Rau VietGAP ở Kbang (18/04/2016)

Bà Trần Thị Mai, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Kbang, cho hay, các loại rau được SX trong mô hình là súp lơ, khổ qua, cải ăn lá, xà lách, đậu cove. Ngành chức năng đã hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật theo quy trình.


Ruộng rau VietGAP trong mô hình được xây dựng tại thôn 6, xã Đông (huyện Kbang, Gia Lai)

Vụ ĐX 2015-2016, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Kbang (Gia Lai) đã xây dựng mô hình SX rau an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 5.000m2 tại thôn 6, xã Đông.

Bà Trần Thị Mai, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Kbang, cho hay, các loại rau được SX trong mô hình là súp lơ, khổ qua, cải ăn lá, xà lách, đậu cove. Ngành chức năng đã hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật theo quy trình. Theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển và sâu bệnh hại trên các loại rau được thực hiện trong mô hình và ruộng đối chứng của nông dân.

Thực hiện test nhanh hàm lượng thuốc BVTV trên rau trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đồng thời giám sát cửa hàng buôn bán đảm bảo đúng chủng loại rau, chất lượng rau của mô hình. Nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng để có hướng nhân rộng từng loại rau.

Ông Lê Văn Mỹ ở thôn 6, xã Đông, một trong những hộ tham gia mô hình trồng rau cải, xà lách và khổ qua, cho biết: “Chúng tôi thực hiện đầy đủ các khâu kỹ thuật theo quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Hàng ngày chúng tôi cùng với cán bộ chỉ đạo mô hình theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng, diễn biến sâu bệnh hại, áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại, đồng thời ghi chép đầy đủ sổ nhật ký đồng ruộng theo hướng dẫn”.

Ông Mỹ đưa ra 1 dẫn chứng về hiệu quả của mô hình: "Đối với rau cải, về phần chi phí thì giống, cày bừa đất và công lao động như nhau. Phân hữu cơ, phân lân và vôi bên ruộng đối chứng được sử dụng ít hơn; phân urea, phân kali được sử dụng cao hơn so với ruộng trong mô hình.

Riêng về thuốc BVTV và phân bón lá được nông dân trong ruộng đối chứng sử dụng nhiều hơn từ 3 - 5 lần so với ruộng mô hình. Về năng suất, ruộng đối chứng cho thấp hơn so với ruộng mô hình 5tạ/sào, lợi nhuận cho thấp hơn ruộng thực hiện mô hình là gần 4,4 triệu đồng/sào (1.000m2)".

Còn bà Nguyễn Thị Khuyên, cùng ở thôn 6 xã Đông tham gia mô hình trồng đậu côve và súp lơ, làm phép tính cụ thể: Đối với đậu cove, lượng giống, bạt, dây kẽm, lưới, cây cắm choái và công lao động được hai bên sử dụng bằng nhau, bên ruộng đối chứng nông dân hoàn toàn không sử dụng vôi bột để xử lý đất. Các loại phân vi sinh, phân lân và phân kali ở ruộng đối chứng được sử dụng ít hơn, còn các loại phân khác được sử dụng cao hơn so với ruộng mô hình, nhất là thuốc BVTV và phân bón lá được sử dụng cao gấp 3 lần.

“Tuy nhiên, về phần năng suất thì ruộng rau tui làm trong mô hình năng suất cao hơn ruộng đối chứng 4 tạ/sào, lợi nhuận cao hơn ruộng rau ngoài mô hình gần 7 triệu đồng/sào. Test nhanh các tiêu chuẩn về hàm lượng thuốc BVTV ở ruộng thực hiện mô hình đều dưới ngưỡng được phép sử dụng, trong khi rau ở ruộng ngoài mô hình dư lượng thuốc BVTV trên ngưỡng cho phép từ 5 - 10 lần”, bà Khuyên nói.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Kbang, SX rau VietGAP đem lại lợi nhuận cao hơn rau trồng bình thường từ gần 3 triệu đồng đến hơn 10,2 triệu đồng/sào (1.000m2). Một lợi ích khác mô hình này đã mang lại là nâng cao kiến thức cho nông dân khi được chuyển giao quy trình kỹ thuật thực tế tại ruộng, từ đó nông dân làm quen với phương thức SX mới, chuyển biến nhận thức về làm rau sạch. Rau VietGAP sẽ làm sạch thị trường rau trên địa bàn, đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời góp phần tác động tích cực tới môi trường.

Theo bà Mai, SX rau VietGAP chẳng những đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, mà còn làm trong sạch môi trường nhờ giảm sử dụng thuốc BVTV và phân hóa học; khi áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV đúng kỹ thuật an toàn, bón phân cân đối đã góp phần lập lại cân bằng hệ sinh thái, đưa SX rau theo hướng phát triển ổn định và bền vững, sức khỏe của người SX lẫn người tiêu dùng được đảm bảo.

“Chúng tôi đề nghị UBND huyện và ngành chức năng sớm có quy hoạch vùng SX rau VietGAP tại địa bàn huyện, giúp cho các hộ dân SX rau trên địa bàn các thủ tục, điều kiện chứng nhận rau an toàn VietGAP khi mô hình được nhân rộng, đồng thời giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh”, bà Trần Thị Mai, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Kbang đề nghị.

Theo ĐÌNH VŨ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 207
Tổng truy cập: 39333740