Khởi động dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (13/04/2016)

Sở NN-PTNT Kiên Giang vừa phối hợp với UBND một số huyện trong tỉnh tổ chức khởi động dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) giai đoạn 2015 - 2020.


Sở NN-PTNT Kiên Giang phối hợp với UBND một số huyện trong tỉnh tổ chức khởi động dự án

TS Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, Trưởng Ban quản lý dự án VnSAT cho biết, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó Kiên Giang tham gia Hợp phần B (hỗ trợ sản xuất lúa bền vững) và Hợp phần D (quản lý dự án). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 14,579 triệu USD (315,5 tỷ đồng), trong đó vốn ODA hỗ trợ 9,406 triệu USD, vối đối ứng của tỉnh 1,722 triệu USD và vốn người dân tham gia dự án đóng góp 3,451 triệu USD.

Địa bàn thực hiện dự án gồm 5 huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất và Giang Thành, có 46 hợp tác xã và 235 tổ hợp tác với 14.446 hộ tham gia, tổng diện tích canh tác 29.560ha.

Trong đó, chuyển đổi luân canh trên đất lúa 600ha (chủ yếu ở huyện Giang Thành), theo cơ cấu mùa vụ: lúa đông xuân - màu xuân hè - lúa hè thu.

Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, có 22.170/29.560ha (75% diện tích tham gia dự án) áp dụng thành công gói kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng; 11.085ha áp dụng thành công 1 phải - 5 giảm; 20 hợp tác xã đạt các tiêu chí của dự án.

Ông Hoàng Trung Kiên, GĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết thêm, dự án bao gồm nhiều hoạt động hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ các chương trình khuyến nông quy mô lớn; đào tạo cán bộ cấp tỉnh, huyện và cán bộ dự án; hỗ trợ thông tin, truyền thông; mua sắm trang thiết bị kiểm định, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng lúa giống, thí nghiệm và kiểm tra chất lượng nông sản; tham quan học tập kinh nghiệm...

Theo ông Kiên, các hoạt động khuyến nông được dự án hỗ trợ gồm: “Hỗ trợ sản xuất lúa theo VietGAP; Chuyển giao các tiến bộ canh tác lúa 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, kỹ thuật IPM và ứng dụng công nghệ sinh học phòng trừ dịch bệnh, nhằm mục đích giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh của lúa gạo. Hỗ trợ sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm rơm.

Hỗ trợ đào tạo và phát triển HTX theo luật mới (4 người/HTX), xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đầu tư trang thiết bị cho HTX như xây kho trữ lúa 500 tấn, máy gặt đập liên hợp, lò sấy, trạm bơm điện, máy cày và máy san phẳng mặt ruộng…”.

Theo Đ.T.CHÁNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 201
Tổng truy cập: 39333740