Những vườn cây bạc tỷ (18/04/2016)

Vùng đất Quỳ Hợp (Nghệ An) là cái nôi của thương hiệu cam Vinh, nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển cây có múi, đặc biệt là cây cam.


Vườn cam bạc tỉ của ông Văn Đức Lưu

Ngoài các giống cam đã làm nên thương hiệu cam Vinh như cam Xã Đoài, Vân Du, người trồng cam nơi đây còn du nhập thêm nhiều giống cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao như V2, cam Xã Đoài chín muộn, cam mát...

Nghề trồng cam đang thịnh, cây cam đã giúp người nông dân đổi đời, vùng cam trù phú này đang giúp các nhà vườn đút túi tiền tỉ mỗi năm.

Giữa tháng tư, đường vào xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) thơm nức mùi hoa. Lũ ong mải miết đi tìm mật trên những mái đồi trập trùng nở đầy hoa cam, hoa quýt. Thi thoảng bắt gặp những vườn cam vàng rực, quả sai trĩu cành.

Cách dăm trăm bước chân lại có một giếng nước, một lều canh cam... Con đường rải nhựa rộng thênh thang, trải dài tít tắp được phân định với các vườn cam bởi hai dãy cọc bê tông chằng chịt dây thép gai. Chúng tôi đang đi về vựa cam cam xứ Nghệ, một vùng quê phồn thịnh đầy sức sống đang hiện dần trước mắt.

Ông Hoàng Minh, Chủ tịch Hiệp hội cam Vinh, Giám đốc Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành giải thích: “Thiên nhiên ưu đãi vùng đất này nhiều thứ, không ở đâu trên vùng đất Nghệ An này có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt hơn cho cây cam phát triển. Cây cam trên vùng đất Minh Hợp cành to, khỏe khoắn, ít sâu bệnh, quả có vị ngọt đậm đà ít vùng sánh kịp.

Tuy nhiên, khi mới chuyển đổi sang trồng cam, năng suất, sản lượng thấp, thời gian thu hoạch chỉ vỏn vẹn 40 ngày là hết. Lúc đó, các hộ mới chỉ trồng một vài giống cam, thời gian thu hoạch tập trung, giá cam xuống dốc nên hiệu quả kinh tế thấp…”.

Để khắc phục điều đó, những người trồng cam ở Quỳ Hợp đã không ngừng học hỏi kỹ thuật canh tác, du nhập nhiều giống cam mới. Ngoài mục đích nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng thì việc kéo dài thời gian thu hoạch, rải vụ sẽ giúp công tác bảo quản tốt hơn, cam được giá. Nếu trước đây, thời gian thu hoạch cam trên cây chỉ 40 - 50 ngày thì nay, mùa cam hầu như khép kín thời gian trong năm, hễ loại cam này sắp thu hoạch thì các loại cam, quýt khác đã phủ hoa trắng cành.

Trên chuyến xe về vùng cam trù phú nhất xứ Nghệ, chúng tôi được nghe kể về những cây cam có thể đem đến cho người nông dân nguồn thu trên chục triệu đồng mỗi năm, đủ để mua được vài ba tấn thóc. Theo ông Văn Đức Lưu, một hộ trồng cam tại xóm Minh Thành, ở đây đã có nhiều hộ chỉ bán một cây cam là đủ tiền mua thóc ăn cả năm trời.

“Đất đai ở đây rất phì nhiêu, cây trồng xanh tốt quanh năm. Nhiều nhà vườn sở hữu những cây cam lực lưỡng, có đến vài, ba trăm kg quả. Những cây cam như thế quả thường không to nhưng rất sai, mỏng vỏ, mọng nước, tép cam có màu vàng mật ong non, ăn ngọt lừ, vị đậm đà khó quên. Nhưng cứ độ chục ha cam (khoảng 5.000 cây – PV) thì mới có vài ba cây như thế và thường nằm ở độ tuổi từ 6 - 10 năm”, ông Lưu chia sẻ.

“Năm 2015, cam V2 mất mùa nhưng trúng giá. Nắng hạn kéo dài, nên 2 ha cam sáu năm tuổi của ông Trần Đình Quý chỉ thu về trên 10 tấn quả nhưng tư thương vào tận vườn tranh nhau hái ngang với giá 70.000 đồng/kg.

“Minh Hợp hiện có 2,7 nghìn hộ dân, trong đó có 70% hộ trồng cam với tổng diện tích 1,2 nghìn ha. Nhờ trồng cam, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%. Toàn xã hiện có 230 xe ô tô, trong đó có 200 xe con đắt tiền. Xã Minh Hợp cán đích NTM năm 2015 huy động sức dân gần 40 tỷ đồng”, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hợp.

Có thời điểm, cam khan hiếm nên giá cam lên đến 150.000 đồng/kg cũng không có bán. Ước tính, năm 2015 ông Quý đút túi gần 1 tỷ đồng. Có cây cam cho trên 200 kg quả, ông bán được gần 15 triệu đồng. Gặp những cây cam như thế thì ăn đứt 4 - 5 sào lúa rồi! Đây không phải là trường hợp cá biệt, còn nhiều hộ nữa có những cây cam trị giá trên 10 triệu đồng”, ông Minh xác nhận.

Năm nay, cam V2 chín muộn, năng suất, sản lượng cao nhưng không được giá như những năm trước. Tuy vậy, vườn cam 6 năm tuổi của ông Lưu dự kiến cũng sẽ mang về trên 1 tỷ đồng.

“Trước đây, 1 ha này tôi trồng mía, mỗi năm giỏi lắm cũng được 80 tấn, trừ chi phí, lãi ròng khoảng 30 triệu đồng. Từ năm 2010 tôi chuyển sang trồng cam V2, số vốn đầu tư cũng đã xấp xỉ 700 triệu đồng. Những năm trước tôi đều thu về 10 - 15 tấn quả/năm, thu đã bù chi. Năm nay, cam V2 chín muộn, được mùa, gia đình tôi ước tính sẽ thu được 25 tấn quả. Với giá bán ngang tại vườn là 50 nghìn đồng/kg, tôi thu về trên 1,2 tỷ đồng. So với trồng mía thì hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần”, ông Lưu chia sẻ.

Ước tính, cam V2 trái vụ năm nay, các công nhân nhận khoán đất trồng cam của Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành thu về khoảng 500 tấn. Với giá cam như hiện nay, nông dân đút túi trên 20 tỷ đồng. Giờ thì những vườn cam bạc tỉ tại Minh Hợp không còn xa lạ nữa, nông dân trồng cam xây nhà cao tầng, tậu xe sang cũng trở thành chuyện thường tình. 


Cam Vinh trên đất Minh Hợp mọng nước, thơm ngon ít nơi sánh kịp

Ông Hoàng Minh phấn khởi: “Có 1.200 hộ nhận khoán đất của Cty để trồng cam. Trong số này, chỉ một hộ mẹ nuôi con đơn thân được xét thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ trồng cam, cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Vì thế, nếu tính hộ mua sắm được xe sang tiền tỉ như Camry, Fortuner, Santafe, xe bán tải, xây nhà cao tầng… thì còn khó hơn ngồi đếm số hộ nghèo.

Nhờ trồng cam, đến nay nhiều hộ đã mua xe xịn như ông Nguyễn Đăng Thành mua Santafe hơn 1,4 tỷ đồng; Lê Xuân Minh mua xe Camry hơn 1 tỷ đồng; các hộ ông Hồ Xuân Cởi, Phạm Xuân Tiến… nhờ có cây cam mà cũng vừa mua xe Fortuner 7 chỗ. Riêng năm 2015, người trồng cam Minh Hợp sắm thêm 6 xe Fotuner.

Cũng nhờ cây cam, việc huy động xây dựng NTM, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội rất thuận lợi. Làm nông nghiệp, tậu xe sang, chắc chỉ có nông dân Minh Hợp mới làm được như vậy. Cánh đồng mẫu lớn ở đây giá trị 300 - 500 triệu/năm, quá cao so với những gì nông dân hằng mơ ước”.

Theo VÕ VĂN DŨNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 207
Tổng truy cập: 39333740