Hướng tới sản phẩm lúa nếp đạt chứng nhận VietGAP, nhóm cán bộ trường Đại học Hải Phòng vừa triển khai nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng.
Giống quý
“Nếp cái hoa vàng Hải Phòng” là giống bản địa, thuần Việt, có từ rất lâu đời, hiện nằm trong Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn của nước ta. Giống này hiện tập trung ở 3 xã liền kề thuộc huyện Tiên Lãng: Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường. Trong đó, Tiên Cường và Tự Cường chỉ có khoảng 100 hộ trồng.
Nếp cái hoa vàng ngon nhất và được trồng nhiều nhất tại xã Đại Thắng. Nơi đây có đồng ruộng bao la, bằng phẳng, được phù sa sông Văn Úc và sông Mía bồi đắp nên có một điều kiện thổ nhưỡng riêng, rất phù hợp cho giống nếp cái hoa vàng. Giống lúa này hạt mẩy, tròn, gạo dẻo và thơm. Vào vụ mùa, nhà nào ở Đại Thắng cũng cấy nếp cái hoa vàng.
Theo ông Lương Thanh Sắc, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, toàn xã hiện có hơn 1.000 hộ trồng trên 270ha lúa nếp cái hoa vàng (tương đương hơn 90% diện tích đất nông nghiệp của xã). Giống lúa đặc sản này cho giá trị kinh tế cao gấp đôi các giống nếp khác và gấp 4 lần lúa tẻ.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp tạo ra nhiều giống lúa nếp mới với năng suất, chất lượng cao nhưng khó có giống nào vượt nếp cái hoa vàng về chất lượng. Giống nếp đặc biệt này thơm ngon nổi tiếng khắp vùng, người dân địa phương thường dùng đồ xôi, nấu rượu, làm tương, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp, nhất là bánh chưng… Bánh chưng gói bằng nếp cái hoa vàng dẻo thơm và có thể để được 3 tuần trong mùa lạnh mà không bị lại gạo.
Ngoài ra, rượu nếp cái hoa vàng cũng là một sản phẩm đặc biệt của địa phương. Ai đã về Tiên Lãng uống rượu nếp cái hoa vàng thì chắc hẳn sẽ không quên được vị êm, hương cay nồng hòa lẫn hương thơm của nếp, không gây đau đầu và háo nước như uống các loại rượu khác. Địa phương còn xây dựng nhãn hiệu tập thể cho riêng sản phẩm “Rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng”.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Thắng vui mừng chia sẻ, áp dụng quy trình VietGAP tạo thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất tập trung, đồng thời nông dân cũng thuận tiện hơn trong chăm sóc lúa, giúp nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.
|
Sau thu hoạch, rơm nếp cái hoa vàng còn dùng làm giá thể trồng nấm, nhất là nấm sò. Với giá thể này, nấm không những có năng suất cao gấp 3 - 4 lần giá thể thông thường mà còn thơm ngon, giòn vượt trội.
“Chắp cánh” cho đặc sản bay xa
Để tiếp tục lưu giữ và phát triển giống lúa quý, địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nếp cái hoa vàng, đồng thời hướng tới sản xuất hàng hóa lớn. Năm 2015, UBND huyện Tiên Lãng đã hoàn thành dự án “Xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận Đại Thắng - Tiên Lãng cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng”.
Dự án đã hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, hệ thống logo, nhãn mác cho sản phẩm và đã xây dựng thành công mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận, thí điểm cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này.
Sản phẩm gạo và rượu nếp cái hoa vàng
Xã Đại Thắng cũng đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn với quy trình sản xuất an toàn nhằm đưa sản phẩm vươn ra những thị trường xa hơn. Để hỗ trợ địa phương thực hiện mục tiêu đó, các nhà khoa học đã cùng chung sức. Nhóm cán bộ trường Đại học Hải Phòng đã triển khai nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho nếp cái hoa vàng trên đồng ruộng xã Đại Thắng vụ mùa 2015. Quy trình sản xuất từ quản lý vật tư đầu vào, kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… đều có sổ sách ghi chép, lưu trữ đầy đủ.
Nếp cái hoa vàng ở đây chỉ canh tác được trong vụ mùa. Đầu tháng 6 bắt đầu gieo mạ. Đầu tháng 10 lúa trỗ bông. Thời gian sinh trưởng dài, tới 160 ngày. Năng suất trung bình đạt cao nhất là 50 tạ/ha, nhưng giá trị cao, khoảng 25.000 đồng/kg.
TS. Trần Nam Trung, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, ban đầu khi đưa biện pháp kỹ thuật mới vào áp dụng, bà con rất dè dặt và chưa thực sự tin tưởng. Ví dụ như biện pháp bón lót, cấy lúa hiệu ứng hàng biên hay việc phòng trừ sâu bệnh phải thông qua quá trình điều tra thực tế trên đồng ruộng chứ không định kỳ phun thuốc như bà con vẫn làm… Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới đạt được chứng nhận.