, ho, bỏ ăn. Sau đó, heo bệnh lúc nào thì “dập” lúc đó, kể cả thời điểm heo đạt trọng lượng 90-100kg đủ tiêu chuẩn xuất chuồng.
“Hầu hết các Cty thuốc đều có trụ sở tại TP.HCM nhưng họ có nhân viên phân bổ khắp nơi. Thỉnh thoảng họ mời đi dự hội thảo để bán thuốc mới, tui chỉ nhớ tên thuốc chứ nói thành phần, hàm lượng KS trong đó là tui chịu”, ông Thắng nói.
Vẫn theo ông Thắng, hiện bên ngành y tế bán thuốc Cloramphenicol 250 mg điều trị tiêu chảy cho người, nhưng một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường mua về sử dụng cho heo rất hiệu quả mà giá cũng rẻ. Một vỉ 10 viên có 6.000 đồng, mua về nghiền nhỏ rồi trộn vào thức ăn cho heo con mới tách mẹ.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, trưởng Trạm thú y huyện Trảng Bom, người chăn nuôi đang sử dụng KS không theo qui trình chuẩn nào cả, đặc biệt là không theo hướng dẫn của NSX ghi trên bao bì, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, người đi trước chỉ dẫn người sau, nên việc họ sử dụng thế nào là quyền của từng trang trại, của các hộ nuôi.
“Trạm không thể kiểm tra mà tuyên truyền là chính bằng cách lồng ghép trong các buổi hội thảo của các Cty thuốc về địa phương tổ chức, trong đó chủ yếu nhấn mạnh đến việc sau khi sử dụng KS thì phải có thời gian cách ly trước khi xuất bán ra thị trường”, ông Thành nói.