Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp "Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam" (15/04/2016)

Ngày 12/04/2016, tại Bình Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề "Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam".

Tại Diễn đàn, các báo cáo tập trung vào một số nội dung chính như: thực trạng và giải pháp quản lý về chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi; Ảnh hưởng của một số chất cấm trong chăn nuôi đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng; Hoạt động khuyến nông góp phần hạn chế việc sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi tại các tỉnh thành phía nam; Công tác quản lý việc sử dụng hóa chất, chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương…

Trong những năm gần đây, thực phẩm không an toàn, kém vệ sinh gây tổn hại lớn cho xã hội; Gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế mỗi quốc gia. Thực phẩm không an toàn cũng là rào cản về thương mại quốc tế trong giai đoạn hội nhập WTO. Trên thị trường Việt Nam đã xảy ra các vấn đề gây mất an toàn thực phẩm đáng báo động: sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi.

Theo điều tra đánh giá thực trạng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi tại một số trang trại chăn nuôi của Cục Chăn nuôi, tại trại chăn nuôi gà thịt, có 7/19 loại kháng sinh (Amprolium, Bacitracin Zinc, BMD, Chlortetracycline, Lincomycin hydrochloride, Oxytetracyline, Salinomycin) trong quy chuẩn được các cơ sở chăn nuôi sử dụng. Tất cả các trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy định tại quy chuẩn.

Ngoài ra còn có 5 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn cũng được sử dụng để phòng bệnh (Colistin, Doxycilin, Enrofloxacin, Sulfachloropyrazine, Trimethoprim).

Các trại chăn nuôi (kể cả quy mô lớn và quy mô nhỏ) đều không biết sử dụng kháng sinh liều thấp có tác dụng kích thích sinh trưởng. Tuy nhiên, các trại đều cho rằng chỉ sử dụng theo mùa hoặc khi có dấu hiệu bệnh. Tại trại chăn nuôi lợn thịt, chỉ có 4/9 loại kháng sinh trong quy chuẩn (Bacitracin Zinc, Chlotetracycline, Lincomycin hydrochloride, Tylosin Phosphate) được sử dụng.

Hầu hết các đơn vị đều dùng với mục đích phòng bệnh, tuy nhiên, hàm lượng sử dụng cao hơn quy định 2 - 4 lần. Các đơn vị cũng cho rằng chỉ sử dụng khi có dấu hiệu lợn mắc bệnh hoặc sử dụng theo mùa trong thời gian từ 3 - 10 ngày tùy từng loại kháng sinh. Chỉ có 56/86 (chiếm 65%) cơ sở có quan tâm đến kháng sinh trong thức ăn khi mua. Tuy nhiên, có 46/86 (chiếm 53%) số trại chăn nuôi trộn kháng sinh vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi với mục đích phòng bệnh và trị bệnh. Chỉ có 47/86 cơ sở chiếm 54,7% số cơ sở đã ngừng sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh theo quy định.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 05 Hoạt động khuyến nông góp phần hạn chế việc sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi tại các tỉnh thành phía Nam, đó là:

1- Tích cực thực hiện và triển khai chăn nuôi VietGap và theo hướng VietGap, chăn nuôi hữu cơ;

2- Tham gia xây dựng tổ HTX, chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt nhất chất cấm trong chăn nuôi và tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn;

3- Tăng cường thực hiện, chuyển giao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi;

4- Chuyển giao nhanh các  tiến bộ kỹ thuật mới  vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi;

5- Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các chất thay thế chất bị cấm sử dụng trong các mô hình khuyến nông.

Hoạt động khuyến nông đã và đang tích cực thực hiện và triển khai: Quyết định số 2970/QĐ-BNN-CN ngày 23 tháng 11 năm 2012; QĐ 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc thực hiện 8 qui trình chăn nuôi VietGAHP, đó là chăn nuôi Bò sữa, bò thịt, heo, vịt ngan, gà, dê thịt, dê sữa và bò thịt.

Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã phối hợp với  dự án Lifsap tỉnh Đồng Nai tổ chức tập huấn VietGAHP heo tại 52 nhóm GAHP của 3 huyên Xuân lộc Long Khánh, Thống Nhất; Đã có 622 hộ đã được chứng nhậnVietGAHP tỷ lệ đạt 89,88%.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp thực hiện mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản áp dụng quy trình VietGAHP với số lượng 40 con, tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Mô hình thực hiện tại huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình và Lai Vung.

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm nông hộ theo VietGAHP. Tham dự lớp tập huấn là 11 nông dân chủ chốt, chủ trang trại và 18 cộng tác viên khuyến nông trên địa bàn các xã/phường/thị trấn trong tỉnh.

Tại Diễn đàn, Cục Chăn nuôi đã đề ra một số giải pháp quản lý sử dụng kháng sinh trong TACN cho phù hợp với thực tiễn quản lý và sản xuất hiện nay:

- Tiếp tục bổ sung kháng sinh cấm vào Danh mục kháng sinh cấm sử dụng trong TACN;

- Ban hành Danh mục kháng sinh được phép sử dụng với mục đích KTST trong thức ăn chăn nuôi và hàm lượng cho phép (tối thiểu – tối đa);

- Quy định về sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi (chỉ sử dụng khi có bệnh, tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán, áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAP);

- Tổ chức sản xuất theo chuỗi để có thể truy xuất được sản phẩm có tồn dư kháng sinh cao và có biện pháp xử lý theo quy định;

- Nâng cao năng lực thử nghiệm cho các phòng phân tích kháng sinh; Thành lập nhóm công tác kiểm tra đột xuất việc lạm dụng sử dụng kháng sinh ngay tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt lưu ý các nhóm hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn;

- Thanh tra Bộ phát huy đường dây nóng phối hợp với Cục C49 và các đơn vị có liên quan tổ chức trinh sát, xác minh, thanh tra, kiểm tra đột xuất khi nhận được thông tin về các dấu hiệu vi phạm pháp luật và là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện các đợt kiểm tra cao điểm, tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị liên quan;

- Văn phòng Bộ và Trung tâm Khuyến nông phối hợp cơ quan báo, đài ở trung ương và địa phương có kế hoạch thực hiện cụ thể để tổ chức tốt công tác truyền thông, tuyên truyền.

Theo www.mard.gov.vn/
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 210
Tổng truy cập: 39333740