Canh tác lúa theo hướng VietGAP an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, an toàn cho môi trường và đảm bảo truy nguyên được nguồn gốc
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai thực hiện được 27 cánh đồng lớn (CĐL) trồng lúa theo hướng VietGAP với tổng diện tích 3.405ha, với 1.500 lượt hộ nông dân tham gia. Hiệu quả kinh tế mô hình mang lại đạt từ 17 - 20 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài khoảng 2,5 triệu đồng/ha.
Trong đó, vụ hè thu thực hiện 13 cánh đồng, tổng diện tích 1.470ha, vụ đông xuân 14 cánh đồng, diện tích 1.935ha. Ông Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tham gia mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa đạt hiệu quả cao và bền vững theo hướng VietGAP, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, an toàn cho môi trường và đảm bảo truy nguyên được nguồn gốc. Nông dân thực hiện tốt việc ghi chép sổ nhật ký. Hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tạo mối liên kết 4 nhà, tăng giá trị nông sản và giảm giá thành sản xuất.
Về đầu tư, nông dân được hỗ trợ tiền chênh lệnh giữa giá lúa giống cấp xác nhận với giá lúa lương thực là 4.000 đồng/kg, với định mức 120 kg/ha và chi phí phân bón hữu cơ vi sinh tương đương 600.000 đồng/ha.
Nhờ canh tác đúng quy trình và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả nên đã giảm được từ 3 - 4 lần phun thuốc BVTV; lượng phân bón (đặc biệt là phân đạm) giảm từ 5 - 10% so với phương pháp canh tác truyền thống.
Kết quả đánh giá, vụ hè thu năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài đối chứng 0,1 tấn/ha; hiệu quả kinh tế bình quân đạt 20,1 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài cánh đồng 2,3 triệu đồng/ha. Tổng chi phí sản xuất trong CĐL là 15 triệu đồng/ha, thấp hơn 2,3 triệu đồng so với bên ngoài, nhờ giảm được lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và số lần phun xịt thuốc BVTV. Giá thành sản xuất lúa giảm 317 đồng/kg, từ đó nâng cao lợi nhuận cho nông dân.
Tương tự, vụ đông xuân năng suất lúa trung bình đạt 6 tấn/ha (do thời tiết bất lợi nên năng suất không cao), giá thành thấp hơn 470 đồng/kg so với đối chứng, hiệu quả kinh tế đạt gần 18 triệu đồng/ha, cao hơn 2,4 triệu đồng/ha so với bên ngoài.
Thực hiện CĐL đã tạo được mối liên kết 4 nhà. Trong đó khâu cung ứng lúa giống, vật tư đầu vào gồm có: Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cung ứng trên 404 tấn lúa giống; Cty Hóa nông Hợp Trí cung ứng 1.909 kg HT Super Humic, 1.273 lít Hydrophos Zn, 636,5 lít HT Casi; Cty TNHH Thanh Xuân cung ứng 2.758 lít Đại Nông 3, Đại Nông 5: 5.517 lít và 5.517 kg Đại Nông N999.
Cty KIGIMEX Kiên Giang ký hợp đồng bao tiêu giống lúa Jasmine 85 tại xã Mỹ Phước (Hòn Đất) và Thạnh Đông A (Tân Hiệp) với diện tích 503 ha, giá bao tiêu cao hơn thị trường 30 - 50 đồng/kg.
Ngoài CĐL do Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh còn có các đơn vị tham gia triển khai mô hình với diện tích 15.846 ha, gồm: Văn phòng điều phối nông thôn mới (thực hiện tại một số xã điểm), Cty CP BVTV An Giang (Tập đoàn Lộc Trời), Cty CP Nông nghiệp Phan Minh, Cty Vinaku An Giang, Cty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Cty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, Cty TNHH MTV Lương thực Phúc Hải, Cty CP Điền Tín…