Chuyển đổi mạnh mẽ
Tại TX Đông Triều thì Việt Dân là một trong các xã đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi.
Đó là na dai, cam Canh, bưởi Diễn, các giống lúa chất lượng cao QR1, QR2, TBR45, lợn hướng nạc, gà ... Xã đã mạnh dạn chuyển 35 ha diện tích cấy lúa kém phát triển sang nuôi trồng thủy sản.
Việt Dân đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung phát triển các cây trồng phù hợp với thị trường, có giá trị kinh tế cao gồm 200 ha na dai; 10ha cam Canh và bưởi Diễn, 125 ha lúa có năng suất, chất lượng cao. Năm 2013 thu nhập từ cây na dai trên 100 tỷ đồng, từ cam Canh, bưởi Diễn trên 2 tỷ đồng.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Xuân Long ở thôn Xuân Thành, với hơn 1ha trồng na, mỗi năm thu nhập 300 triệu. Anh Nguyễn Văn Hào ở thôn Đồng Ý mới đầu vay Ngân hàng NN- PTNT 20 triệu mua 300 cây bưởi Diễn về trồng trên diện tích 6 sào, năm sau anh đầu tư trồng thêm 500 cây cam Canh. Đến nay trên 6 sào trồng bưởi Diễn và cam Canh mỗi năm thu nhập gần 400 triệu.
Xã Hoằng Quế chuyển đổi 80 ha diện tích đầm trũng cấy lúa không hiệu quả sang nuôi trông thủy sản tập trung như tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, rô phi đơn tính ... cho năng suất bình quân 10 tấn/ha/năm.
Tổng doanh thu từ nuôi trường thủy sản của Hoàng Quế năm 2013 đạt trên 22 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy năm 2013 Hoằng Quế hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả vượt chỉ tiêu đề ra.
Đồng chí Nguyễn Thành Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết ngay từ khi xây dựng nông thôn mới, xã đã xác định tiêu chí trọng tâm là nâng cao đời sống người dân.
Xã dồn sức làm và làm quyết liệt, nhờ vậy đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt và nâng cao với mức thu nhập bình quân năm 2013 là 32 triệu đồng/người/năm (cao gấp 2,15 lần mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn). Số hộ nghèo của xã chỉ còn 0,5%.
Chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Trọng Pháp, vị tướng về hưu cũng là tỷ phú Đông Triều, hiện ở thôn Đồi Mít, xã An Sinh. Cụ là Cục trưởng A16, Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 60 năm tuổi Đảng, 86 năm tuổi đời. Năm 1993, nghỉ hưu, cụ không ở Hà Nội mà về làm lão nông tri điền ở huyện Đông Triều.
Cụ là người có sáng kiến thụ phấn cho na theo phương pháp nhân tạo. Quả na ra hoa, cụ thuê người dùng bút lông quệt phấn na vào từng nụ hoa. Cách làm này quả đậu 100%.
Sau khi đậu quả cụ lại tỉa bớt chỉ để lại những quả na đẹp, nên na của vị tướng bao giờ cũng bán được giá. Đồi na của cụ thu hoạch mỗi năm trừ chi phí lãi 600 triệu đồng. Na dai ở Việt Dân, Bình Khê, An Sinh đã có thương hiệu.
Hai xã Nguyễn Huệ, Bình Khê còn hình thành khu chăn nuôi tập trung. Xã Xuân Sơn, Hưng Đạo quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Hưng Đạo là xã đầu tiên xây dựng cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), nhờ vậy mà năng suất cây trồng vật nuôi được nâng cao, sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ hết.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoa Phong ký hợp đồng thỏa thuận với 166 hộ dân thôn Xuân Viên 3, xã Xuân Sơn, thuê 14 ha đất trong 5 năm để trồng rau an toàn.
Hợp tác xã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau an toàn và bao tiêu sản phẩm lúa, gạo cho bà con nông dân. Hiện nay mỗi ngày hợp tác xã cung cấp trên 3 tấn rau cho nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn.
Huy động sức dân và doanh nghiệp
Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn TX Đông Triều đã có trên 3.000 hộ dân tham gia hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa với 195.000m2 đất, phá dỡ gần 13.000m2 tường bao và 1.100m2 công trình phụ, chặt trên 11.000 cây ăn quả các loại.
Nguồn vốn huy động cho mục tiêu này lên tới 727,362 tỷ đồng, chủ yếu là vốn góp của dân 481,16 tỷ, vốn huy động từ các doanh nghiệp 126,946 tỷ.
Điển hình như việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng trạm y tế xã Xuân Sơn với kinh phí 2,8 tỷ. Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long ủng hộ 100 tấn xi măng xây dựng 2 trường tiểu học và trung học cơ sở xã Kim Sơn...
Hội Cựu chiến binh với phong trào “Thắp sáng làng quê” có 172/173 khu dân cư lắp điện chiếu sáng đường làng, ngõ xóm với 8.369 cụm bóng đèn, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, đoàn thể và toàn dân, Đông Triều đã làm mới gần 100km đường bê tông giao thông liên thôn, xã, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, 100% xã có nhà văn hóa, khu thể thao đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu hoạt động, sinh hoạt cộng đồng.
Đông Triều cũng là một trong những địa phương đi đầu tỉnh Quảng Ninh trong việc kiên cố hóa trường học, gắn liền với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Năm 2013, Đông Triều có thêm 17 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện lên 68/87 trường, đạt 78,2%. Đông Triều cũng là huyện làm tốt việc giải quyết việc làm và dạy nghề cho lao động nông nghiệp. Năm 2013 toàn thị xã đã tạo việc làm mới cho 2.580 lao động, mở hàng chục lớp dạy nghề, góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 60% lao động nông thôn, giảm tỷ lệ nghèo xuống 1,13%, 100% xã không có nhà tạm, nhà dột nát.
Hiện nay Đông Triều đang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khu sản xuất tập trung, các mô hình kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, đưa các cây giống, con giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất...
Nhờ vậy, đến năm 2013 Đông Triều có 11 xã đạt chuẩn gồm Kim Sơn, Được Chính, Hồng Phong, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Việt Dân, Bình Khê, Hoàng Quế, Nguyễn Huệ, Bình Dương, Yên Thọ.