Nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững (18/04/2016)

Cục Trồng trọt phối hợp Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời vừa tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò hữu cơ sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững” tại Trung tâm Nông nghiệp Định Thành (An Giang).


Sản phẩm cây trồng canh tác theo phương pháp hữu cơ sinh học

Theo Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình điển hình đi tiên phong SX nông nghiệp hữu cơ như SX gạo thơm hoa sữa của Cty CP Thương mại và SX Viễn Phú (Cà Mau); mô hình chè GAP và hữu cơ ở tỉnh Lâm Đồng do TS Phạm S nghiên cứu, chỉ đạo SX; mô hình cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang...

Từ năm 2005-2012, dự án nông nghiệp hữu cơ do tổ chức ADDA (Đan Mạch) tài trợ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Bắc Giang với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai như rau xanh, các loại cá nước ngọt, cam sành, vải thiều… xây dựng được 88 nhóm nông dân, 3 mô hình SX nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 25 ha. Dự án SX chè an toàn, chè hữu cơ bền vững do tổ chức Agriterra (Hà Lan) tài trợ, triển khai tại 4 xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (TP Thái Nguyên) và La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên)...

Từ tháng 7/2014 Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành đã SX sản phẩm Trichoderma sử dụng trên lúa, rau màu, cây ăn trái và cây công nghiệp; SX các chế phẩm phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu sinh học và nhiều loại chế phẩm sinh học trong bộ sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ sinh học cải tạo đất, chế phẩm vi sinh bảo vệ cây trồng.

Bên cạnh đó, tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang,  Tập đoàn Lộc Trời đang xây dựng nhà máy SX phân hữu cơ sinh học An Thịnh Điền, với công suất 6.500 tấn/năm và dự kiến những năm tiếp theo sẽ mở rộng lên 50.000 tấn/năm nhằm đáp ứng một phần nhu cầu phân bón ở Hậu Giang và khu vực lân cận trong vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, với những kinh nghiệm lâu đời của nông dân đã tích lũy được cùng với nguồn tài nguyên dồi dào để chế biến các loại phân hữu cơ, thuốc sinh học thì nước ta hoàn toàn có thể SX được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.


Tham quan quy trình canh tác lúa sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh

PGS.TS Phạm Văn Kim, nguyên Trưởng Bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ, nhận xét: Chúng ta đang sử dụng quá nhiều thuốc BVTV hóa học trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, mắc tiền, không bền vững. Cần sớm hoàn thiện quy trình ứng dụng biện pháp sinh học vào SX lúa, hoa màu...

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: "Với chiến lược “Nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng, môi trường” mà Tập đoàn Lộc Trời triển khai rộng khắp, người nông dân sẽ được cung cấp những giải pháp canh tác hữu cơ sinh học để tạo ra nguồn nông sản chất lượng an toàn và giá trị hơn. Việc canh tác hữu cơ góp phần khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường tự nhiên để phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai”.

Theo HỮU ĐỨC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 208
Tổng truy cập: 39333740