Anh Hoàng Ngọc Đặng hớn hở khoe với chúng tôi về thành quả lao động của gia đình mình
Nhắc đến Bình Thuận ta sẽ nghĩ ngay đến những vườn thanh long bạt ngàn, nhưng không phải nơi đâu ở tỉnh cũng xuất hiện loại cây này. Vài năm gần đây thanh long được nhiều hộ dân ở thôn Đông Thanh, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân canh tác đại trà, mà người tiêu biểu là anh Hoàng Ngọc Đặng.
Sau hơn tiếng đồng hồ vượt qua những khe suối khô hạn, con đường đất ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng ba, chúng tôi mới tìm đến được nhà của “đại gia thanh long”.
Anh tiếp chúng tôi bằng nụ cười chân chất cùng với ấm trà hoa cúc và dĩa thanh long thơm ngọt. Nhấp một ngụm trà, thưởng thức vị ngọt mát dịu của thanh long cảm thấy cái nóng nực dường như tan biến. Nhưng ít ai biết đằng sau nụ cười ấy là biết bao gian truân và khổ cực.
Đứng giữa vườn thanh long anh tự hào khoe với chúng tôi, có những lúc giá thanh long lên 40 ngàn đồng/ kg, mỗi năm trừ chi phí anh thu về hơn 1 tỉ đồng.
Anh khởi đầu với 1.680 trụ đến nay đã có trong hơn 3.400 trụ thanh long, trong đó khoảng 2.500 trụ đang cho thu hoạch trên 3 ha đất. Cuối năm qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh sức tiêu thụ giảm nên giá thanh long chỉ còn 5 ngàn đồng/ kg - thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây. Thanh long rớt giá nên anh cũng chẳng buồn gọi thương lái tới bán.
Anh chia sẻ: cũng phải mất hơn hai tháng giá thanh long mới bình ổn trở lại. Hiện tại cũng đã lên được 15 ngàn đồng/ kg nên thu nhập cũng khá ổn định. Những quả thanh long to, tròn nặng trĩu treo lơ lửng trên những nhánh cây đang vươn ra như cố níu giữ từng giọt mồ hôi của người chăm sóc chúng mong ngày mùa bội thu.
Anh Đặng sinh năm 1976 quê ở Quảng Trị nhưng theo gia đình vào Bình Thuận lập nghiệp từ những ngày còn nhỏ. Năm 2009, từ một xã hẻo lánh của huyện Hàm Tân anh vượt hơn 60km tới huyện Hàm Thuận Nam để học hỏi kinh nghiệm và mang những cây giống đầu tiên về trồng trên mảnh đất của mình.
Nhưng để xuống được 1 hécta thanh long cho tới khi thu hoạch phải mất đến 3 năm mới cho năng suất tốt. Tính ra mỗi hecta như vậy anh phải bỏ ra khoảng 600 triệu đồng tiền đầu tư (khoan giếng, làm trụ, giống, phân bón, máy móc...).
Vốn trong tay không đủ buộc anh phải vay mượn bạn bè nhưng cũng chẳng được là bao. Cuối cùng anh quyết định vay thêm vốn ngân hàng để có khả năng chăm sóc tốt cho vườn thanh long vừa xuống giống.
Anh tâm sự: Khi quyết định vay vốn Nhà nước để trồng thanh long tôi cũng lo lắm, lỡ mà thanh long không đạt năng suất, giá thành không cao rồi tiền đâu trả nợ? Tiền đâu nuôi con ăn học? Phải mất một thời gian suy nghĩ và được sự ủng hộ của vợ tôi mới làm thủ tục vay vốn.
Dám nghĩ, dám làm cùng với sự chịu thương, chịu khó vốn có, trải qua năm tháng vườn thanh long của anh phát triển rất nhanh. Những quả thanh long đầu tiên chín đỏ trên cây khiến vợ chồng anh sung sướng, hớn hở như đứa trẻ lần đầu được người lớn cho quà.
Được chăm sóc tốt nên vườn thanh long đạt năng suất hiệu quả
Qua học hỏi, tìm tòi khắc phục những khó khăn đã giúp anh ngày càng dày dặn kinh nghiệm trong việc chăm sóc, trồng và cho ra thu hoạch. Từ đó anh giúp đỡ được rất nhiều bà con xung quanh bằng việc lập ra hội “thanh long VietGAP” gia nhập những hộ gia đình trong vùng trở thành một tổ chuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết giúp cho “kinh tế thanh long” ngày càng vững mạnh.
Hiện trong vườn nhà anh chỉ có thanh long ruột trắng và anh đang có hướng đến giống thanh long ruột đỏ vì loại này cho giá thành cao và dễ tiêu thụ. Anh cũng có nguyện vọng mong sao Nhà nước quan tâm hơn nữa đến những người nông dân trồng thanh long, giúp họ giải quyết được các vấn đề về vốn, giống, giá cả thị trường. Có như vậy bà con mới yên tâm sản xuất cải thiện cuộc sống.
Chia tay anh, chúng tôi đi ngang qua vườn thanh long sai trĩu quả, ánh lên sắc xanh hồng với những cuống tai dài như đang cố gắng hấp thụ tinh hoa nhất của đất trời rộng mở…