Cam xứ Nghệ cần một vị thế vững chắc trên thị trường (19/04/2016)

Nghệ An hiện có khoảng 3.000ha cam, sản lượng cam hàng năm ước đạt 20 nghìn tấn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích cam của tỉnh có thể đạt trên 5.000ha.


Cam Vinh chủ yếu vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ, tư thương vào vườn thu mua

Sau khi xây dựng được thương hiệu cam Vinh, năng suất, sản lượng, chất lượng không ngừng tăng lên, mặt hàng cam ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, điều khiến những người trồng cam trăn trở nhất là giữ được thương hiệu và tìm đầu ra ổn định...

Đột phá khâu giống

Năm 1985, Nông trường 3/2 Quỳ Hợp được chia tách thành 2 đơn vị kinh tế. Một đơn vị vẫn giữ nguyên tên cũ. Đơn vị mới thành lập là Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, được quản lý là 1,6 nghìn ha đất sản xuất, chủ yếu là trồng cao su, chè, một ít trồng mía và cam.

Sau hơn 30 năm phát triển, đến nay cây cam trở thành cây trồng chính trên diện tích đất do Cty Nông nghiệp Xuân Thành quản lý; diện tích chè giảm dần, cây cao su ổn định ở mức 490ha.

Lúc mới chia tách, cam Vân Du, cam Sông Con, cam Xã Đoài là 3 giống chủ lực được trồng tại đây. Các tư thương chủ yếu đưa cam xuống TP Vinh tiêu thụ và tên gọi cam Vinh cũng xuất hiện từ đó. Nhưng thực tế, sản lượng ít, thường chín tập trung cùng một thời điểm (khoảng tháng 11 - 12) nên việc bảo quản gặp khó khăn, tư thương lợi dụng ép giá. Trong khi đó, nhiều thời điểm, giá tăng chóng mặt nhưng nông dân không còn cam trong vườn.

Nhiều công nhân trồng cam lâu năm đã hiến kế cho Cty, ngoài các giống cam bản địa cần đa dạng hóa các giống cam trên địa bàn để kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất, sản lượng.

Năm 2004, được Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đã chuyển một số diện tích cam giống cũ, già cỗi sang trồng cam V2. Cam V2 thích ứng đến ngỡ ngàng trên vùng đất này. Nhờ thế, thời gian thu hoạch được kéo dài từ tháng 11 năm trước đến đầu tháng 4 năm sau.

Năm 2010, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành tiếp tục được Trung tâm Nghiên cứu & phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) chuyển giao kỹ thuật trồng cam Xã Đoài chín muộn. Đây là giống cam mới, năng suất có thể đạt 20 - 25 tấn/ha, chất lượng không thua kém giống cam Xã Đoài cũ và thời gian thu hoạch diễn ra từ tháng 12 đến tháng 1.

Sau đó, nông dân đã chủ động chuyển một số diện tích chè sang trồng giống quýt PQ. Giống quýt này rất “có duyên” với vùng đất Minh Hợp, vị đậm đà hơn hẳn so với khi được trồng trên những vùng đất khác, năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha, giá bán dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, rất phù hợp với đối tượng khách hàng bình dân.

Những năm gần đây, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành còn trồng tập trung được vùng cam mát có diện tích 40ha, năng suất cao, chất lượng khá.

Cũng trong năm 2010, ba giống cam Vân Du, Sông Con, Xã Đoài trồng trên vùng đất thuốc các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu cam Vinh. Người trồng cam chính thức bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ vừa sản xuất vừa bảo vệ thương hiệu.

Việc du nhập nhiều giống mới khiến công tác nhân giống trở thành yếu tố quyết định chất lượng đầu vào. Những năm đầu, người trồng cam thường phải ra phía Bắc mua cây giống. Nhưng gần 10 năm lại đây, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đã chủ động được nguồn cây giống phục vụ nhu cầu tại địa phương và một số huyện phụ cận. Với 4 nhà lưới ươm cây, mỗi năm Cty sản xuất và cung ứng cho người dân khoảng 30 vạn cây giống, chủ yếu là các giống cam chất lượng cao.

Nhìn chung, các giống cam được đưa về trên vùng đất Quỳ Hợp đều thích ứng được với điều kiện khí hậu địa phương và cho chất lượng cao. Từ vườn ươm của Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, một lượng lớn cây giống cam V2, Xã Đoài được đem trồng tại một số huyện khác của tỉnh Nghệ An và cho năng suất, chất lượng tốt.

Như vậy, từ ba giống cam chủ lực làm nên thương hiệu cam Vinh, đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã xuất hiện nhiều giống cam cho năng suất cao. Về chất lượng, những giống cam này không thua kém các giống cam bản địa. Từ lâu, người tiêu dùng mặc nhiên thừa nhận những giống cam mới này chính là cam Vinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cây cam đang “lên ngôi” như hiện nay, giữ được thương hiệu không phải là điều dễ dàng gì.

Cần những cuộc “cách mạng” lớn

Xã Minh Hợp hiện có 1.280 hộ nhận khoán 808ha đất trồng cam, quýt của Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành. Trong đó có 336ha kinh doanh, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 5,5 nghìn tấn quả. Dự kiến, hết năm 2016, diện tích cam kinh doanh của Cty sẽ tăng lên 360ha, sản lượng vượt mốc 7 nghìn tấn.


Thương hiệu cam Vinh còn chưa mạnh

Với sản lượng như hiện nay, các hộ dân nhận khoán đất của Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành chủ yếu vẫn tiêu thụ thông qua các kênh nhỏ lẻ. Đến mùa cam, tư thương đến tận vườn thu hái, vận chuyển xuống TP Vinh và các địa phương khác tiêu thụ.

Những năm được mùa, sản lượng lớn, cung vượt cầu, người trồng cam lại chịu cảnh tư thương ép giá. Nhất là trong điều kiện gió Lào khô nóng tại Nghệ An, các nhà vườn đứng ngồi không yên. Ý tưởng bảo quản quả trên cây, nhà bảo quản lạnh, xây dựng nhà máy chế biến nước cam ép đã mở ra trước mắt nhưng để hiện thực hóa vẫn còn cả một chặng đường dài.

Trong khi đó, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành vẫn chỉ đóng vai trò là chủ hợp đồng cho thuê khoán đất, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tuyển chọn, sản xuất cây giống cung cấp cho bà con. Về công tác tiêu thụ, hiện nay Cty cũng mới chỉ bao tiêu sản phẩm cho người dân khoảng 10% (khoảng 500 tấn/năm).

Bao bì, nhãn mác thương hiệu cam Vinh vẫn hết sức đơn giản, thủ công; quả cam khi xuất bán không được dán tem, chỉ được đóng trong thùng cát tông. Trong khi đó, vì lợi nhuận, nhiều lái buôn sẵn sàng tuyển chọn cam ở những vùng khác, chất lượng kém hơn rồi khoác lên mình thương hiệu cam Vinh, đánh lừa người tiêu dùng. Vì thế, khi mua cam Vinh trên thị trường, người tiêu dùng vẫn còn bán tín bán nghi.

Ông Hoàng Minh, Chủ tịch Hiệp hội cam Vinh, Giám đốc Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho biết: “Nếu muốn ăn được cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, cam Vinh chính hiệu, hoặc lên tận vườn hái hoặc mua thông qua các mối thân tín. Mua ngoài thị trường, xác suất mua đúng cam Vinh chỉ là 50%.

Những năm qua, Cty đã mở được một số điểm giới thiệu, bán cam Vinh tại TP Vinh, Đà Nẵng, Hà Nội… Con em quê hương, khi xa quê cũng góp phần rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu và tiêu thụ cam Vinh thông qua việc nhận chuyển bán cho một số mối quen. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ qua các kênh này rất hạn chế và cách tiêu thụ như vậy cũng không phải là phương án lâu dài”.

Khó khăn nhất khi năng suất, sản lượng tăng dần là công tác bảo quản. Nếu bán không hết, nông dân chỉ còn mỗi cách là bảo quản trên cây. Cách bảo quản này không kéo dài được lâu, ảnh hưởng đến chất lượng quả cam và làm giảm năng suất những vụ tiếp theo.

“Nếu không xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quản lý chặt chẽ đầu vào, tìm đầu ra ổn định thì trong tương lai gần, người trồng cam sẽ gặp khó.

Quả cam không chỉ cần năng suất, sản lượng, chất lượng cao mà cần phải tiến tới… an toàn cao. Chỉ có như vậy mới “xưng vương” được ở các thị trường lớn và khó tính.

Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP, từ đó nhân rộng ra. Hiện Cty cũng đang tìm đối tác chuyển giao kỹ thuật bảo quản quả trên cây, tiến tới xây dựng nhà bảo quản lạnh, xây dựng nhà máy nước ép tại KCN Sông Dinh theo hướng xuất khẩu.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần một nguồn vốn rất lớn, nếu không tranh thủ được các dự án lớn thì rất khó thực hiện. Vì thế, thương hiệu cam Vinh vẫn còn nhiều điều trăn trở” - ông Hoàng Minh trải lòng.

Theo VÕ VĂN DŨNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 202
Tổng truy cập: 39333740