Sơ chế thanh long
Theo ông Trần Duy Minh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra pháp chế, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), trong năm 2016, chương trình thanh tra của NAFIQAD sẽ tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất, giảm các cuộc thanh tra theo kế hoạch; tập trung thanh tra đối với cơ sở quy mô lớn, mức ảnh hưởng rộng nếu sản phẩm bị mất ATTP; đối tượng thanh tra là các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Sở dĩ năm nay, thanh tra theo kế hoạch sẽ giảm xuống và thanh tra đột xuất tăng là bởi thực tế những năm qua cho thấy thanh tra theo kế hoạch thường phải lên kế hoạch trước cả năm mà hiệu quả không cao, còn thanh tra đột xuất có hiệu quả cao hơn nhiều.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hậu Giang, cũng đồng tình với việc phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất. Bởi kinh nghiệm ở Hậu Giang cho thấy những vụ bắt quả tang hành vi vi phạm ATTP như dùng nhựa thông nhổ lông vịt, bơm nước vào bò, heo, đều từ thanh tra đột xuất.
Để thanh tra đột xuất có hiệu quả tốt nhất, NAFIQAD đề ra những tiêu chí lựa chọn đối tượng như sau: Các cơ sở có mức ảnh hưởng lớn về ATTP khi sản phẩm mất an toàn và có dấu hiệu vi phạm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước NK cảnh báo không đảm bảo chất lượng, ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bị người dân, báo chí phản ánh vi phạm về chất lượng, ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP và không thực hiện khắc phục theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; cơ sở xếp hàng 4 theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT; thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ NN-PTNT.
Với các Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản của các tỉnh, TP, thanh tra đột xuất sẽ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao, ảnh hưởng rộng nếu sản phẩm mất ATTP; tập trung cơ sở thuộc phạm vi quản lý có hành vi vi phạm hoặc có thông tin phản ánh của người dân, báo chí ở địa phương; cơ sở xếp loại C, tái kiểm vẫn loại C…
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, trong năm nay, công tác thanh tra VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ tập trung vào các loại vật tư và hành vi sử dụng vật tư liên quan trực tiếp đến ATTP gồm: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; buôn lậu thuốc BVTV và lạm dụng thuốc BVTV.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh kết nối các chuỗi thực phẩm an toàn với người tiêu dùng. Đây là một công việc quan trọng mà thời gian qua ngành nông nghiệp chưa làm được nhiều. Ở một số địa phương, đã có những thành công trong việc kết nối các chuỗi sản xuất an toàn với người tiêu dùng.
Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Sơn La, cho biết, Sơn La đã xây dựng thành công nhiều chuỗi thực phẩm an toàn, gắn kết với các nhà phân phối, tiêu biểu như chuỗi rau an toàn Mộc Châu đã đưa được sản phẩm vào một số hệ thống siêu thị của Việt Nam hay có vốn nước ngoài.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, PGĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, trên địa bàn TP đã có 46 cơ sở tham gia xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn. Sở Công thương TP.HCM đã yêu cầu tất cả các hệ thống siêu thị trên địa bàn chỉ được kinh doanh nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, do đó đã tạo động lực để các hệ thống phân phối bắt tay với các doanh nghiệp, HTX xây dựng những chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...
Bộ NN-PTNT cũng chỉ thị NAFIQAD chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ: Phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích các hóa chất, phụ gia công nghiệp trong bảo quản, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Chi cục địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở bảo quản. sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm việc sử dụng vàng ô, phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia không được phép để ngâm, tẩm, ướp, bảo quản, tạo màu thực phẩm.